Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Năm, 28/03/2024

Đăng ký nhận tin

Dự thảo Bộ luật lao động sửa đổi: “Xin hãy để cho doanh nghiệp và người lao động làm đủ 48 tiếng mỗi tuần. Đừng tranh luận gì thêm nữa, hãy đến xem chúng tôi đang sống thế nào”

24/09/2019 10:41 SA
Tại “Hội thảo Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi): Những tác động bất lợi và kiến nghị” diễn ra vào sáng ngày 18/9/2019 do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức tại Hà Nội, bài tham luận đầy tâm huyết của ông Bùi Đức Thịnh - Chủ tịch HĐQT Công ty May sông Hồng - Phó Chủ tịch Vitas đã thu hút được sự quan tâm của tất cả các đại biểu tham dự.

Thưa các vị Đại biểu và các bạn đồng nghiệp!

Xin tự giới thiệu: Tôi là Bùi Đức Thịnh - Chủ tịch HĐQT Cty CP May Sông Hồng, nơi hiện tại đang có trên 1 vạn lao động, chủ yếu tập trung ở các vùng nông thôn tỉnh Nam định và xung quanh Thành phố Nam định.

Tôi đã từng có thời gian khá dài tham gia Quân đội thời chống Mĩ, nhiều năm làm công tác chính trị chuyên nghiệp (Đảng, Đoàn) tại Nam định, gần nửa thế kỉ tuổi Đảng và làm tại doanh nghiệp từ lúc sơ khai đến giờ, đã trên 31 năm.

Sở dĩ muốn giới thiệu như vậy để mọi người hiểu rằng, trong con người và trong cuộc đời tôi luôn hòa trộn của quá nhiều cảm xúc. Từ những năm tháng tận cùng gian nan của cuộc sống trước đây và những cùng cực dường như không bao giờ có thể xóa nhòa trong kí ức hàng chục năm trời khi thành lập doanh nghiệp. Những cảm xúc và suy nghĩ ấy đã luôn chi phối trái tim và lí trí của tôi trong suốt quá trình vận hành doanh nghiệp từ lúc thành lập tới giờ. Tôi biết rõ trách nhiệm đạo đức của mình thế nào trước Đất nước, trước Dân tộc, trước cộng đồng doanh nghiệp chân chính, trước hàng vạn cuộc đời của những người lao động trong Công ty và còn là phẩm hạnh của chính bản thân mình nữa, nên tôi sẽ chỉ nói những gì thật xác đáng và cần thiết, chứ hoàn toàn không phải là tiếng nói vụ lợi, lạc lõng với mục đích chỉ đấu tranh dành giật quyền lợi cho riêng doanh nghiệp, cho địa phương hay chỉ cho ngành sản xuất hẹp của mình...

Liên tục những ngày vừa qua, chúng tôi phải nghe, phải chứng kiến quá nhiều những cuộc tranh luận nảy lửa của các vị "học giả" ở trên Trời (trên TV) cùng với một lực lượng nhân sự hùng hậu và tiêu tốn quĩ thời gian khổng lồ, chỉ để tranh cãi mỗi một việc là thêm hay bớt đi mấy giờ làm việc trong mỗi ngày, mỗi tuần hay cả năm, rồi nghĩ đến nghỉ Tết Lễ mấy ngày...mặc dù những ngày ấy còn xa lắc, xa lư. Xin thưa, những cuộc tranh luận ấy, giới doanh nghiệp chúng tôi lúc đầu còn chú ý lắng nghe, nhưng sau cứ như ù tai đi, mệt mỏi và chán vô cùng, chẳng muốn tham gia gì nữa vì có ai nghe đâu. Vậy nên cứ để mặc các vị" học giả" kia ở trên Trời tiếp tục tranh cãi cho đến khi nào cạn kiệt sức lực thì thôi ... Thưa, nếu ở doanh nghiệp chúng tôi chỉ cần mấy cuộc cãi vã mà không hồi kết như vậy thì chỉ còn nước là " đóng cửa đi ăn mày mà thôi"( đây là câu nói cửa miệng thường trong các cuộc họp của chúng tôi).

