Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 29/03/2024

Đăng ký nhận tin

Bản sắc Văn hóa Dân tộc- Nhân tố không thể thiếu trong công nghiệp thời trang

02/09/2022 10:29 SA

Trương Thị May mặc áo dài vải Lãnh Mỹ A, mở màn show thời trang Đinh Văn Thơ

Năm 2016, Di sản Thực hành Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Người dân thờ cúng Thánh Mẫu Liễu Hạnh cùng với các vị Thánh Mẫu cai quản miền trời, rừng, nước, những nhân vật lịch sử hoặc huyền thoại có công với nước, với dân… với khoảng 70 vị thần như Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão… Các yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc… trong thực hành lễ hội, lên đồng, hát văn… gắn với Tín ngưỡng Thờ Mẫu Tam phủ đã góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc của người Việt Nam, lan tỏa giá trị di sản và phát triển công nghiệp văn hóa.

Mỗi quốc gia trên thế giới đều có những biểu tượng đặc trưng gắn liền với tinh thần tổ quốc. Bên cạnh nghệ thuật ẩm thực, danh lam thắng cảnh… trang phục cũng là biểu tượng độc đáo không thể trộn lẫn của mỗi dân tộc.

Nhật Bản tự hào với Kimono, bộ quốc phục tinh tế và độc đáo, mang trong mình nét đẹp và tinh thần dân tộc của xứ Phù Tang, là linh hồn của nền văn hóa Nhật Bản. Màu sắc của kimono thường biểu thị các mùa trong năm và mỗi tầng lớp trong xã hội.

Hanbok là bộ trang phục truyền thống của những người dân Hàn Quốc, Triều Tiên có màu sắc rực rỡ rất đặc trưng. Xưa kia, trang phục của tầng lớp thượng lưu được dệt từ cây gai hoặc một loại vải nhẹ, cao cấp. Người dân thường chỉ được phép mặc áo làm bằng chất liệu cotton đơn thuần. Hàn Quốc nổi tiếng với công nghiệp dệt may phát triển vượt bậc, đặc biệt là vải, nhưng người dân vẫn giữ được phong cách riêng của quần áo bản địa.

Với Indonesia, vải Batik được tạo ra bằng kỹ thuật nhuộm sáp và in các hoa văn bằng phương pháp thủ công truyền thống. Nghệ thuật Batik đã xuất hiện từ hơn 2500 năm trước… Dù không phải là nơi sản sinh ra Batik nhưng Indonesia được coi là quốc gia của Batik, nơi nghệ thuật Batik đạt đến đỉnh cao, vải Batik được coi là một sản phẩm thương hiệu quốc gia Indonesia. Năm 2009, kỹ thuật nhuộm truyền thống Batik của Indonesia đã được UNESCO đưa vào danh sách đại diện di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Tại Việt Nam, Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, gồm các lĩnh vực khác nhau, trong đó có công nghiệp thời trang nói chung, và Ngành Dệt May nói riêng.  

Là ngành công nghiệp toàn cầu, Thời trang là nơi tập trung các nhà thiết kế- nhà sản xuất- nhà bán lẻ trên khắp thế giới hợp tác để thiết kế, sản xuất và bán quần áo, giày dép, phụ kiện, tạo ra doanh thu khoảng 2,5 nghìn tỷ USD/năm. Tại Hoa Kỳ, 4 triệu người làm việc trong ngành thời trang. Trong khi đó, Ấn Độ là một trong những nhà sản xuất hàng dệt may lớn, sử dụng khoảng 40 triệu lao động và 60 triệu lao động gián tiếp, đứng thứ hai sau ngành nông nghiệp. Cùng với xu hướng xanh hóa, phát triển bền vững, Ngành Thời trang ngày càng gia tăng việc tìm kiếm các nhà sản xuất và nhà thiết kế địa phương có những tác phẩm phản ánh được văn hóa và sở thích của địa phương, tạo được bản sắc riêng cho sản phẩm thời trang.









Sợi có nguồn gốc từ thiên nhiên ngày càng được ưu chuộng

Tại Việt Nam, với mục tiêu tập trung cho định hướng phát triển bền vững của ngành dệt may theo 2 giai đoạn từ nay đến năm 2030, từ năm 2030– 2045 theo mô hình kinh tế tuần hoàn, Thời trang Việt Nam đang hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước, từng bước tham gia vào phân khúc có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu, xuất khẩu và tiêu thụ trong nước bằng các thương hiệu riêng mang tầm khu vực và thế giới, tăng tỷ lệ nội địa hóa trong ngành dệt may. Với mục tiêu được Chính phủ đặt ra xây dựng được 30 thương hiệu dệt may Việt Nam đạt tầm cỡ thế giới, Ngành Thời trang Việt Nam đang từng bước tìm cho mình hướng đi phù hợp, có bản sắc riêng.  Bên cạnh đó, tiêu chuẩn “xanh hóa-bền vững” của các khu vực thị trường trọng yếu trên thế giới ngày càng cao về các sản phẩm dệt may thúc đẩy các nhà sản xuất trong đó có Việt Nam tìm ra nguyên liệu xanh và bền vững trên cơ sở kế thừa và phát huy tinh hoa của văn hóa dân tộc.

