Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Năm, 28/03/2024

Đăng ký nhận tin

Năng lượng mới từ những người… cũ

21/01/2019 12:19 CH
Có những con người sở hữu nguồn năng lượng như không bao giờ vơi cạn. Họ liên tục làm việc, liên tục sáng tạo. Bất chấp tuổi tác, họ vẫn tạo ra nguồn năng lượng mới, thúc đẩy mình làm việc, khơi nguồn cảm hứng cho những người xung quanh cùng tiến lên.  

Vượt qua tuổi 60, cái ngưỡng mà mọi người tự cho mình quyền hưu trí, nghỉ ngơi, thì những người vượt ngưỡng lại vẫn hạnh phúc trong sự phát triển sự nghiệp, công việc rực rỡ của mình. Họ vẫn vui chân trên đường thiên lý, trẻ trung yêu đời và làm việc hăng say như tuổi 18. Tiếp tục sản sinh ra nguồn năng lượng tích cực, họ không bao giờ già!

nang luong moi tu nhung nguoi cu
Ông Vũ Đức Giang ,Ông Nguyễn Xuân Dương bà Ninh Thị Ty

Trong một sự kiện tổng kết cuối năm của Hiệp hội Dệt May Việt Nam, tôi đã lưu lại đến phút cuối cùng, khi đã khá khuya và nhiều người đã rời đi, để may mắn được nghe những chia sẻ từ đáy lòng của ba nhân vật quan trọng vào hàng bậc nhất của Ngành Dệt May Việt Nam trong hai thập kỷ qua.

Nội dung chia sẻ không phải là những báo cáo ngồn ngộn con số với những tăng trưởng, phát triển, kỳ vọng hay thách thức, thành quả hay nhiệm vụ, mà lại là những câu chuyện đầy cảm xúc, có sức lay động sâu xa.

nang luong moi tu nhung nguoi cu
Ông Vũ Đức Giang và Bà Ninh Thị Ty

Ba nhân vật đã mở lòng với những điều tâm huyết trong đêm ấy, là ông Vũ Đức Giang, bà Ninh Thị Ty, và ông Nguyễn Xuân Dương. Tôi không muốn đặt trước tên của các vị ấy với những chức danh họ đang có, mà chỉ muốn đơn giản gọi riêng tên của ba anh, chị. Bởi đơn giản, những người trong ngành Dệt May Việt Nam, đủ quan tâm tới ngành trong hai thập kỷ qua, thì đều biết đến nhân hiệu của ba anh, chị Ninh Thị Ty, Vũ Đức Giang, Nguyễn Xuân Dương. Chỉ cần đọc tên của ba người lên, là ta đủ hình dung về họ. Ba cái tên đó đã trở thành nhân hiệu trong làng dệt may Việt. Đó là ba cái tên giá trị và tôi có thể gọi họ là những người đáng kính. Họ thuộc thế hệ vàng của Dệt May Việt Nam.

nang luong moi tu nhung nguoi cu
Ông Nguyễn Xuân Dương

Trong đêm ấy, cả hai người đàn ông đáng kính của dệt may đều hóa thân thành nghệ sỹ, họ bóc cái vỏ thường ngày của những lãnh đạo uy nghi, nghiêm khắc, căng thẳng đôi khi, để hiển hiện trong vóc dáng thơ ca đầy xúc cảm. Ông Giang khiến chúng tôi, lứa 7X không phải trải qua thời chiến, lặng người trước hình tượng người lính chiến đấu và hy sinh anh dũng nơi chiến trường, bảo vệ sự sống và hòa bình cho nhân dân nước bạn Campuchia.

Những trải nghiệm thật đẹp, thật đau đớn, và vô cùng lớn lao của ông đã gói gọn trong những vần thơ da diết, dựng nên không khí hào hùng, bi thương, mà cao đẹp, truyền cho thế hệ sau tư tưởng cống hiến, hy sinh.

nang luong moi tu nhung nguoi cu
Ông Nguyễn Xuân Dương và Ông Vũ Đức Giang

Tiếp đó ông Giang cũng chia sẻ câu chuyện về doanh nhân cao tuổi người Nhật, mặc dù đã ngoài 90 tuổi, phải phẫu thuật, trong lúc vẫn phải đeo những dụng cụ y tế hỗ trợ bên mình, nhưng vị doanh nhân này vẫn tới văn phòng họp, vẫn tới tận nhà máy để thực tế giám sát công việc sản xuất. Cả hai câu chuyện ông chia sẻ, một câu chuyện qua những vần thơ, một câu chuyện về tinh thần làm việc của người Nhật, đều muốn truyền đi thông điệp rằng, mỗi người dệt may, đừng bao giờ bỏ quên ý chí, hãy không ngừng tiến lên phía trước, chúng ta đang nắm vận hội trong tay mình.