Vì đây là cuộc Hội thảo khoa học, hãy cho tôi được tự do nói hết những điều suy nghĩ từ tâm can của mình, từ cuộc sống gian nan của doanh nghiệp, từ nỗi niềm nặng nghĩa ân tình với non sông đất nước của giới doanh nhân chân chính và của cả người lao động nữa để những người bên ngoài doanh nghiệp, những người chưa từng bao giờ làm doanh nghiệp thấu hiểu, dù trong đó một số điều có thể không thuận theo số đông các vị học giả kia và có thể không phù hợp cả với một số điều đã được các vị Đại biểu Quốc hội biểu quyết thành luật - Những điều mà chúng tôi hay nói" Hợp pháp nhưng không hợp lý", hay "Hợp lý nhưng không hợp pháp" đã từng làm điêu đứng và gây nỗi bất an cho hàng trăm nghìn doanh nghiệp nhỏ bé đang len lỏi mưu sinh ở những vùng miền quê, góc phố...

1.  Trước tiên, tôi xin đề nghị hoàn toàn không gọi đây là cuộc đấu tranh giữa một bên là giới chủ với một bên là đại diện người lao động! Ở đây không có kẻ thắng người thua, hay bên này mạnh, bên kia yếu. Lời ca rực máu và lửa ra đời từ trong cuộc CM Tư sản Pháp năm 1871: "Vùng lên hỡi các nô lệ ở thế gian, vùng lên hỡi ai cực khổ bần hàn"... hay " Trong cuộc đấu tranh này, giai cấp vô sản nếu có mất thì chỉ mất xiềng xích gông cùm, còn được thì được cả thế giới tự do...". Xin thưa, điều ấy đúng với thời điểm lịch sử xa xưa ấy, còn bây giờ đã hoàn toàn khác biệt rồi, bởi nếu không có giới chủ, không thể có công nhân và ngược lại, nếu không có công nhân, không thể có giới chủ và nếu không có cả hai thì thế giới chỉ sẽ quay lại thời kì hoang dại mà thôi. Quan hệ giữa giới chủ và với công nhân hiện nay là mối quan hệ hữu cơ, không thể đối lập hay tách rời, ngoài công việc, còn là tình thương yêu đồng loại, thương yêu con người rất sâu đậm nữa. Các cuộc tranh luận của một số vị "học giả" kia, dường như đang muốn hình thành và thúc đẩy thành một cuộc đấu tranh mang tính đối kháng giữa hai chủ thể ấy.

Đó là mối nguy hiểm tiềm tàng về sự ATAN, hẹp là trong từng doanh nghiệp, rộng là lan ra toàn xã hội, khi có lực lượng nào đó kích động, dẫn dắt...Thế cho nên, giữa cả hai phía nhất định phải tự tìm được tiếng nói chung mà không cần phải dùng đến biện pháp lopby hay vận động hành lang nào khác. Bởi không ai có thể quyết định thay cho sự sinh tồn của giới chủ cũng như của người lao động bằng chính họ. Qui luật sinh tồn, diệt vong hay đào thải của các doanh nghiệp cũng giống như qui luật giá trị trong kinh tế học vậy, tự bản thân nó tức khắc biết cách hiệu chỉnh mỗi khi quan hệ chủ - thợ ấy gặp trục trặc trên cơ sở có sự tham chiếu của pháp luật. Người lao động sẽ tìm được giá trị và những nhu cầu cuộc sống của mình thông qua giới chủ, thông qua doanh nghiệp nơi họ làm việc bởi rất nhiều người lao động trực tiếp còn là Cổ đông của doanh nghiệp nữa, họ vừa là vai trò người chủ, vừa là vai trò người lao động, vậy chẳng lẽ họ tự bóc lột, tự đày đọa chính bản thân mình hay sao? Ngược lại, thông qua tinh thần, thái độ làm việc của người lao động, chính là thước đo về giá trị văn hóa, về sức mạnh vật chất và uy tín của doanh nghiệp - Điều này vô cùng quan trọng, quyết định cho sự sinh tồn, phát triển hay lụi tàn đối với một doanh nghiệp.

