Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Bảy, 20/04/2024

Đăng ký nhận tin

Nhà đầu tư nước ngoài là sứ giả của Việt Nam

04/07/2014 02:13 CH
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng các nhà đầu tư nước ngoài chính là sứ giả cầu nối giữa Việt Nam và thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

Chia sẻ với hơn 400 DN, nhà đầu tư nước ngoài dự Diễn đàn Kinh doanh 2014, do Tạp chí Forbes Việt Nam tổ chức ngày 3/7 tại TPHCM, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tin tưởng rằng cơ hội mới sẽ xuất hiện khi các DN đồng hành cùng Chính phủ để giải quyết những thách thức phát triển đang hiện hữu.

PTT Vũ Đức Đam: Giới DN chính là những người tiên phong giúp xây dựng hình ảnh,
tên tuổi của Việt Nam trên thị trường quốc tế và mang thế giới đến với Việt Nam. Ảnh: VGP/Đình Nam

Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới về Việt Nam đánh giá Việt Nam đã từng có tốc độ tăng trưởng đáng kinh ngạc, cao thứ hai thế giới với tốc độ trung bình 5,7%/năm liên tục trong 21 năm. Và trước những khó khăn của kinh tế thế giới nhưng những năm gần đây, kinh tế vĩ mô của VN ổn định, vẫn duy trì được đà tăng trưởng thuộc loại cao trên thế giới.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết: Kinh tế vĩ mô của Việt Nam hiện ổn định, lạm phát đã được kiểm soát tốt. Năm 2013, giá tiêu dùng tăng khoảng hơn 6%; năm 2014 này sẽ còn dưới 5%. Tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2013 đạt 5,4%; năm 2014 khoảng 5,8%.

Xuất khẩu của Việt Nam trong những năm qua bình quân tăng 20%. Tỉ giá ngoại tệ ổn định, dự trữ ngoại tệ đã bảo đảm trên 12 tuần nhập khẩu. Cán cân thanh toán tổng thể dự báo thặng dư, nợ xấu được kiểm soát và xử lý giảm dần.

Chính phủ đang đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu kinh tế, trong đó trọng tâm là tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu hệ thống ngân hàng tài chính, tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước. Quá trình này đã có những chuyển biến tích cực, tạo đà cho chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững hơn trong những năm tới đây.

Tuy nhiên, để bắt kịp với trình độ phát triển của những nước công nghiệp mới, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, nền kinh tế của Việt Nam phải tăng trưởng ở mức 8-9% thay vì 5-6% trong những năm tới đây. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng thách thức này chỉ có thể được giải quyết nếu tìm ra và khơi dậy cho được nguồn động lực mạnh mẽ hơn từ cộng đồng DN, xã hội và từng người dân Việt Nam.

                                      PTT Vũ Đức Đam và ông Rich Karlgaard, Chủ nhiệm tạp chí Forbes toàn cầu,
                                     đối thoại cùng đại diện DN lại Diễn đàn Kinh doanh 2014. Ảnh: VGP/Đình Nam

Phó Thủ tướng chia sẻ với các đại biểu về kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2016-2020 đang được Chính phủ xây dựng đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước, tái cơ cấu mạnh mẽ nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng. Đồng thời đẩy mạnh phát triển văn hóa, xã hội, cải thiện đời sống nhân dân; tăng cường bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.

Để đạt được những mục tiêu phát triển trong kế hoạch 2016-2020, trước hết cần giải quyết là 3 điểm nghẽn trong quá trình phát triển hiện nay của Việt Nam: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng kết cấu hạ tầng; phát triển nguồn nhân lực.