Nằm lòng nhiều năm một mục tiêu, ghi dấu ấn Việt Nam trên bản đồ dệt may thế giới, ông Giang cùng những người chủ chốt trong ngành DMVN đã cùng chung tay tạo nên một kỳ tích, đó là đưa DMVN vào Top 3 các nước xuất khẩu dệt may thế giới. Ông từng được ví như vị Tổng tư lệnh của Ngành, và giờ đây, ở tuổi ngoài 60, ông đã có thể ngẩng cao đầu tự hào.

nang luong moi tu nhung nguoi cu
Ông Vũ Đức Giang và Bà Ninh Thị Ty

Ông Nguyễn Xuân Dương, cũng là một người lính thầm lặng làm những việc lớn lao. Mười hai ngàn việc làm do ông và những tiền nhân lãnh đạo Hugaco tạo ra là một minh chứng cho thành công đáng nể phục. Với ông Dương, thêm một việc làm cho người dân, nghĩa là thêm một gia đình được yên ấm, thêm sự phát triển, sinh sôi. Toàn bộ cuộc đời ông, ngoài gia đình, thì điều ý nghĩa nhất, mục tiêu lớn nhất, vẫn là tạo ra thật nhiều việc làm, chăm lo người lao động thật tốt. Ông cũng đóng góp cho đời những vần thơ đẹp, đúc rút những triết lý sống đơn giản mà vĩ đại. Thơ của người dệt may cũng nhỏ nhẹ như mũi kim sợi chỉ, nhưng dễ dàng đi vào lòng người và sưởi ấm mãi.

Đã có nhận định rằng, nghệ sỹ và doanh nhân, tưởng rất khác nhau, nhưng về bản chất lại giống nhau một điểm, đó là những người dám và biết vượt qua giới hạn. Nếu bạn không bao giờ vượt được giới hạn của bản thân, và những giới hạn chung của con người, bạn sẽ chẳng bao giờ sáng tạo được, chẳng bao giờ đạt thành công vượt trội trong kinh doanh. Trong trường hợp của cả hai người đàn ông đáng kính là ông Nguyễn Xuân Dương và ông Vũ Đức Giang, thì hồn thơ và bản lĩnh kinh doanh lại hội tụ, họ là những người hai trong một: vừa là nghệ sỹ khi sáng tác những vần thơ đong đầy cảm xúc, lại cũng vừa là doanh nhân bản lĩnh nơi thương trường, dám vượt qua những điều bình thường để tạo nên những kỳ tích phi thường, đóng góp quan trọng thúc đẩy ngành Dệt May Việt Nam phát triển bứt phá.

Có lẽ hầu hết cuộc đời bà chưa làm một vần thơ, nhưng hồn nghệ sỹ trong vị nữ tướng ngành Dệt May – bà Ninh Thị Ty lại nằm ở khả năng hài hước và cách nói chuyện hóm hỉnh của bà. Hầu hết những người mới biết nữ Anh hùng lao động Ninh Thị Ty, đều cho rằng bà khó tính, yêu cầu cao và luôn tạo áp lực, nhưng nếu biết bà đủ sâu, mới cảm nhận được ở bà một tính cách hài hước, vui nhộn, tự trào, một giá trị chỉ có được ở những người phụ nữ đủ thông minh và đủ trải nghiệm. Cởi tấm áo giáp của một vị nữ tướng quyết liệt, sắt đá, đôi khi nóng nảy, bà có thể vào vai một người dẫn chuyện đỉnh cao, chuyên tạo trò khiến mọi người cười nghiêng ngả và giỏi tạo chủ đề mới lạ trong câu chuyện để kết nối mọi người.

Điều khiến hầu hết mọi người kính nể ở bà, đó là khả năng nhận biết những cơ hội kinh doanh sớm hơn người khác. Khả năng tiên phong này đã giúp cho doanh nghiệp May Hồ Gươm đón được hợp đồng từ Mỹ sớm nhất sau khi thị trường Đông Âu sụp đổ. Khả năng đó cũng giúp bà phát triển trong lĩnh vực đầu tư bất động sản, nông nghiệp công nghệ cao, giáo dục,… Phát triển đa ngành và đều tạo nên những dấu ấn nhất định, bà Ninh Thị Ty có một bí quyết, đó là bất cứ việc gì, nhỏ như cái kim, sợi chỉ, đều phải được làm chuyên nghiệp nhất, cẩn trọng nhất, vươn tới sự hoàn hảo. Đã làm tốt rồi, phải nghĩ sao cho tốt hơn nữa. Có như vậy, sản phẩm dệt may Việt Nam, thương hiệu Việt Nam mới tạo được uy tín trên toàn cầu, để người Việt có thể ngẩng cao đầu khẳng định với bạn bè quốc tế, “Chúng tôi là người Việt Nam”.

Cả ba nhân vật đề cập trong bài viết này, trong số nhiều nhân vật đáng kính của ngành DMVN, đều là những người chiến sỹ kiên cường, không rời bỏ vị trí của mình trong chiến trận dệt may cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Dù ở tuổi trên 60, hay trên 70, thì họ vẫn đang ở thời sung sức, thời trẻ trai mà ít ai sánh kịp trong ý chí, trong nỗ lực phát triển giá trị bản thân và giá trị cho ngành DMVN.

Việt Châu - https://petrotimes.vn

Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.086.244
Khách
: 1.228
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0