Kỉ nguyên xã hội văn minh hiện nay đang là như vậy đấy. Giới chủ chúng tôi biết rất rõ như vậy, người lao động trong doanh nghiệp cũng biết rất rõ như vậy. Vậy nên, nếu chỉ cần để người chủ và đại diên nguời lao động hay tất cả người lao động trong doanh nghiệp trao đổi thẳng thắn, cởi mở với nhau thì mọi việc trở lên rất nhanh chóng và nhẹ nhàng chứ đâu phải chỉ tập trung ở mấy người ngồi tít trên Trời cao cùng với những cuộc tranh luận bất tận, nhưng cực kì xa lạ với cuộc sống này. Tổng thể các cuộc thảo luận dân chủ giữa giới chủ với đại diện người lao động hay tất cả người lao động trong các doanh nghiệp được tập hợp lại, dù doanh nghiệp tôi hàng vạn người, vẫn có thể làm được. Dù ngành Dệt- May Việt nam có cả triệu người, chúng tôi vẫn có thể làm được. Toàn bộ các doanh nghiệp khác của đất nước với hàng chục triệu người, chúng tôi vẫn có thể làm được. Ý chí thống nhất cao độ đó giữa giới chủ với người lao động, sẽ là nền tảng để hình thành nên khung pháp lý và đạo đức tiêu chuẩn trong toàn xã hội, thật đơn giản nhưng ai cũng hài lòng bởi thấy trách nhiệm và giá trị đích thực của mình trong đó.

2. Về thời gian làm việc và thời gian làm thêm: Tôi đề nghị xin thôi đừng tranh cãi giữa 44 với 48 giờ làm việc mỗi tuần nữa, hãy để nó vẫn yên bình như trước là được rồi. Lý luận rằng để người lao động nghỉ nhiều hơn, sẽ tái tạo sức lao động để làm việc hiệu quả hơn! Nghe có vẻ rất nhân văn và chan chứa tình thương bao la người lao động! Xin hỏi các vị trong khu vực HCSN, đã có ai đủ sống cho mình và nuôi dạy con cái ăn học chỉ bằng chính đồng lương lương thiện ít ỏi ấy của mình không? Chắc chắn là không, nếu không muốn nghe lời nói dối từ chính lòng mình! Liệu chúng ta có biết, ở nhiều cơ quan, mỗi ngày, nhân viên ở đó dành bao nhiêu thời gian cho công vụ, bao nhiêu thời gian để theo dõi giá trị cổ phiếu chứng khoán, bao nhiêu thời gian chát chít, buôn bán online, bao nhiêu thời gian trà lá, trò chuyện tầm phào?...

Chỉ mong mau hết thời gian ở cơ quan để về còn bươn trải thêm, sẵn sàng làm cả những việc chân tay nặng nhọc ngoài đường, ngoài chợ, chạy thêm xe ôm hay làm shiper, có người còn phải đi làm cả thầy cúng cuối ngày, cuối tuần nữa...chỉ với mục đích tăng thêm được một chút thu nhập cho gia đình! Có mấy ai được nghỉ ngơi đâu sau giờ làm việc ở cơ quan, để rồi chỉ có việc ăn chơi để mà tái tạo sức lao động. Đấy là một thực tế, ai cũng biết nhưng không nói ra mà thôi. Tuy nhiên với khu vực này, càng làm ít giờ, càng nghỉ nhiều ngày càng tốt bởi họ càng có nhiều thời gian rảnh rỗi để mưu toan cho các mục đích riêng của mình, họ đâu cần phải lo đến tiền lương, các loại tiền BH này nọ, bởi đã có Nhà nước trả hết cho họ rồi. Vị trí cuộc sống của họ hơn giới doanh nghiệp, hơn những người lao động trong doanh nghiệp, cho nên phải bằng mọi cách chạy chọt để mua được chỗ trú nắng, trú mưa trong cơ quan HCSN để sống yên lành, nhàn nhã phần rất quan trọng của cuộc đời.

Nhiều người cho đó là sự khôn ngoan, thức thời, kiên trì mai phục cơ hội để tìm cách tiến thân sau này. Có vẻ khá khôi hài khi những người chẳng bao giờ phải lo nghĩ gì đến cơm áo, gạo tiền, lại đang sôi nổi luận bàn, phán xử về sứ mệnh và trách nhiệm của doanh nghiệp và cuộc sống của người lao động trong khi chính mình chẳng biết gì về cuộc sống thực tại đầy gian nan, khổ hạnh của doanh nghiệp thế nào cả. Sự kìm hãm phát triển của đất nước, tôi nghĩ phần lớn bắt nguồn từ những điều như vậy.

