Hội thảo được tổ chức nhằm giúp doanh nghiệp nắm rõ những khái niệm cơ bản về CE và FDA, quy trình đăng ký cấp chứng nhận CE và FDA, những yêu cầu cần đáp ứng,…

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết, trong thời gian vừa qua, với tác động của dịch Covid-19, nhiều ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn, trong đó có các doanh nghiệp dệt may. Nhưng các doanh nghiệp của ta đã nhanh chóng nắm bắt tình hình, chuyển sang sản xuất khẩu trang vải, khẩu trang vải kháng khuẩn để đáp ứng nhu cầu trong nước và chuyển sang xuất khẩu, qua đó góp phần đem lại thu nhập, giảm bớt thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trong quý I/2020, nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu mà chủ yếu doanh nghiệp nhập khẩu từ Trung Quốc, đã bị đứt đoạn khi quốc gia này bùng phát dịch bệnh. Bắt đầu từ giữa tháng 3/2020, ngành dệt may lại chịu ảnh hưởng bởi yếu tố cầu sụt giảm nghiêm trọng khi các thị trường Mỹ và châu Âu, siết chặt các biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Số liệu thống kê cho thấy, xuất khẩu dệt may Việt Nam trong tháng 4/2020 đã giảm 20% so với tháng 3.

Tính chung 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may chỉ đạt 10,63 tỷ USD, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm 2019. Kim ngạch nhập khẩu đạt 6,39 tỷ USD, giảm 8,76% so với cùng kỳ năm trước.

“Chưa bao giờ mà ngành dệt may Việt Nam lại đối mặt với việc tất cả các mặt hàng xuất nhập khẩu đều có tăng trưởng âm như vậy”, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam lo ngại.

Trong đó, xuất khẩu hàng may mặc đạt 8,27 tỷ USD, giảm 5,98%. Xuất khẩu vải đạt 664 triệu USD, giảm 0,3%. Xuất khẩu xơ sợi đạt 1,19 tỷ USD, giảm 11,54%. Xuất khẩu vải không dệt đạt 162 triệu USD, giảm 22,12%. Xuất khẩu nguyên phụ liệu dệt may đạt 354 triệu USD, giảm 6,02%.

Nhập khẩu bông trong 4 tháng đạt 893 triệu USD, giảm 7,98%. Nhập khẩu xơ sợi các loại đạt 758 triệu USD, giảm 2,45%. Nhập khẩu vải giảm tới 3,63 tỷ USD, giảm 10,99%. Nhập khẩu phụ liệu dệt may đạt 1,11 tỷ USD, giảm 5,82%.

Xuất nhập khẩu dệt may của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2020 giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019
Xuất nhập khẩu dệt may của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2020 giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019

Tuy nhiên, Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Cục Xuất nhập khẩu đều nhận định, giữa những khó khăn chồng chất như vậy, ngành dệt may Việt Nam đã có cơ hội mới, đó là sản xuất khẩu trang các loại để phục vụ nhu cầu của thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

Nhằm nắm bắt kịp thời cơ hội này, ứng phó với thời kỳ dịch bệnh khó khăn, Hiệp hội Dệt may Việt Nam và Bộ Công Thương đã tích cực làm việc, phối hợp chặt chẽ để đề xuất các kiến nghị hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu khẩu trang của doanh nghiệp. Nhờ đó, một số quy định của Tổng cục Hải quan về vấn đề này cũng đã được dần tháo bỏ, nới lỏng.

Với việc Chính phủ ban hành Nghị quyết 60/NQ-CP ngày 29 tháng 4 năm 2020, khẩu trang các loại, bao gồm cả khẩu trang vải và khẩu trang y tế, đã được tự do xuất khẩu.

“Đặc biệt với khẩu trang vải, trước đây chúng ta được biết là khi mà các doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang vải thì Quyết định 141/QĐ-TTg năm 2016 đã quy định rõ là tất cả khẩu trang, kể cả khẩu trang vải, khẩu trang kháng khuẩn xuất khẩu đi đều phải qua kiểm định”, ông Trương Văn Cẩm cho biết.

