Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Năm, 28/03/2024

Đăng ký nhận tin

VITAS tham gia Cuôc họp trực tuyến “Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất công nghiệp”

23/07/2021 10:56 SA
Ngày 22/7/2021, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với 11 Hiệp hội ngành hàng công nghiệp để nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, đồng thời bàn bạc đưa ra những giải pháp tháo gỡ khó khăn trong bối cảnh đại dịch vẫn đang diễn ra phức tạp tại các tỉnh thành trên cả nước.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã tham dự, Phó Chủ tịch thường trực Trương Văn Cẩm đã có chia sẻ cập nhật về tình hình phát triển của ngành trong 6 tháng đầu năm 2021 và các kiến nghị cho ngành .























Theo đánh giá của Cục Công nghiệp và các hiệp hội ngành hàng, trong những tháng đầu năm, các DN công nghiệp đã quay trở lại nhịp độ sản xuất kinh doanh như trước và kỳ vọng năm 2021 sẽ đạt mức tương đương thời điểm trước khi xảy ra dịch bệnh.

Tuy nhiên, khi dịch bùng phát trở lại, tập trung chủ yếu ở các tỉnh có số lượng lớn KCN và các DN chế biến chế tạo đã khiến hoạt động sản xuất bị gián đoạn. Nhiều DN phải dừng sản xuất, ảnh hưởng đến tiến độ giao hàng, đặc biệt là các đơn hàng xuất khẩu. Nếu không có giải pháp giúp DN sớm quay trở lại sản xuất ngay cả khi dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn, khách hàng sẽ dừng, huỷ đơn hàng để chuyển sang nước khác, và đến khi dịch được kiểm soát, DN khó có thể nối lại các mối quan hệ kinh doanh đã mất.

Bên cạnh đó, các biện pháp hạn chế đi lại, hạn chế lưu thông của các địa phương đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Sự gián đoạn, đứt gãy chuỗi sản xuất của các DN dẫn đến sự gián đoạn của luồng tiền phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo ra áp lực tài chính lớn cho DN.

Một trong những vấn đề nổi cộm khác cũng ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN đó là thiếu sự đồng bộ, nhất quán trong các quy định, chính sách áp dụng của các địa phương. Đặc trưng của ngành công nghiệp đó là tính kết nối sản xuất theo chuỗi, không phân biệt địa giới hành chính, do đó, khi các địa phương áp dụng các chính sách, quy định khác nhau về giãn cách, kiểm soát lưu thông hàng hoá, quy định về thực phẩm thiết yếu… càng gây thêm khó khăn cho DN trong giao dịch, lưu thông hàng hoá.

Đối với các DN xuất khẩu, thủ tục khai báo hải quan và tình hình tắc nghẽn tại các cảng biển là những điểm nghẽn cần được giải quyết cả trong ngắn hạn và dài hạn. Một số DN xuất khẩu buộc phải đưa hàng ra phao số không để đưa hàng lên tàu thay vì tại cảng do không kịp tiến độ giao hàng. Sự ngăn cách, kiểm soát chặt chẽ giữa các tỉnh, và những quy định không đồng nhất của cơ quan hải quan càng gây thêm khó khăn cho DN, đặc biệt đối với các mặt hàng thực phẩm đòi hỏi điều kiện bảo quản khắt khe, thời hạn sử dụng ngắn…

Khái quát về tình hình SX XNK dệt may 6 tháng đầu năm 2021, Ông Cẩm chia sẻ, tổng KNXK hàng dệt may của Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 18,47 tỷ USD, tăng 19,22% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 2,47% so với cùng kỳ 2019. Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực là hàng may mặc với kim ngạch 13,7 tỷ USD tăng 11,25% so cùng kỳ, XK xơ sợi đạt 2,64 tỷ USD, tăng 64,2%, XK vải đạt 1,15 tỷ USD, tăng 31,3%, Tổng KNNK nguyên phụ liệu dệt may 6 tháng đầu năm 2021 ước đạt 12,4 tỷ USD tăng 33,5% so cùng kỳ 2020 và tăng 11,6% so cùng kỳ 2019. Số liệu của 6 tháng khá khả quan, nhưng nỗi lo của ngành là trong những tháng cuối năm, nếu dịch không kiểm soát tốt, nhà máy phải đóng cửa, công nhân không có việc làm hoặc không trở lại nhà máy làm việc,  đơn hàng không thực hiện được dẫn đến việc khách hàng phạt và nghiêm trọng hơn là chuyển dịch đơn hàng sang quốc gia khác trong các năm tiếp theo.