Còn trong doanh nghiệp, xin nói nôm na là "Tay làm, hàm nhai! Tay ngừng làm, hàm ngừng nhai!". Giản đơn vậy thôi nhưng đó là một chân lý sống, một triết lý sống. Rời bỏ chân lý ấy, doanh nghiệp sẽ sụp đổ, người lao động sẽ rơi vào cảnh bần hàn. Không ai thương doanh nghiệp cả, không ai nuôi doanh nghiệp cả. Doanh nghiệp tự đi vay, tự trả tiền thuê đất đai, nhà xưởng, máy móc thiết bị, sau khi trả nợ, trả tiền công, rồi nộp đủ các loại thuế, phí, còn lại ít nào, gọi là tích lũy. Ở Việt nam hiện tại, trừ một số rất ít doanh nghiệp có năng lực về kĩ thuật công nghệ hay lợi dụng được nguồn tài nguyên dồi dào của đất nước, họ đã giầu lên, thậm chí là rất giầu. Nhưng 90-95% số doanh nghiệp của đất nước còn lại đang sống và hoạt động thế nào? Phải nói thật là rất nhỏ bé, rất èo uật. Họ cũng muốn vươn lên nhưng không thể tự thoát ra được vì nhiều nhẽ. Hàng hóa đầu ra thì luôn bấp bênh, giá cả từ người đặt hàng luôn mỗi ngày một giảm vì sức ép từ thị trường tiêu thụ. Khi hàng hóa như vậy, đầu tư như vậy thì lấy đâu ra năng suất cao để mà có thu nhập cao, để mà tích lũy tài chính dồi dào sẵn sàng bù đắp cho người lao động mỗi khi thị trường thất bát, gió mưa chẳng thuận...

Cần hiểu rằng: được làm việc, có việc để làm đủ trong giờ, được thể hiện năng lực trong công việc để thu nhận được những giá trị vật chất, tinh thần hợp lý và xứng đáng, là một nhu cầu, là một nguyện vọng chính đáng không chỉ riêng với người lao động mà còn là điều rất hạnh phúc với giới chủ nữa. Không có gì lo lắng bằng đến thất sắc, thất thần mỗi khi công việc không đủ hoặc thông báo một loại phí vô hồn nào đó lại đè nặng lên vai doanh nghiệp. Nhiều năm nữa, xin hãy để cho doanh nghiệp và người lao động làm đủ 48 tiếng mỗi tuần, đừng tranh luận gì thêm nữa làm chúng tôi thêm rầu lòng. 90-95% số doanh nghiệp Việt nam nghèo lắm, không đủ tiền để chi trả phần lương vượt trội thời gian như các vị ngồi tính nhẩm kiểu bắt " cua trong lỗ" đâu, đừng xô đẩy doanh nghiệp khó khăn thêm nữa, thậm chí còn là phạm pháp khi bị kết tội là không tuân thủ pháp luật

3. Xin nói về lương lũy tiến: Thông thường, chỉ có trả lương theo sản phẩm lũy tiến chứ không ai trả lương thời gian lũy tiến cả. Nếu trả lương lũy tiến theo thời gian thì cực kì nguy hiểm bởi sẽ kéo theo sự bùng phát và dung dưỡng cho thói lười nhác, vô trách nhiệm, vô kỉ luật, vốn đang là điều tệ hại phổ biến nhất của số đông người lao động Việt. Trả lương kiểu vậy, sẽ triệt tiêu mọi động lực tích cực và chỉ tàn phá nhanh chóng mọi nguồn lực xã hội mà thôi. Ở doanh nghiệp chúng tôi không thể chấp nhận chuyện đó. Các nhân viên của chúng tôi ở trong nước hay nước ngoài, kể cả các nhân viên người nước ngoài đang làm việc cho Công ty và tôi đã thăm VP nhiều doanh nghiệp nước ngoài, họ luôn tự giác tới mức tối đa, hết việc mới về chứ không phải hết giờ là về. Dù phải làm việc trái múi giờ tới 6-7 tiếng, thậm chí là 12 tiếng/ ngày đêm...nhưng họ luôn hoàn thành công việc mà không một lời kêu ca, oán thán vì khi họ đã xác định Công ty chính là cuộc đời, là nghiệp sống của họ rồi. Gắn bó máu thịt giữa doanh nghiệp và người lao động là như thế đấy. Thứ văn hóa cốt lõi đem lại sự hưng thịnh hay lụi tàn cho doanh nghiệp, bài học sơ đẳng ban đầu ấy, giới doanh nhân ai cũng biết rất rõ. Do vậy xin bỏ hẳn khái niệm trả lương theo thời gian lũy tiến, vì đó là mối nguy hiểm tiềm tàng khôn lường cho xã hội, kìm hãm, thậm chí sẽ phá nát nền kinh tế đất nước.

