Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Năm, 28/03/2024

Đăng ký nhận tin

Hội nghị Ban chấp hành Hiệp hội Dệt May Việt Nam lần thứ 2 khóa VI

23/09/2021 09:04 SA
Ngày 22/9, tại Hà Nội, Hội nghị Ban chấp hành Hiệp hội Dệt May Việt Nam lần thứ 2 khóa VI đã diễn ra dưới sự chủ trì của ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội. Hội nghị lần này được tổ chức trực tuyến qua Zoom.




















Tại Hội nghị, ông Trương Văn Cẩm, phó Chủ tịch VITAS đã báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh 9 tháng trong bối cảnh đại dịch Covid-19 và nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2021.

Năm 2021, tổng KNXK hàng dệt may của Việt Nam 9 tháng ước đạt 29 tỷ USD, tăng 13,2% so với cùng kỳ 2020 và giảm 0,04% so với cùng kỳ 2019.

Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực là hàng may mặc đạt 21,7 tỷ USD tăng 5% so với cùng kỳ năm 2020 và giảm 5,4% so với cùng kỳ 2019; XK vải đạt 1,8 tỷ USD tăng 37,4%; XK xơ sợi đạt 4 tỷ USD tăng 56,2%; XK vải không dệt đạt 557 triệu USD tăng 77,3%; XK phụ liệu dệt may đạt 921 triệu USD tăng 21,8%. Tổng kim ngạch nhập khẩu nguyên, phụ liệu 9 tháng đầu năm 2021 ước đạt 18 tỷ USD tăng 27,9% so với cùng kỳ năm 2020 và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2019. Như vậy, kim ngạch xuất siêu trong 9 tháng của ngành đạt 11 tỷ USD.

Từ đầu Quý III/2021 đến nay là thời gian cực kỳ khó khăn cho các DN dệt may với diễn biến vô cùng phức tạp và kéo dài của dịch Covid-19 tại TP. HCM và các tỉnh phía Nam đã làm cho nhiều DN dệt may phải đóng cửa, ngừng sản xuất, sản xuất cầm chừng, không thực hiện được đơn hàng, phải giao hàng chậm, giao hàng bằng máy bay hoặc bị khách hàng hủy đơn hàng gây đứt gãy chuỗi cung ứng. Nhiều DN tại các tỉnh phía Nam cố gắng bố trí sản xuất “3 tại chỗ”, “một cung đường – hai điểm đến” hoặc phương án sản xuất “4 xanh” nhưng cũng chỉ duy trì được khoảng 10% đến 30% số lao động đi làm với chi phí tốn kém hơn nhiều so với bình thường. Tổn thất không những về kinh tế mà cả uy tín đối với khách hàng.




























Hội nghị lần này đã nhận được rất nhiều chia sẻ và kiến nghị từ các doanh nghiệp trong ngành về những khó khăn hiện nay. Đặc biệt là vấn đề tiêm vắc xin cho người lao động và mở cửa kinh tế.

Ông Bùi Văn Tiến – TGĐ Tổng Công ty CP May Việt Tiến chia sẻ, hiện tại Việt Tiến đang làm “3 tại chỗ”, chi phí trả lương cho NLĐ sau 3-4 tháng chống dịch mất 600 tỷ chưa nói đến chi phí vận hành cả nhà máy, NLĐ cũng rất khổ. Tốn kém nhất là bộ test nhanh Covid 7USD/bộ, 1 công nhân 1 tháng 8 lần, trong khi mua vắc xin rẻ hơn nhiều. Do đó, giải pháp căn cơ nhất là bài toán vắc xin, DN được chủ động mua, thỏa thuận chia sẻ vắc xin. Về vấn đề đơn hàng, ông Tiến cho biết khách hàng đang dần có sự dịch chuyển sang Nam Mỹ. Nếu Chính phủ không mở cửa kịp thời rất có thể doanh nghiệp sẽ mất đi nhiều đơn hàng quan trọng.

Về tình hình chống dịch tại các địa phương, mặc dù Chính phủ đã ra chỉ thị chung, tuy nhiên nhiều địa phương áp dụng một cách máy móc, quan liêu khiến doanh nghiệp “chết đứng”. Điển hình là Tex Giang có nhà máy nằm trong huyện vùng xanh nhưng đến nay vẫn không được sản xuất, công nhân được tiêm 1 mũi trong vòng 1 tuần rồi cũng vẫn đóng cửa. Tiền Giang chỉ còn có 3 huyện áp dụng Chỉ thị 16 thôi nhưng toàn bộ Tiền Giang hiện không phân biệt Chỉ thị 15-16, không ai được ra đường, không ai được làm việc”, bà Bảo Trân – TGĐ Tex Giang chia sẻ.




























