Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Năm, 28/03/2024

Đăng ký nhận tin

Dầu thô xuất giảm, nhập tăng

18/03/2019 04:03 CH
Sau hàng chục năm xuất khẩu liên tục, hiện nay sản lượng xuất khẩu dầu thô của nước ta đang có chiều hướng giảm mạnh trong khi sản lượng nhập khẩu đang tăng cả chục lần nhằm phục vụ hoạt động của Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn.

dau tho xuat giam nhap tang
Lượng dầu thô xuất khẩu, nhập khẩu giai đoạn 2012-2018. Biểu đồ: T.Bình.
dau tho xuat giam nhap tang
Lượng và tỷ trọng xuất khẩu dầu thô của Việt Nam sang các thị trường chủ lực năm 2018. Biểu đồ: T.Bình.

Lượng tăng, giá giảm

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, hết tháng 2 cả nước nhập hơn 1,462 triệu tấn dầu thô các loại, tổng kim ngạch 635,4 triệu USD, tăng tới hơn 16 lần về sản lượng và 14 lần về trị giá so với cùng kỳ 2018.

Việc nhập khẩu dầu thô tăng đột biến gắn với sự kiện Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đi vào hoạt động (cuối năm 2018). Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn đặt tại Khu kinh tế Nghi Sơn, Thanh Hóa là công trình trọng điểm quốc gia. Dự án do Công ty trách nhiệm hữu hạn Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) làm chủ đầu tư là liên doanh quốc tế về lĩnh vực dầu khí giữa Việt Nam - Nhật Bản – Kuwait, có tổng mức vốn đầu tư lên tới hơn 9 tỷ USD, tổng công suất khi đưa vào hoạt động ước tính khoảng 200.000 thùng dầu/ngày, tương đương khoảng 10 triệu tấn dầu thô/năm. Các sản phẩm lọc hóa dầu đa dạng bao gồm khí hóa lỏng LPG, xăng không chì RON 92, RON 95, nhiên liệu diesel, nhiên liệu phản lực, benzen, lưu huỳnh cùng nhiều sản phẩm phong phú khác. Trong đó sản lượng lớn nhất thuộc về nhiên liệu diesel cao cấp (2,204 triệu tấn/năm), nhiên liệu diesel thường (1,47 triệu tấn/năm), xăng RON 92 và RON 95 (1,153 triệu tấn/năm).

Các thông số trên của nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn cho thấy, nhu cầu nhập khẩu dầu thô thời gian tới sẽ còn tăng cao.

Trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Nghi Sơn (Cục Hải quan Thanh Hóa) cho biết, cập nhật từ đầu năm 2019 đến trung tuần tháng 3 đơn vị làm thủ tục cho 6 chuyến tàu dầu thô nhập khẩu với tổng sản lượng gần 1,4 triệu tấn, tổng kim ngạch 579 triệu USD.

“Tuy nhiên, do mức giá thấp hơn so với ước tính nên số thu thuế (thuế Giá trị gia tăng) của mỗi tàu thấp hơn dự tính từ 90 đến 100 tỷ đồng”- lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Nghi Sơn nói. Thực tế, tốc độ tăng trưởng sản lượng dầu thô nhập khẩu (16 lần) cao hơn trị giá (14 lần) trong 2 tháng đầu năm cũng đã chứng minh mức giá nhập khẩu 2 tháng qua thấp hơn cùng kỳ 2018.

Cũng theo Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Nghi Sơn, dầu thô nhập khẩu phục vụ Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn có xuất xứ từ – Kuwait - quốc gia có trữ lượng dầu mỏ hàng đầu thế giới và là một trong những nhà đầu tư nằm trong liên doanh lọc hóa dầu Nghi Sơn.

Đảo chiều xuất - nhập

Trở lại với câu chuyện xuất nhập khẩu dầu thô- nguồn tài nguyên quan trọng của nước ta, theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, giai đoạn 2012-2017, lượng dầu thô xuất khẩu luôn cao hơn nhập khẩu, với lượng xuất khẩu bình quân khoảng 8,3 triệu tấn/năm, trong khi nhập khẩu chỉ khoảng 750 nghìn tấn/năm.

Nhưng đến năm 2018 và 2 tháng đầu năm nay, xuất - nhập đảo chiều bằng dấu mốc lượng dầu thô nhập khẩu tăng mạnh và vượt qua xuất khẩu. Cụ thể, năm 2018, cả nước xuất khẩu dầu thô 3,96 triệu tấn, giảm tới 41,8% so với năm trước và chưa bằng ½ so với lượng dầu thô xuất khẩu hàng năm của giai đoạn 2012-2017. Trong khi đó sản lượng nhập khẩu đạt 5,17 triệu tấn, gấp hơn 4 lần con số 1,18 triệu tấn của năm 2017 và gấp tới 7 lần con số nhập khẩu hàng năm của giai đoạn 2012-2017. Số liệu cập nhật 2 tháng đầu năm và nguyên nhân chính của sự tăng trưởng đột biến về nhập khẩu dầu thô được chúng tôi đề cập ở phần trên.

Sự đảo chiều về sản lượng kéo theo kim ngạch xuất nhập khẩu dầu thô cũng thay đổi đáng kể. Đáng chú ý, xuất khẩu dầu thô không còn là “cứu cánh” cho xuất khẩu như nhiều năm trước đây. Thay vào đó là sự lên ngôi của điện thoại, máy vi tính, hay sự ổn định của ngành hàng dệt may...

Nếu như năm 2012, Việt Nam thu về khoảng 8,21 tỷ USD từ xuất khẩu dầu thô thì đến năm 2018 con số này đã giảm mạnh xuống chỉ còn hơn 2 tỷ USD. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng này tăng từ khoảng 647 triệu USD năm 2012 lên 2,74 tỷ USD vào năm 2018.

Theo dữ liệu của Tổng cục Hải quan, giai đoạn những năm gần đây (2012-2018) trị giá bình quân xuất khẩu dầu thô không chênh lệch nhiều so với đơn giá bình quân nhập khẩu. Đồng thời, theo xu hướng chung của thị trường dầu mỏ thế giới, đơn giá bình quân xuất khẩu, nhập khẩu dầu thô có xu hướng ngày càng giảm, và ghi nhận trị giá bình quân thấp nhất vào năm 2016 với mức bình quân khoảng 345 USD/tấn với xuất khẩu và 368 USD/tấn với nhập khẩu.

Tính chung cả giai đoạn 2012-2018, giá bình quân xuất khẩu, nhập khẩu dầu thô dao động quanh mức 600 USD/tấn.

Về các thị trường xuất nhập khẩu, nhà cung cấp lớn nhất hiện nay cho Việt Nam là Kuwait. Trong khi dầu thô của Việt Nam được xuất sang 8 thị trường chủ lực, chiếm tỷ trọng trên 90% tổng lượng dầu thô xuất khẩu của cả nước, đó là: Australia, Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và Thái Lan.

Điểm đáng lưu ý, tại thị trường Trung Quốc, xuất khẩu dầu thô của Việt Nam đạt mức kỷ lục tại thời điểm giá dầu thô thấp nhất vào năm 2016, với 3,87 triệu tấn.

Nguồn: Hải quan online
Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.085.981
Khách
: 958
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0