Bên cạnh đó là thách thức phải chuyển sang mô hình phát triển xanh, bền vững; phát triển hài hòa kinh tế với văn hóa-xã hội, thành thị với nông thôn để mọi người dân đều được thụ hưởng kết quả của quá trình phát triển; hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, phát huy mạnh mẽ vai trò làm chủ, sức sáng tạo của mọi người dân, đồng thời phải tăng cường kỷ cương, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

"Bao trùm nhất là thách thức phải xây dựng bằng được một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Dân tộc Việt Nam đã trải qua bao cuộc đấu tranh chống thiên tai địch họa, đã phải hy sinh to lớn vì nền Độc lập, Tự do và Hạnh phúc của nhân dân. Một Dân tộc như vậy nhất định sẽ không chấp nhận một nước Việt Nam mãi nghèo, mãi yếu, mãi lạc hậu, thiếu công bằng; nhất định không chấp nhận quyền làm chủ của người dân không được tôn trọng, đảm bảo", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Những thách thức trên đòi hỏi quyết tâm đổi mới rất mạnh mẽ của Chính phủ lẫn cộng đồng DN cũng như toàn xã hội để tìm ra được hướng phát triển mới, trong xu hướng toàn cầu hóa.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao vai trò của cộng đồng DN, trong đó có các nhà đầu tư, DN nước ngoài trong quá trình Việt Nam chủ động tham gia tích cực, hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu.

“Vai trò một quốc gia, một nền kinh tế độc lập tự chủ không có nghĩa là bó hẹp trong lãnh thổ và biên giới. Một quốc gia có thể vươn khắp toàn cầu, bằng hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ và gắn liền với  đó là thương hiệu, là hình ảnh, là văn hóa.

Giới DN chính là những người tiên phong giúp xây dựng hình ảnh, tên tuổi của Việt Nam trên thị trường quốc tế và mang thế giới đến với Việt Nam”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Trao đổi cùng các đại biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết một trong những mối quan tâm hàng đầu của người dân Việt Nam là bảo vệ độc lập, chủ quyền của đất nước, nhất là trong bối cảnh Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Chủ quyền là thiêng liêng, không gì đánh đổi được. Việt Nam kiên quyết đấu tranh để bảo vệ chủ quyền quốc gia, theo đúng luật pháp quốc tế, đồng thời gìn giữ môi trường hòa bình, hợp tác, phát triển cho mình và cho cả khu vực và thế giới.

“Một điều chắc chắn là nếu có tiềm lực kinh tế mạnh hơn thì nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền sẽ được thực hiện thuận lợi hơn, được đảm bảo tốt hơn. Đây cũng là sự thôi thúc, là động lực để cộng đồng DN, đặc biệt là DN Việt Nam, cùng với Chính phủ, cùng với nhân dân nỗ lực hơn, làm tốt hơn công việc của mình”, Phó Thủ tướng nói.

Để thực sự biến những thách thức thành cơ hội mới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh cam kết của Chính phủ sẽ luôn đồng hành cùng các DN; luôn nỗ lực tạo mọi điều kiện tốt nhất cho DN trong nước cũng như nhà đầu tư nước ngoài được kinh doanh trong một môi trường ngày càng thuận lợi, bình đẳng.

Với chủ đề “Việt Nam - Cơ hội mới”, Diễn đàn Kinh doanh 2014 do Tạp chí Forbes Việt Nam tổ chức sẽ thảo luận các vấn đề kinh tế quan trọng, mở ra nhiều cơ hội đầu tư trong giai đoạn mới tại Việt Nam, tập trung vào ba chủ đề:

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế: Đánh giá tình hình kinh tế hiện tại bao gồm triển vọng của nền kinh tế: GDP dự kiến, lạm phát, lãi suất, chính sách tiền tệ và tài khóa, những thách thức còn tồn đọng và các cơ hội phía trước. Diễn đàn cũng sẽ thảo luận về quá trình tái cấu trúc nền kinh tế, các cơ hội đi cùng với những hiệp định thương mại mới như: Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), các vấn đề về giáo dục và nguồn nhân lực.

Vượt lên dẫn đầu: Vượt qua nhiều khó khăn trong những năm qua, một số công ty đã nổi lên mạnh mẽ hơn nhờ củng cố các mảng kinh doanh, tập trung vào thế mạnh cốt lõi, đổi mới cách thức quản lý, đầu tư vào các lĩnh vực mới và vươn ra các thị trường quốc tế…

Vốn mở rộng và đầu tư vào đổi mới: Vốn đầu tư là tối cần thiết cho doanh nghiệp. Vậy làm thế nào để tiếp cận các nguồn vốn với chi phí tối thiểu mà vẫn giúp doanh nghiệp phát triển bền vững?

Theo: baodientu.chinhphu.vn

Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.111.235
Khách
: 1.028
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0