Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Năm, 25/04/2024

Đăng ký nhận tin

Thêm đồng thuận trong đàm phán RCEP

10/07/2014 10:29 SA
Vòng đàm phán thứ 5 Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) vừa diễn ra tại Singapore, cơ bản các bên tham gia đàm phán đã đạt được thêm sự đồng thuận về việc xác định các vấn đề chủ chốt cần giải quyết.

Bàn thảo các vấn đề chủ chốt

Đoàn đàm phán của Bộ Công Thương do Vụ Chính sách thương mại đa biên đảm trách, đã tham gia tất cả các phiên họp toàn thể và các phiên thảo luận của 11 nhóm và tiểu ban.

Đại diện 16 nước đã tiếp tục thảo luận về các vấn đề chủ chốt liên quan tới thương mại hàng hóa, bao gồm: Thuế quan, quy tắc xuất xứ, thủ tục hải quan và thuận lợi hóa thương mại, các biện pháp vệ sinh dịch tễ..., đồng thời bàn thảo về các lĩnh vực dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, giải quyết tranh chấp, hợp tác kinh tế kỹ thuật. Các bên cũng trao đổi thẳng thắn về các nội dung có giá trị gia tăng so với 5 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) ASEAN+1 hiện có giữa ASEAN và từng đối tác.

Toàn bộ các kết quả của phiên đàm phán này sẽ được báo cáo, làm tư liệu để các Bộ trưởng chỉ đạo, xúc tiến đàm phán tại Hội nghị Bộ trưởng các nước tham gia RCEP lần thứ 2 dự kiến sẽ diễn ra tại Myanmar vào ngày 27/8/2014.

Thực hiện RCEP, các quốc gia tham gia sẽ cam kết tự do hóa gần 100% thương mại, thông qua hàng loạt các hiệp định thương mại tự do, chỉ còn lại số ít mặt hàng nhạy cảm cần bảo vệ nhất định. Lĩnh vực dịch vụ và đầu tư cũng sẽ từng bước mở cửa, do đó vấn đề cần giải quyết là sự không đồng đều về mức độ phát triển giữa các nền kinh tế.

Hiện 16 quốc gia RCEP đang chiếm 50% dân số, khoảng 1/3 tổng thương mại toàn cầu. Giới phân tích dự tính RCEP sẽ trở thành khu vực mậu dịch tự do lớn nhất thế giới và là một đối trọng đối với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) hiện đang trong quá trình đàm phán.

Tham gia RCEP gồm 10 nước thành viên ASEAN và 6 nước đối tác: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand. RCEP còn được biết đến với tên gọi ASEAN+6 bởi đó chính là 6 nước đã ký FTA với ASEAN.

Tận dụng cơ hội từ RCEP

Tương tự WTO và TPP mà Việt Nam là một thành viên, với RCEP, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội xuất khẩu hàng hóa sang các nước khác và thách thức là hàng hóa các nước khác có thể vào thị trường Việt Nam với thuế suất thấp.

Theo nghiên cứu của JETRO, việc áp dụng các quy tắc xuất xứ để tận dụng các ưu đãi thuế quan từ các FTA được ký giữa 6 nước với ASEAN hiện khá phức tạp và khó khăn. Ví dụ, theo quy định về tiêu chuẩn xuất xứ thì hàm lượng giá trị khu vực không được nhỏ hơn 40% khiến doanh nghiệp vất vả và tốn nhiều chi phí. Trong khi đó, RCEP là một FTA đơn nhất với các quy tắc xuất xứ được chuẩn hóa chung, giúp doanh nghiệp giảm chi phí cho việc tuân thủ quy tắc này.

JETRO cũng cho rằng, RCEP sẽ đem lại lợi ích to lớn cho ngành dệt may của Việt Nam. Cụ thể, với FTA ASEAN- Nhật Bản, hàng may mặc Việt Nam khi xuất khẩu vào Nhật Bản phải được làm từ nguyên phụ liệu vải có xuất xứ tại ASEAN và Nhật Bản. Trong khi đó, hiện có hơn 33% nguyên phụ liệu dệt may của Việt Nam được nhập khẩu từ Trung Quốc. Nhưng nếu RCEP có hiệu lực, hàng may mặc Việt Nam được sản xuất từ nguyên phụ liệu của Trung Quốc cũng được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, bởi Trung Quốc cũng là thành viên trong RCEP.

Cuối tháng 8/2014, Bộ trưởng 16 nước tham gia đàm phán RCEP sẽ đánh giá những tiến bộ đạt được trong 5 vòng đàm phán qua và chỉ đạo mục tiêu hoàn tất đàm phán vào cuối năm 2015. Dự kiến, vòng đàm phán thứ 6 của RCEP sẽ diễn ra tại Ấn Độ từ ngày 1-5/12/2014.


Theo: Báo Công thương

Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.117.534
Khách
: 24
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0