 

Tập trung vào các giải pháp trọng tâm

Trước những khó khăn trên, các Hiệp hội ngành hàng đã cùng thống nhất đề xuất giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN.

Cụ thể, thứ nhất, cần ưu tiên cho các DN sớm được tiêm vắc xin (có thể cân nhắc trên cơ sở DN tự chịu chi phí) nhằm đảm bảo an toàn cho người lao động và để DN có thể sớm quay trở lại ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh. Đưa các đối tượng trong ngành logistics thuộc diện ưu tiên cao hơn trong danh sách tiêm vắc xin nhằm đảm bảo dòng lưu thông hàng hoá được thông suốt.

Thứ hai, áp dụng linh hoạt quy định về giờ làm thêm trong thời kỳ dịch bệnh, cho phép DN có thể làm thêm nhiều hơn quy định trong tháng nhưng vẫn đảm bảo không quá tổng thời gian làm thêm trong cả năm do nghỉ dịch lâu nên khi quay lại sản xuất, các DN làm tăng ca cho kịp tiến độ giao hàng.

Thứ ba, nhằm giảm áp lực tài chính cho DN trong thời kỳ dịch bệnh, và tạo thuận lợi cho các DN khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, các địa phương nên xem xét lùi thời điểm tăng giá thuê đất phục vụ sản xuất, kinh doanh. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính xem xét tăng thời gian ân hạn giãn, hoãn nộp thuế, phí tránh để DN rơi vào tình trạng nợ xấu; xem xét duy trì các giải pháp đã áp dụng trước đây như giảm phí trước bạ…, nhằm hỗ trợ phục hồi thị trường tiêu dùng trong nước; các tổ chức tài chính xem xét tăng hạn mức tín dụng cho DN do giá các mặt hàng đầu vào nhập khẩu đều bị tăng giá do đại dịch khiến hạn mức hiện tại không đảm bảo thu mua đủ nguồn cung cho DN.

Thứ tư, các địa phương nên trao đổi với các hiệp hội, DN trên địa bàn và thống nhất các quy định giữa các địa phương nhằm tránh tình trạng cát cứ gây ách tắc lưu thông hàng hoá, gián đoạn chuỗi sản xuất; cho phép các DN sớm được quay trở lại sản xuất khi các điều kiện phòng chống dịch bệnh được đảm bảo; gỡ bỏ quy định về định mức số lượng xe ô tô ra vào địa phương; cho phép sử dụng kết quả test nhanh, test gộp đối với lái xe và người lao động di chuyển liên tỉnh thay vì chỉ chấp nhận kết quả PCR.

Thứ năm, sau một thời gian áp dụng pháp “ba tại chỗ”, “một cung đường, hai địa điểm”, cần có phương án và biện pháp thay thế linh hoạt hơn, có thể chuyển đổi sang “hai tại chỗ” trên cơ sở đảm bảo duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, cơ sở sản xuất đủ điều kiện về phòng chống dịch và an toàn cho người lao động.

Trên cơ sở các đề xuất của các Hiệp hội, Cục Công nghiệp sẽ tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ để phối hợp với các Bộ, ngành liên quan sớm triển khai các giải pháp hỗ trợ DN, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN nhanh chóng phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo điều kiện làm việc cho người lao động.

Ban Truyền thông VITAS tổng hợp

Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.086.159
Khách
: 1.142
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0