Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 19/04/2024

Đăng ký nhận tin

Ngành dệt may Việt Nam chuẩn bị cho TPP (phần I)

13/04/2015 10:06 SA
Theo dự báo,  đến cuối năm 2018, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mới có hiệu lực tuy nhiên “sức hút” từ Hiệp định này là rất lớn. Bên cạnh những cơ hội do cắt giảm thuế mang lại, quy tắc xuất xứ vẫn là bài toán khó cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tham gia Chương trình Hội nhập của Đài truyền hình Việt Nam, ông Lê Tiến Trường – Phó Chủ tịch Hiệp hội, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam đã chia sẻ nhận định về thị trường dệt may Việt Nam trong giai đoạn đón đầu TPP.

Quy mô thị trường sẽ dẫn dắt năng lực đầu tư

Trong đàm phán TPP, các nước thành viên đề nghị quy tắc xuất xứ rất chặt chẽ với ngành dệt may, tức là tất cả các khâu từ sợi cho đến vải, cắt, may đều phải được thực hiện trong nội khối, khi đó sản phẩm mới được hưởng ưu đãi về thuế. Tuy nhiên số lượng các quốc gia trong TPP sản xuất dệt may hiện nay còn rất ít vì vậy Việt Nam muốn được hưởng ưu đãi thì phải chủ động hoàn toàn nguyên phụ liệu ở trong nước.

Việt Nam là nước dư sợi và vẫn đang xuất khẩu sợi với kim ngạch gần 2 tỷ USD/năm. Vì vậy sợi không phải là vấn đề đáng lo ngại mà mắt xích khó nhất hiện nay nằm ở khâu sản xuất vải, bao gồm cả vải dệt kim và vải dệt thoi. Theo ông Lê Tiến Trường, với tình hình sản xuất hiện nay, ngành vải chỉ có thể đáp ứng được 30% nhu cầu về số lượng.


Tuy nhiên nếu nhìn lại các con số thống kê trong lĩnh vực đầu tư, 3 năm trở lại đây, số dự án dệt lớn hơn rất nhiều so với 10 năm trước. Chỉ tính riêng năm 2014, dòng vốn cho khu vực dệt đã bằng cả 6 năm trước cộng lại. Điều đó cho thấy dù TPP chưa được ký kết nhưng sức nóng của nó đã rất lớn và nhiều khă năng dẫn dắt tỉ lệ này cao hơn nữa trong những năm tới.

Nếu may là lĩnh vực có đầu tư ở mức độ thấp, dễ dàng chuyển dịch thì trung tâm sản xuất  nguyên liệu lại là lĩnh vực cần đầu tư lớn và phù hợp với quy mô của ngành.  Sự thật đã chứng minh khi quy mô thị trường tăng lên cũng sẽ kéo theo năng lực đầu tư các dự án ngành nguyên phụ liệu tăng theo. Khi ngành dệt may xuất khẩu 3-5 tỷ USD, không một doanh nghiệp nào nghĩ đến sản xuất vải vì quy mô nhỏ không thể cạnh tranh với các nhà cung ứng toàn cầu. Khi kim ngạch xuất khẩu dệt may được 10 tỷ USD, chúng ta bắt đầu sản xuất một số loại vải đặc thù và khi con số xuất khẩu là 20 tỷ thì một số doanh nghiệp đã bắt đầu sản xuất vải cao cấp. Đó là lý do để khẳng định với quy mô xuất khẩu 40-50 tỷ USD trong 5 năm tới, sẽ có thêm nhiều trung tâm nguyên phụ liệu được xây dựng và đưa vào hoạt động, có thể đáp ứng được 60% nhu cầu vải về cả số lượng lẫn chất lượng.

Hiệp định TPP sẽ là tiền đề thúc đẩy nhanh quá trình đầu tư cho sản xuất nguyên liệu –  vốn là khâu cần nhiều chi phí và công nghệ cao. Đây được coi như là “món quà” cho các nhà sản xuất nguyên liệu để vượt qua những năm đầu hoạt động khó khăn vì không phải lo lắng quá nhiều về đầu ra cho sản phẩm.

