Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 29/03/2024

Đăng ký nhận tin

Doanh nghiệp dệt may mong manh trước hội nhập

01/10/2015 01:59 CH
Đại diện nhiều doanh nghiệp dệt may cho hay, thách thức lớn nhất của ngành dệt may khi Việt Nam hội nhập chính là nguồn vốn không đủ để "cứu sống" mình



Sáng 30/9, tại Hà Nội diễn ra tọa đàm: "Dệt may, cơ hội và thách thức trong bối cảnh hội nhập" do Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Dệt may Việt Nam tổ chức. 

Tại tọa đàm, đại diện Tổng Công ty CP Dệt may Hà Nội cho hay, hiện tại, Việt Nam đang là một trong năm nhà xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới với các thị trường chủ yếu là Hoa Kỳ, EU và Nhật Bản. Khi Việt Nam kí hiệp định thương mại tự do với EU, Hàn Quốc, hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP ngành dệt may sẽ có lợi thế về thuế suất xuất khẩu giảm dần về 0%. Tuy nhiên, bên cạnh đó, ngành dệt may cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.

Theo đó, ngành dệt may Việt Nam vẫn nhập khẩu vải và nguyên phụ liệu tới 70-80%, sản phẩm sợi Việt Nam chưa đa dạng và chất lượng chưa cao, khâu dệt nhuộm lại yếu nên vải chưa đáp ứng cung cấp cho ngành mới. Hiện nay, mới chỉ đạt 20-25% là có thể dùng cho ngành may xuất khẩu.

Về hoạt động xuất khẩu, ngành may vẫn còn phụ thuộc vào các nhà buôn từ Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc. Đây là khâu trung gian trong chuỗi cung ứng hàng dệt may Việt Nam sang các thị trường Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản.

Đặc biệt, khi Việt Nam hội nhập sâu với thế giới, làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam nhằm đi tắt đón đầu hưởng lợi từ các Hiệp định Thương mại tự do đã gây ra áp lực cạnh tranh với các doanh nghiệp dệt may trong nước. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam đa phần có quy mô nhỏ, khả năng huy động vốn thấp, năng suất lao động thấp. 

"Tuy hàng rào thuế quan dần về 0% nhưng các doanh nghiệp dệt may vẫn phải đối mặt với những quy định khắt khe về nguồn gốc xuất xứ, rào cản kỹ thuật, vệ sinh an toàn, môi trường và trách nhiệm xã hội", vị đại diện này nhấn mạnh.

Là doanh nghiệp đầu tiên của ngành dệt kim phía Bắc, đơn vị thường xuyên đứng đầu làm hàng dệt kim xuất khẩu, bà Trương Thị Thanh Hà, TGĐ Công ty CP dệt kim Đông Xuân cũng cho rằng doanh nghiệp này đang cảm thấy “mong manh” khi hội nhập.

Lý giải điều trên, bà Hà cho hay, hiện nay, doanh nghiệp dệt kim Đông Xuân xuất khẩu 90% sang thị trường Nhật Bản. Nhưng đến nay, doanh nghiệp vẫn sử dụng công nghệ Nhật Bản chuyển giao cho từ 26 năm trước. Điều này khiến năng lực sản xuất bị hạn chế, doanh phải tự nâng mình lên. 

Trong khi đó, định hướng thị trường Nhật Bản với đồ dệt kim khác với thị trường EU, Mỹ. Vì vậy, việc đầu tư máy móc để sản xuất, xuất khẩu sang thị trường EU, Mỹ là một khó khăn, thách thức lớn đối với doanh nghiệp.

“Khó khăn cuối cùng của doanh nghiệp là khi FTA được ký kết, thu hút các dòng vốn  đầu tư vào Việt Nam. Chẳng hạn như các nhà đầu tư Trung Quốc sang Việt Nam kéo theo nhà máy, thu hút lao động lành nghề với mức lương trả hấp dẫn hơn, công nghệ sản xuất tiên tiến. Lúc đó, doanh nghiệp thực sự không có đủ sức để cạnh tranh”, bà Hà lo lắng.

Bà Hà cũng cho rằng, doanh nghiệp dệt may đối diện với khó khăn và thách thức nhiều hơn là hưởng lợi. Bà Hà nói: “Chúng tôi khiến nghị cơ quan quản lý nhà nước ưu tiên giá thuê đất cho doanh nghiệp, chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp mới đăng ký thành lập, đặc biệt là các khoản thu thuế vì hiện nay vốn doanh nghiệp dệt may chủ yếu là rất nhỏ”.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải lại khẳng định,ngành dệt may là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất  khi Việt Nam kí hiệp định thương mại tự do với EU, Hàn Quốc, hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP.

Song Thứ trưởng Hải cũng cho hay, bên cạnh lợi thế thuế suất xuất khẩu giảm dần về 0% ngành dệt may sẽ phải đối mặt với thách thức như đáp ứng quy tắc nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm, quản lý về hóa chất, trách nhiệm môi trường xã hội...

“Trong đó, huy động vốn là một thách thức lớn. Nhất là đối với doanh nghiệp dệt may đa phần là nhỏ. Ngay cả khi có đất rồi thì đầu tư thế nào, công nghệ ra sao cũng là thách thức trong thời khi hội nhập”, Thứ trưởng Hải nhấn mạnh.

Kiều Linh 

Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.086.895
Khách
: 652
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0