4. Nói về thời gian làm thêm là 400 hay 500 giờ/ năm? Xin thưa, thực lòng không ai mong muốn cả. Rất bất đắc dĩ phải cần làm như vậy bởi vật tư, hàng hóa luôn vận hành theo cơ chế thị trường, luôn biến động khôn lường. Với ngành may mặc, chủ yếu phải nhập vải từ nước ngoài nên luôn bị động bởi các chính sách về giá cả, về môi trường từ nước xuất khẩu. Còn nhà nhập khẩu thì luôn thay đổi rất nhanh về mẫu mã, quyết định tức thời việc thêm bớt hay cắt bỏ đơn hàng tùy theo chiều thuận hay nghịch của thị trường tiêu thụ...làm nhà sản xuất chúng tôi nhiều khi rất khốn đốn và bối rối vô cùng. Khi KHSX bị đảo lộn, nếu không làm thêm giờ ở một số thời điểm nào đó, không giao hàng kịp, hoặc bị phạt, hoặc phải vận tải bằng máy bay, coi như hết cả công lẫn lãi.

Nhưng khi làm thêm giờ, tiền công sản phẩm ngoài giờ trả cho người lao động không những cao hơn gấp bội đơn giá bình thường mà lại còn không được tính vào chi phí giá thành, phải trừ vào lợi nhuận doanh nghiệp. Vậy nên đâu có ai mong muốn thêm giờ làm gì cho thêm mệt mỏi và tốn kém vô cùng. Đề nghi tăng thêm giờ lên 400 hay 500 giờ/năm có 03 mục đích chính: Người lao động có thêm một lượng thời gian vừa phải để làm việc trên cơ sở máy móc, thiết bị và hàng hóa hiện hữu của doanh nghiệp để tăng thêm một khoản thu nhập lương thiện, thiết yếu cho cuộc sống mà khi về nhà, không cần phải đôn đáo tìm làm thêm nhiều việc khác nữa (đây là nhu cầu chính đáng của người lao động)/Doanh nghiệp có khoảng thời gian an toàn để sử lý các tình huống bất bình thường về hàng hóa trong một số thời điểm nào đó mà không lo ngại tới việc vi phạm pháp luật. Vì các chi phí làm ngoài giờ về tiền công, năng lượng...rất cao, nên doanh nghiệp hoàn toàn không coi đó là khoảng thời gian làm việc nhằm thu thêm lợi nhuận như lâu nay các vị đang hiểu để phê phán gay gắt doanh nghiệp. 

Các tổ chức ĐGNM của các Nhãn hàng nước ngoài không vịn vào cớ quá khắc nghiệt khi giới hạn về thời gian làm việc thêm để kết luận rằng doanh nghiệp vi phạm pháp luật, rồi từ đó cắt bỏ đơn hàng...Không ít doanh nghiệp đã phải chịu tổn thất nặng nề vì qui định thời gian làm việc ngặt nghèo ở Việt nam, hàng nghìn lao động ở các nơi đó đã bị rơi vào thảm cảnh mất việc làm. Vậy nên đề nghị khung làm thêm giờ cho các doanh nghiệp khoảng 450- 500 giờ/ mỗi năm là ổn thỏa và đủ an toàn.

