Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 29/03/2024

Đăng ký nhận tin

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp

27/09/2021 11:25 SA
Sáng 26/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh dịch COVID-19.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết từ đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 tới nay, Thủ tướng đã có nhiều cuộc gặp với cộng đồng doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Theo đó những đề xuất của doanh nghiệp đều được Chính Phủ xem xét, đáp ứng một cách tốt nhất có thể. 

Cho rằng nền kinh tế 
đang gặp nhiều khó khăn do nguyên nhân khách quan từ dịch bệnh, cũng là những khó khăn chung của nhiều nước trên thế giới, tuy vậy, Thủ tướng khẳng định không vì khó khăn mà chúng ta bi quan, hoang mang, lo sợ.

Thủ tướng cũng gửi lời cảm ơn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp trong suốt gần 2 năm vừa qua đã đồng hành phòng, chống dịch và phát triển kinh tế xã hội. “Cảm ơn bao nhiêu cũng không đủ, chúng ta bằng hành động cụ thể để thể hiện tình cảm của Đảng, Nhà nước, nhân dân với doanh nghiệp và của doanh nghiệp với Đảng, Nhà nước, nhân dân”, Thủ tướng chia sẻ.

Sau một thời gian phòng chống dịch quyết liệt, quyết tâm, với sự thay đổi chiến lược, nhờ đó Việt Nam đang từng bước kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đặc biệt tại những nơi tâm dịch như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An…

Thời gian tới, Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng kịch bản thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Covid-19, xây dựng dự án luật sửa đổi, bổ sung nhiều luật để tiếp tục tháo gỡ các khó khăn trong sản xuất, kinh doanh…


Hội nghị hôm nay tập trung thảo luận về những giải pháp tốt để tìm cách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch bệnh, để vừa chống dịch hiệu quả, thành công, vừa khôi phục và phát triển kinh tế.

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI, cho biết chỉ trong 8 tháng đầu năm nay, đã có trên 85.000 doanh nghiệp, tức trên 10% số doanh nghiệp cả nước rút khỏi thị trường, trung bình mỗi tháng trên 10.000 doanh nghiệp, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm 2020. “Đợt bùng dịch thứ 4 tại Việt Nam diễn biến phức tạp, hiện đã ngấm sâu, lan rộng và không thể trở về trạng thái “Zero COVID”, do đó nếu giãn cách xã hội mãi thì các doanh nghiệp sẽ sụp đổ”, chủ tịch VCCI khẳng định. Đo đó, cần thay đổi chiến lược ứng phó Covid-19, thay vì dồn toàn lực tập trung cho một mặt trận chính là phòng chống dịch bệnh, thì từ nay chúng ta cần tập trung cho cả mặt trận thứ 2 là duy trì, phát triển kinh tế. 
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI báo cáo tại Hội nghị

VCCI đề nghị xem xét đổi tên các “Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19” thành “Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch COVID-19 và Phục hồi kinh tế”. Việc này sẽ thúc đẩy coi duy trì sản xuất, phục hồi kinh tế là một nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp. Ông Công cũng đề nghị trong cơ cấu Ban chỉ đạo cần có sự tham gia của đại diện cộng đồng doanh nghiệp.

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết vẫn còn một số hạn chế, tồn tại trong khâu thực thi các chính sách, giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp. Đơn cử như việc thiếu thống nhất ở một số địa phương, thủ tục phức tạp, điều kiện đưa ra để tiếp cận chính sách chưa phù hợp thực tế nên tỷ lệ doanh nghiệp được hỗ trợ về thuế, tín dụng hay cho vay ưu đãi theo Nghị quyết 105 còn thấp. Tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được với một số chính sách hỗ trợ về thuế, tín dụng, cho vay ưu đãi còn thấp do thủ tục còn phức tạp, một số điều kiện chưa phù hợp. Từ đó, kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Y tế khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu một số ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian gần đây để sớm ban hành hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới và triển khai các hoạt động kinh tế, xã hội đảm bảo an toàn phòng chống dịch Covid-19, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tổ chức sản xuất kinh doanh sớm nhất. 

Kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp

Đại diện các doanh nghiệp du lịch cho biết du lịch là ngành chịu tác động trực tiếp và nghiêm trọng nhất từ dịch Covid-19 trong 2 năm trở lại đây. Từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp du lịch chỉ kinh doanh được 3 tháng và chỉ có khách nội địa, không có khách quốc tế. Các khách sạn nhà hàng, lữ hành vận chuyển và dịch vụ, gần như đóng cửa 100%. Các doanh nghiệp đề nghị cần sớm áp dụng quy định "thẻ xanh, thẻ vàng" và Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống Covid-19 cần khẳng định "thẻ xanh" có thể di chuyển cả nước, không nên có rào chắn giữa các tỉnh thì mới khai thông được luồng vận chuyển, giao thông vận tải và từ đó phục hồi du lịch.

Trong kiến nghị với Thủ tướng, đại diện Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), ông Vũ Đức Giang- Chủ tịch Hiệp hội cho biết nhiều quy định trong dự thảo hướng dẫn "Thích ứng an toàn với dịch Covid-19" vẫn chưa hướng về sống chung với dịch và điều này có thể ảnh hưởng lớn tới kinh tế. Theo đó, ông Giang đề nghị cần mở cửa cho các đơn vị sản xuất kinh doanh đã tiêm đủ 1-2 mũi vắc xin cho NLĐ; Bộ y tế sớm ban hành hướng dẫn doanh nghiệp tự test nhanh cho NLĐ, doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm về kiểm soát dịch bệnh tại doanh nghiệp; Chính Phủ cần đảm bảo giao thông vẫn tải thông suốt cả nước từ Trung ương đến các địa phương, không bị tắc nghẽn; phòng ngừa và điều trị người bị nhiễm bệnh phải đi đôi với phát triển kinh tế. "Hiện tại nhiều doanh nghiệp dệt may đã kiệt sức, nếu không mở cửa kinh tế kịp thời các doanh nghiệp có thể không trụ thêm được nữa" ông Giang cho hay. Trước đó, ngày 25/9, VITAS cùng 7 Hiệp hội doanh nghiệp khác đã có văn bản góp ý dự thảo hướng dẫn "Thích ứng an toàn với dịch Covid-19" thể hiện rõ quan điển trên.
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch VITAS tại Hội nghị

Liên quan lĩnh vực bất động sản, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Xây dựng hướng dẫn việc áp dụng quy định về điều kiện bất khả kháng đối với các hợp đồng giao nhận thầu thực hiện trong thời điểm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Bênh cạnh đó, đề xuất bổ sung các chi phí phòng dịch bắt buộc, chi phí tạm dừng thi công chờ việc, chi phí kiểm tra nhanh dịch bệnh cho cán bộ, công nhân... vào chi phí đầu tư xây dựng công trình. Ngoài ra, VACC cũng cho rằng cần có quy định hướng dẫn cụ thể về điều kiện để công trình được tiếp tục thi công trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16, công trình nào phải tạm dừng.

Cũng tại hội nghị lần này, VCCI đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều chỉnh thời hạn áp dụng các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp đến hết tháng 6/2022 đồng thời giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) cho các loại hình dịch vụ như du lịch, nhà hàng, khách sạn, vận tải, chiếu phim… từ 30% lên 50% để tạo hiệu ứng tác động lớn hơn và cú hích hồi phục mạnh hơn với các ngành đang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.

Trong thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp cũng phản ánh về những khó khăn do dịch bệnh, đặc biệt là giai đoạn phải chấp hành nghiêm Chỉ thị 16 về giãn cách xã hội. Từ đó, khiến chi phí cố định trong doanh nghiệp bị tiêu hao, nhưng không có nguồn thu bù đắp. Dù đã có những chính sách hỗ trợ thuế, phí, giãn hoãn cơ cấu nợ ngân hàng, nhưng doanh nghiệp vẫn cần dòng tiền nóng để trang trả các chi phí. Không những vậy, số tiền doanh nghiệp phải chi cho phòng chống dịch là rất lớn. Vì vậy, VCCI đề nghị bổ sung dùng ngân sách Nhà nước hỗ trợ chi phí về phòng chống dịch bệnh cho những doanh nghiệp nào cố gắng cao nhất, trong thực hiện chủ trương của Chính phủ về duy trì mục tiêu kép, bằng cách được khấu trừ trong các khoản nộp ngân sách kỳ tiếp theo.












Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.086.414
Khách
: 159
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0