Những năm gần đây Thời trang Việt Nam đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ theo kịp xu hướng thế giới với sự xuất hiện của những chất liệu tự nhiên mang tính đột phá.

Với chất liệu bamboo từ cây tre
- loài cây gắn bó mật thiết với người dân Việt Nam, các công ty như Hòa Thọ với thương hiệu Merriman, Việt Tiến với Viettien, San Siaro, X28 với Belluni, May 10 với Grusz… tiếp tục cho ra mắt dòng sản phẩm mới với nhiều tính năng ưu việt như chống nhăn tự nhiên, kháng khuẩn, chống tia UV cùng khả năng giữ màu, bền vải cao. Sợi tre là nguyên liệu đang được nhiều hãng thời trang thế giới sử dụng.



Năm 2020, Việt Tiến đã tạo ra bước đột phá với bộ sưu tập sơ mi nam làm từ sợi sen và sợi bạch đàn mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc với tâm thế trân trọng, gìn giữ là sự tiếp nối truyền thống- hiện đại đầy cảm hứng.

Sợi sen được tạo nên từ quá trình tích hợp của bột hạt sen và bột lá sen-quốc hoa của Việt Nam. Những tấm vải được làm từ sợi sen có công dụng cân bằng độ ẩm và chống khô da, ít nhăn, dễ sử dụng, thoáng khí, ngăn chặn vi khuẩn sản sinh, bảo vệ sức khoẻ con người.

Vải bạch đàn được tạo nên từ thân cây bạch đàn băm nhuyễn thành bột và được kết hợp với sợi bông mềm mịn giúp mặt vải sáng mịn thoáng khí. Vải bạch đàn có kết cấu sợi vải bền chắc mang lại cảm giác mịn màng, mát lạnh, khả năng khô nhanh và ít nhăn…



Faslink kết hợp với NTK Việt ra mắt BST giới thiệu triển lãm “Sợi vải xanh”với 5 loại sợi tự nhiên: sợi cà phê, sợi sen, sợi vỏ sò, sợi dừa, sợi bạc hà tại sự kiện “Green Path - Con đường xanh”

Sợi lá dứa: Ecosoi-doanh nghiệp đi đầu trong phát triển sợi lá dứa tại Việt Nam: xuất phát điểm từ thực tế có cả triệu tấn lá dứa được bỏ đi hàng năm, năm 2021, Ecosoi đã phát triển những dòng máy như máy tách sợi, máy đánh bông, máy chải sợi để tạo ra sản phẩm chính là sợi thô và sợi đánh bông. Theo kế hoạch năm 2023, công ty sẽ có dòng sản phẩm mới là cuộn sợi công nghiệp phục vụ cho ngành thời trang. Với khách hàng hiện tại của Ecosoi là Pinatex – đơn vị sản xuất từ sợi dứa lớn trên thế giới, Ecosoi đã góp phần đưa sản phẩm sợi sinh thái Việt Nam ra thế giới.

Sợi từ thân chuối: theo Công ty Musa Pacta, từ sợi chuối, có thể làm đồ thủ công là dệt vải may trang phục cao cấp đến các hàng công nghiệp bí mật như làm giấy in tiền, sợi tơ chuối có thể để hàng năm, tận dụng được thời điểm nông nhàn của bà con các địa phương với thị trường rất rộng lớn khi thế giới đang có xu hướng giảm đồ nhựa thậm chí xóa bỏ đồ nhựa dùng một lần. Sợi chuối vừa có tính kháng khuẩn, kháng mốc, vừa dai, bền, lại hút ẩm, thoáng mát. Quy mô của ngành sợi chuối thế giới trị giá hàng chục tỷ USD, những hãng thời trang cao cấp như Dior, Yves Saint Laurent, Zara, Uniqlo, H&M... đều có các sản phẩm từ sợi chuối, vải sợi chuối. Với mong ước cùng biến sợi chuối trở thành thứ có ích, để đất nước có thêm một mặt hàng ưu việt trên thị trường thế giới, Musa Pacta đã sáng chế thiết bị xử lý thân cây chuối thành sợi, bã, nước hay nói cách khác là không có rác thải mà tất cả đều thành hàng hóa, là nguyên liệu đầu vào cho nhiều lĩnh vực khác như giá thể trồng cây, dịch vi sinh tưới cây. Trong thời gian tới khi nhà máy bông, sợi của Musa Pacta khánh thành, có thể sẽ có một dòng sản phẩm vải chất lượng cao dành cho tiêu dùng và xuất khẩu. Đây là loại sợi có thể bán cho ngành dệt may Việt Nam với các loại vải không dệt, cuộn sợi công nghiệp hiện đang tiếp tục được nghiên cứu, dự kiến cho ra mắt vào năm 2023.

