Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Năm, 28/03/2024

Đăng ký nhận tin

Ngành dệt may manh nha 'xanh hóa' với vỏ chai, than dừa

19/01/2022 01:33 CH
Doanh nghiệp dệt may cho biết các thương hiệu thời trang ngày càng chuộng nguyên liệu bền vững, tái chế như từ vỏ chai, bã cà phê, than dừa.
"Bã từ ba cốc cà phê và một chai nhựa PET có thể dùng để kéo ra sợi sản xuất một chiếc áo polo", bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam kể lại một trải nghiệm ở Đài Loan trong buổi chia sẻ mới đây.

"Xanh hóa" dệt may trong bối cảnh ngành này vốn là một trong những tác nhân không nhỏ ảnh hưởng đến môi trường là bài toán quan trọng không chỉ ở Đài Loan mà hầu hết các nước, gồm cả Việt Nam.

Gần đây, Faslink công bố một loạt bộ sưu tập thời trang với chất liệu làm từ vải sợi cà phê, sợi bạc hà kết hợp cùng một số nhà thiết kế như Võ Công Khanh.

Tổng giám đốc Faslink Trần Hoàng Phú Xuân xác nhận các thương hiệu thời trang ngày càng đa dạng lựa chọn, sử dụng các chất liệu xanh được sản xuất an toàn với môi trường. Vì vậy, các nhà cung cấp nguyên liệu cho dệt may cũng dịch chuyển nhanh chóng theo xu hướng này.


Công ty bà Xuân quyết định đón đầu xu hướng bằng cách đầu tư 10.000 m2 xưởng, hơn 300 thiết bị và bộ rập cải tiến, cũng như hợp tác R&D. Công ty này cho ra đời 5 loại sợi tự nhiên gồm: sợi cà phê, sợi sen, sợi vỏ sò, sợi dừa, sợi bạc hà. "Các sản phẩm của chúng tôi cũng từ các nghiên cứu của trường đại học và thương mại hóa thành công", bà nói.

Hay như Dệt may Thành Công cũng ghi nhận nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng quốc tế về chất liệu bền vững. Ông Trần Như Tùng, Chủ tịch kiêm Phó tổng giám đốc Thành Công cho hay, công ty đã lập một trung tâm R&D cách đây hơn 6 năm, đứng đầu bởi một tiến sĩ ngành dệt may người Hàn Quốc.

"Hiện chúng tôi đã làm những sản phẩm sợi tái chế từ vỏ chai, cung cấp cho các đơn hàng New Balance tại Nhật Bản. Khách hàng Nhật rất quan tâm đến vấn đề xanh sạch này", ông Tùng cho biết.

Công ty này còn sản xuất đơn hàng cho North Face, Adidas...dùng những sợi tái chế từ vỏ chai, mía, bắp..."Những nguyên liệu này được khách hàng đánh giá rất cao. Đó là xu hướng mà chúng ta không có sự lựa chọn mà buộc phải như vậy", ông nhận định.

Bà Mai cho hay, khi tham gia ngày càng nhiều vào các hiệp định tự do thương mại, trách nhiệm xã hội của ngành dệt may phải ngày càng được chú ý.

Trách nhiệm xã hội không chỉ là việc đi làm từ thiện mà còn cả với môi trường, sản phẩm làm ra và người lao động. "Khi Việt Nam tham gia vào các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới, chúng ta đã có những cam kết về lao động và môi trường. Tức là sản phẩm làm ra phải sạch ngay từ khâu nguyên liệu", bà nói.

Tiến sĩ Bùi Mai Hương, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật Dệt may, Đại học Bách Khoa TP HCM đồng thuận rằng, "xanh hóa" ngành dệt may là việc bắt buôc phải làm. Tín hiệu cũng rất tích cực từ phía nguồn nhân lực, những người sắp kế thừa ngành xuất khẩu trị giá 39 tỷ USD của Việt Nam trong năm qua.

"Những năm gần đây, khi hướng dẫn luận văn tốt nghiệp cho sinh viên, chúng tôi thấy ngày càng có nhiều dự án theo hướng nhuộn màu tự nhiên từ vỏ đước, bã cà phê, bã trà...và nghiên cứu phát triển nhiều loại xơ mới từ dứa, dừa", Tiến sĩ Hương cho biết.

Năm 2021, cùng với xuất khẩu cán đích thành công, cổ phiếu của ngành dệt may tăng đến 111% so với đầu năm, cao hơn 77% so với chỉ số VN Index. Theo kịch bản tốt nhất của Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), kim ngạch xuất khẩu năm nay có thể đạt 42,5-43,5 tỷ USD. Tuy nhiên, câu chuyện "xanh hóa" sẽ là thách thức dài hạn không thể bỏ qua.

Trong chiến lược phát triển đến năm 2025, Trung Quốc đặt mục tiêu không giữ 39% thị phần dệt may của thế giới như hiện nay mà giảm xuống 30%. Nước này quyết định đi theo hướng tập trung vào khu vực có biên lợi nhuận cao nhất như nguyên liệu tái chế, ví dụ như vải polyeste tái chế.

Hay như một đối thủ khác của Việt Nam là Banglades cũng đi theo hướng đầu tư hiện đại hóa. Mới năm ngoái, 9 trong 10 nhà máy may mặc xanh đạt tiêu chuẩn cao nhất được Hội đồng Xây dựng Xanh Mỹ cấp chứng nhận là ở Banglades.

"Chúng ta cần sự kết nối, giữa nhà trường, doanh nghiệp và các hiệp hội", Tiến sĩ Bùi Mai Hương nói về hướng phát triển chuỗi giá trị thời trang bền vững cho ngành dệt may Việt Nam. "Khâu nguyên liệu đúng là một khâu yếu của ngành dệt may. Vì chúng ta hầu như nhập phần lớn nguyên liệu đầu vào và đôi khi còn chưa hiểu rõ về chúng", bà nhận xét thêm.


Các chuyên gia cho rằng, mục tiêu "xanh hóa" đang là yêu cầu cấp bách trước chiến lược hiện đại hóa ngành dệt may của nhiều đối thủ nước ngoài lớn cũng như để duy trì dòng vốn đầu tư, đặc biệt là nguồn tín dụng ngân hàng trong bối cảnh Luật Bảo vệ môi trường đã bắt đầu hiệu lực đầu năm nay. Sau hết, hiệu quả cuối cùng chính là triển vọng thu hút khách hàng. "Nếu 'xanh hơn' trong các sản phẩm của mình sẽ rất có lợi trên thị trường quốc tế", bà Nguyễn Thị Tuyết Mai nói.

» Gửi ý kiến của Bạn
Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.086.147
Khách
: 1.130
 
Ngành dệt may manh nha 'xanh hóa' với vỏ chai, than dừa Rating: 5 out of 10 25763.
Core Version: 1.8.0.0