Song, sau các buổi làm việc với chỉ đạo của Chính phủ và các Bộ, ngành thì lực lượng hải quan cũng đã nới dần các quy định này, cùng với đó việc dịch bệnh được khống chế cũng góp phần giúp ngành dệt may có được cơ chế xuất khẩu thuận lợi hơn với cả khẩu trang vải và khẩu trang y tế.

Từ đầu năm đến ngày 19/4, tổng lượng khẩu trang đã xuất khẩu là 415,7 triệu chiếc, trị giá 63,19 triệu USD. Các thị trường xuất khẩu chính là Nhật, Hàn Quốc, Đức, Mỹ, Hong Kong, Singapore...

Dù vậy, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, trong số này chủ yếu chỉ là khẩu trang vải, khẩu trang vải kháng khuẩn xuất khẩu, còn số lượng khẩu trang y tế được xuất đi mới ở mức thấp. Hiện nay nhu cầu của thị trường này đang rất lớn. Nếu so với ngành dệt may của chúng ta xuất khẩu khoảng gần 40 tỷ USD/năm thì con số 63 triệu USD ở trên là không nhiều.

Hội thảo Xuất khẩu dệt may trong bối cảnh Covid-19: Giải đáp quy định về CE và FDA được tổ chức theo hình thức trực tuyến
Hội thảo Xuất khẩu dệt may trong bối cảnh Covid-19: Giải đáp quy định về CE và FDA được tổ chức theo hình thức trực tuyến

Theo Cục Xuất nhập khẩu, khẩu trang, cũng như các thiết bị phòng hộ cá nhân (PPE) khác đều là những mặt hàng liên quan đến sức khỏe, an toàn của người sử dụng. Do vậy, các nước nhập khẩu thường có những tiêu chuẩn về chất lượng đối với các mặt hàng này. Đặc biệt, đối với các thị trường như EU và Hoa Kỳ, các tiêu chuẩn này là bắt buộc. Nếu không có các chứng chỉ phù hợp, hàng hóa có thể bị khó khăn khi nhập khẩu, thậm chí bị trả lại.

Phó Cục trưởng Trần Thanh Hải nhận định, thời gian vừa qua, nhiều doanh nghiệp đã lúng túng khi muốn xin cấp chứng nhận CE và FDA là những tiêu chuẩn phổ biến ở EU và Hoa Kỳ, thắc mắc về tổ chức có thẩm quyền cấp chứng nhận, băn khoăn về việc giấy chứng nhận được cấp liệu có được nước nhập khẩu chấp nhận hay không...

Tại Hội thảo "Xuất khẩu dệt may trong bối cảnh Covid-19: Giải đáp quy định về CE và FDA", các chuyên gia đã giới thiệu những khái niệm cơ bản, thông tin về quy trình và các bước thực hiện, về tổ chức đánh giá sự phù hợp có thẩm quyền trong việc cấp chứng nhận CE và FDA, giúp doanh nghiệp có thêm thông tin về vấn đề này để có quyết định chính xác khi xuất khẩu các mặt hàng sang EU và Hoa Kỳ.

Đồng thời, các doanh nghiệp cũng đã được giải đáp nhiều thắc mắc ngay tại Hội thảo với ý kiến tư vấn của các chuyên gia.

“Đây là một nội dung còn khá mới mẻ với nhiều doanh nghiệp, lại liên quan nhiều đến các yếu tố kỹ thuật nên chắc chắn sẽ có nhiều câu hỏi, thắc mắc. Vì vậy sau Hội thảo, các doanh nghiệp cũng có thể cần phải tìm hiểu thêm, thậm chí thông qua các đơn vị tư vấn để xác định rõ quy trình đối với mặt hàng, thị trường cụ thể của doanh nghiệp mình”, ông Trần Thanh Hải lưu ý thêm.

Đại diện Cục Xuất nhập khẩu bày tỏ hy vọng, qua Hội thảo này, các doanh nghiệp sẽ nhận thấy rõ tầm quan trọng của công tác chứng nhận sự phù hợp nói riêng và đảm bảo chất lượng sản phẩm nói chung, coi đây là một hành trang bắt buộc trong tiến trình hội nhập để có thể bước ra thị trường thế giới một cách chủ động, vững tin, qua đó đem lại thành công cho doanh nghiệp và đất nước.

Nguồn: Tạp chí Công thương