Doanh nghiệp FDI vừa là thách thức vừa là động lực

Khi đã hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới thì việc Việt Nam đàm phán TPP và trở thành điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài là điều dễ hiểu. Câu hỏi đặt ra là có khi nào Việt Nam ký TPP, các doanh nghiệp FDI được hưởng lợi?

 Chia sẻ về vấn đề này, ông Lê Tiến Trường cho biết sự xuất hiện mạnh mẽ của các nhà đầu tư trong giai đoạn này là thách thức nhưng cũng là động lực phát triển cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Các dự án đầu tư nước ngoài về hình thức là các khu liên hợp khép kín nhưng thực tế họ chỉ hoạt động trên lĩnh vực nguyên liệu, còn trong lĩnh vực may họ sẽ sử dụng các vệ tinh là doanh nghiệp Việt Nam. Lợi ích từ TPP được phân phối cho tất cả các giai đoạn trong chuỗi chứ không chỉ riêng ở một số khâu nhất định. Vì vậy, bước đầu các doanh nghiệp Việt Nam vẫn được chia sẻ một phần lợi nhuận gia tăng do cắt giảm thuế mang lại. Đồng thời, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực cũng là lợi ích mà chúng ta thu được khi hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài,. “Các doanh nghiệp FDI là một phần của ngành công nghiệp dệt may Việt Nam và có tác dụng “kích thích” sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ trong những năm đầu sau khi TPP được ký kết” ông Trường khẳng định .


Với sự có mặt của TPP, bất kể là do doanh nghiệp Việt Nam hay doanh nghiệp FDI, quy mô xuất khẩu của ngành dệt may chắc chắn sẽ tăng mạnh, từ đó tạo thêm việc làm và cải thiện cuộc sống cho người lao động Việt Nam.  Nếu quản lý của Nhà nước hiệu quả về các mặt lao động và môi trường, vô hình chung Hiệp định đã góp phần nâng cao đời sống chung của toàn xã hội. Theo số liệu thống kê, cứ 1 tỷ USD xuất khẩu dệt may tăng thêm sẽ tạo ra 80 nghìn việc làm trực tiếp. Riêng năm 2014, cứ 5 việc làm mới thì có 1 việc làm trực tiếp từ ngành dệt may.

Lợi ích thứ hai đến từ TPP, đó là khi ngành dệt may phát triển thì các doanh nghiệp cũng có điều kiện mở rộng quy mô và tự nâng cấp trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Với một quốc gia 95% là doanh nghiệp vừa và nhỏ như Việt Nam, nếu không có “bước đi” này thì sẽ không có doanh nghiệp trung bình và lớn. Lợi ích trong ngắn hạn có thể chưa thấy nhưng trong dài hạn đây vẫn là bước đi đúng đắn của Chính phủ trong việc thúc đẩy phát triển ngành dệt may - một trong những ngành quan trọng trong công tác an sinh và tạo việc làm.

Nếu không chớp lấy cơ hội, sẽ muộn  

Dù cơ hội lớn đến đâu nhưng nếu doanh nghiệp không chủ động nắm bắt thì thời cơ sẽ đi qua. Đây là giai đoạn để các doanh nghiệp thay đổi và bước sang chiến lược mới phù hợp hơn với xu hướng phát triển của thị trường. Nếu đợi đến 2-3 năm sau khi Hiệp định TPP được ký kết thì “miếng bánh” thị trường đã được phân chia xong, doanh nghiệp muốn có vị trí trong đó cũng rất khó khăn. Chuyển dần từ gia công sang FOB và ODM, bằng nhiều cách khác nhau chủ động được nguồn nguyên liệu vẫn là con đường tất yếu của doanh nghiệp dệt may Việt Nam để hướng đến sự phát triển bền vững.

Không chỉ cần sự bứt phá của các các doanh nghiệp Việt Nam mà còn cả sự thấu hiểu, ủng hộ của xã hội và các ngành kinh tế khác, đặc biệt là sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, những nhà hoạch định chính sách để tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi và công bằng hơn cho tất cá các doanh nghiệp. 

Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.109.735
Khách
: 798
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0