5.  Về vấn đề tổ chức Công đoàn và Công đoàn cơ sở của người lao động: Luật LĐ sửa đổi ghi không rõ: Qui định này dành cho Tổ chức Công đoàn của Tổng LĐLĐVN hay cho cả tổ chức công đoàn cơ sở của người lao động? Nếu chỉ qui định cho hệ thống Công đoàn của Tổng LĐLĐ VN thì trong các doanh nghiệp( trừ DNNN), các doanh nghiệp dân doanh khác sẽ còn lại rất ít đoàn viên, thậm chí là không có đoàn viên nào cả. Thực tế ở SH, khi triển khai làm Better work tuân thủ theo ILO, SH đã phải cho rút lui toàn bộ số cán bộ quản lý từ cấp thấp nhất trong doanh nghiệp khỏi vị trí BCHCĐ, toàn bộ bộ máy của BCHCĐ đều do những người đại diện người lao động nắm giữ.

Khi TGĐ doanh nghiệp nói với Chủ tịch CĐ là nên vận động để kết nạp một số CĐV vào hệ thống của Tổng LĐLĐVN (vì từ trước tới nay chẳng có ai viết đơn, cũng chẳng kết nạp ai ). Câu trả lời của Chủ tịch CĐ là: Thưa, không ai muốn viết đơn và không ai muốn vào tổ chức ấy cả bởi họ sẽ mất ngay đi 1% tiền lương là kinh phí Công đoàn mà chẳng đem lại cho họ bất cứ lợi ích nào. Đấy là một thực tế mà không mệnh lệnh hành chính nào có thể bắt buộc được họ. Khi không còn tổ chức CĐ của Tổng LĐLĐ VN, phần kinh phí CĐ 2%/ quĩ lương của doanh nghiệp tất yếu sẽ bị xóa bỏ. Còn nếu với tổ chức CĐCS của người lao động, kinh phí hoạt động của họ sẽ do các đoàn viên tự nguyện đóng góp mà doanh nghiệp không được quyền can dự hay dùng các biện pháp nào khác về kinh tế, tài chính thao túng, chi phối. Lẽ đương nhiên cũng sẽ không thể có bóng dáng của thứ 2% kinh phí CĐ vô lý kia nữa.

Qui định về số thời gian làm việc của CBCĐ cùng chế độ tiền lương của họ trong doanh nghiệp quá rườm rà, không luật nào qui định chi tiết đến như thế cả và sẽ gây thêm rất nhiều phức tạp cho doanh nghiệp. Thực tế ở DN, CBCĐ có hoạt động gì đâu, mà nếu có họp, cũng chẳng có nội dung gì cụ thể để các CĐV cần nghe mặc dù chủ doanh nghiệp không hề cản trở, thậm chí còn luôn khuyến khích hoạt động CĐ trong mối quan hệ tương hỗ với DN.

Việc kỉ luật cán bộ CĐ cũng phải bình đẳng như bất cứ người lao động nào khác trong doanh nghiệp mà không có miễn trừ một khi người đó vi phạm kỉ luật lao động hay không hoàn thành nhiệm vụ được giao trong một số thời hạn qui định. Khi cán bộ CĐ không làm việc mà vẫn được doanh nghiệp trả lương thì ngay lập tức, cộng đồng Đoàn viên sẽ hạ bệ ngay vì cho đó là sự bất công và đang bị chủ thao túng. Họ chỉ được hưởng phụ cấp từ chính kinh phí của các CĐV tự nguyện đóng góp để làm công việc chung của CĐ( do qui chế của CĐCS qui định). Như vậy, qui định trong Luật dự thảo chỉ đúng với hệ thống tổ chức của Tổng LĐLĐ VN chứ không thể đúng với hệ thống các tổ chức CĐCS của người lao động mà chúng ta đang triển khai thực hiện theo các Công ước Quốc tế...

Đôi điều từ thực tiễn doanh nghiệp muốn làm rõ thêm những khoảng mờ trong lý luận mà các học giả đang hoàn chỉnh để xây dựng thành luật.

Trân trọng cám ơn!

Trích nguyên văn bài phát biểu của ông Bùi Đức Thịnh Chủ tịch HĐQT Công ty May sông Hồng - Phó Chủ tịch Vitas tại hội thảo

Tin khác :
Số bài/trang
Trang 1 2 3 ... 6 »
Chọn ngày
Số bài/trang
Trang 1 2 3 ... 6 »
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.086.291
Khách
: 28
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0