Trả lời cho câu hỏi vì sao Bắc Giang thành công khi áp dụng phương án “3 tại chỗ” trong thời kỳ dịch bùng phát trong khi các tỉnh phía Nam thất bại, ông Lưu Tiến Chung - TGĐ Tổng Công ty May Bắc Giang – LGG cho biết Thủ tướng đến Bắc Giang thời kỳ đang là tâm dịch và chỉ đạo tập trung tiêm cho công nhân trong và ngoài KCN, khác so với các địa phương khác là tỉ lệ công nhân tại các DN tại Bắc Ninh, Bắc Giang được tiêm khá cao (LGG 100% mũi 1, 40% mũi 2), tinh thần NLĐ tốt, bản thân DN cũng cởi mở hơn. Trong khi đó, công nhân ở các doanh nghiệp phía Nam chưa được tiêm vắc xin kịp thời, NLĐ với tâm lý lo sợ nhiễm bệnh cũng không muốn ở lại làm việc. “VITAS cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn để Chính phủ thấy hiệu quả của việc tiêm vắc xin cho NLĐ” ông Chung nhấn mạnh.

Tại miền Bắc và miền Trung, mặc dù không phải áp dụng Chỉ thị 16 của Chính Phủ, các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn bởi sự thiếu đồng bộ trong việc áp dụng chính sách chống dịch tại các địa phương về giao thông.

Các doanh nghiệp đồng ý với đề xuất xin phương án tự chủ cả trong điều trị F0 đối với các DN có điều kiện y tế đầy đủ, đề xuất có thể tự chủ động vắc xin, được phép mua nếu tìm được nguồn cung, đề xuất cần chia nhỏ đơn vị hành chính ra để phong toả, điều trị không chỉ vì 1 đơn vị có ca F0 mà đóng băng toàn quận, huyện, thành phố, đề nghị VITAS kêu cứu Chính phủ giảm lãi suất cho vay, giảm nợ/giãn nợ/khoanh nợ cho DN đặc biệt là các DN đang đầu tư và mới đầu tư trong thời gian vừa dịch bệnh.

























Kết thúc hội nghị, VITAS đưa ra 7 kết luận chính:


1. Hiệp hội sẽ họp thảo luận Ban Thường trực và một số UVBCH then chốt để nhận định kịch bản năm nay và xây dựng kịch bản năm 2022.

2. 
Hiệp hội tiếp thu toàn bộ ý kiến tham gia của các vị UVBCH, tổng hợp và đưa ra các kiến nghị với Bộ ngành, Địa phương và Chính Phủ trong thời gian tới.

3. 
Hiệp hội tiếp tục cùng đồng hành với DN kiến nghị với Thủ tướng Chính Phủ và Bộ Y tế về giải pháp vắc xin cho ngành dệt may càng sớm càng tốt.


4. Về cơ chế chính sách tổng quan của ngành dệt may, những cơ hội và thách thức của ngành: thuế đất, thuế tài nguyên môi trường, BHXH, BHTN, kinh phí công đoàn.. tiếp tục kiến nghị.


5. Đồng ý có văn bản đề nghị những bất cập sửa đổi Chỉ thị 15-16.


6. Việc dịch chuyển lao động là một tổn thất lớn của DN nên Bộ Lao động & Thương binh Xã hội cho biết Nghị định 68 có cơ chế cấp kinh phí cho đào tạo lại thông qua các Trường đào tạo và trực tiếp cho DN  trong trường hợp DN phải tuyển mới đào tạo lao động hoặc trong thời gian CN nghỉ việc quá dài tay nghề giảm cần đào tạo lại. Hiệp hội sẽ tiếp tục làm việc với Bộ để thông tin tới DN.


7. 
Thách thức chuyển đơn hàng là tất yếu, ngành dệt may phải tự cứu lấy chính mình, trên cơ sở đó Hiệp hội mong rằng các DN sẽ phát huy sự kết nối, liên kết chuỗi trong hệ thống của chúng ta sẽ tiếp tục chia sẻ thông tin, bài học kinh nghiệm.

Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.086.316
Khách
: 57
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0