Câu chuyện hồi sinh Lãnh Mỹ A là cả một quá trình kỳ công của nhà sản xuất và nhà thiết kế… Bằng sự nỗ lực không ngừng nghỉ và tình yêu vô bờ đối với sản phẩm lãnh, ông Tám Lăng và người con kế nghiệp Nguyễn Hữu Trí đã góp phần hồi sinh Lãnh Mỹ A, hoàn thiện kỹ thuật dệt và nhuộm loại vải quý được dệt từ chất tơ hảo hạng của Bảo Lộc-Lâm Đồng quanh năm mát ẩm, là nơi duy nhất ở Việt Nam nuôi được giống tằm có gốc từ vùng núi Phú Sĩ- Nhật Bản. Sợi tơ dài nuột nà mềm mượt không mối nối, mang màu trắng ngà nhìn vào cảm giác trong veo như sợi cước và được nhuộm bằng nhựa quả mặc nưa.

Xuất phát từ yêu cầu của bà Rose Morant, người phụ nữ Pháp lặn lội đi tìm nguyên liệu độc đáo cho hãng thời trang cao cấp đến Việt Nam tìm lại vùng nguyên liệu, ông Tám Lăng vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Đến 1992, số lãnh dệt được là 1.000m, đạt 70% yêu cầu. Và 1995 sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn làm nguyên liệu cho nhiều nhãn thời trang xa xỉ thế giới.


Để có một tấm lãnh Mỹ A phải trải qua khoảng 100 lần nhuộm, 20 lần giặt xả, khoảng 10 lần đập vải…Tới 2003 Nguyễn Hữu Trí đã tìm được 7 màu mới cho lụa Tân Châu bên cạnh màu đen truyền thống.

Nhà thiết kế Võ Việt Chung, với tâm niệm Chất liệu là bá chủ của thời trang, là người đầu tiên khôi phục và sử dụng chất liệu lãnh Mỹ A cho bộ sưu tập áo dài mang tên “Mơ về Châu Á” và giành được Giải thưởng người có công khôi phục phát triển lãnh Mỹ A, giữ gìn truyền thống văn hóa quê hương qua tà áo dài do UNESCO trao tặng năm 2007. 


So với các loại sợi khác, việc sản xuất sợichuối cực kỳ tiết kiệm tài nguyên

Không chỉ với chất liệu, các nhà thiết kế Việt Nam đang nỗ lực không ngừng nghỉ sáng tạo sản phẩm thời trang hiện đại, mang tính ứng dụng cao nhưng vẫn mang đặc trưng văn hóa Việt Nam vừa thân thiện môi trường.

Vụn Art là doanh nghiệp xã hội có hiệu quả hoạt động cao, mang lại sức sống mới cho dòng tranh dân gian Đông Hồ thông qua sản phẩm có tính mỹ thuật cao gửi tới bạn bè trong nước và quốc tế. Quy trình sản xuất bắt đầu từ Lụa vụn Vạn Phúc nhận từ các nhà may về được phân loại, đem phơi và là phẳng, sau đó được vẽ và cắt các loại họa tiết theo thiết kế, dán lên sản phẩm, đưa vào máy ép nhiệt để đảm bảo các họa tiết không bị bong tróc khi giặt. Các mảnh ghép lụa 100%, không in, không may và không thêu nhưng được xử lý cho bền màu và thân thiện với môi trường, được thẩm định đánh giá OCOP 4 sao- hàng thủ công đạt chất lượng xuất khẩu, đại diện cho thương hiệu quốc gia. Họa tiết sử dụng được nhà thiết kế lấy từ tranh dân gian Đông Hồ, bình dị gần gũi nhưng thể hiện ước vọng tinh thần của người Việt Nam về sự bình an, sung túc. Những bức tranh lợn đàn vừa như tả thực lợn mẹ với một đàn con quây quần, mang trên mình biểu tượng về triết lý âm dương qua hình những khoáy tròn, thể hiện mong ước bình dị và ý nghĩa cho sự sinh sôi nảy nở phát triển của người dân Việt Nam.


Bức tranh thủ công được ghép từ lụa vụn trên túi đã trở thành sản phẩm lưu niệm đặc sắc

Hội nhập và tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, nhưng luôn luôn mang trong mình niềm tự hào dân tộc, bản sắc văn hóa của hơn 4000 năm lịch sử kết tinh trong các tác phẩm thời trang là thông điệp các “nhà thời trang” Việt Nam muốn gửi gắm tới người tiêu dùng Việt Nam và bạn bè quốc tế./.

» Gửi ý kiến của Bạn
Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.087.223
Khách
: 989
 
Bản sắc Văn hóa Dân tộc- Nhân tố không thể thiếu trong công nghiệp thời trang Rating: 5 out of 10 36571.
Core Version: 1.8.0.0