Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 19/04/2024

Đăng ký nhận tin

Ngành dệt may Việt Nam: 1 năm thách thức và cơ hội

27/01/2021 01:44 CH
Năm 2020 là năm thế giới đầy biến động và chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19. Bản tin Kinh tế Dệt May phỏng vấn Ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Dệt May Việt Nam về những vấn đề nổi cộm của ngành dệt may Việt Nam.
 
















Thưa ông, ông đánh giá thế nào về tình hình ngành dệt may Việt Nam trong bối cảnh chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19?

Ông Trương Văn Cẩm: Trong năm 2020 ngành dệt may Việt Nam đã chịu tác động kép bởi đại dịch Covid-19. Đó là, trong quý I nguồn cung nguyên, phụ liệu chủ yếu nhập từ Trung Quốc (chiếm gần 60%) bị gián đoạn và từ quý II lại đối mặt với nhu cầu sụt giảm nghiêm trọng tại các thị trường lớn như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản (chiếm trên 60% KNXK toàn ngành). Hàng loạt các đơn hàng đã bị hủy, hoãn, giãn tiến độ giao hàng, chậm thanh toán làm cho nhiều doanh nghiệp (DN) dệt may điêu đứng.

Trong điều kiện vô vàn khó khăn, vấn đề quan trọng nhất đối với các DN dệt may là phải thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, vừa phải triển khai chống dịch không để lây nhiễm trong đội ngũ lao động, vừa phải tìm mọi cách duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Các giải pháp duy trì sản xuất được DN áp dụng như chấp nhận các đơn hàng giá rẻ, thời gian giao hàng ngắn, chuyển đổi mặt hàng, thay thế nhiều mặt hàng thời trang, cao cấp bằng các mặt hàng cơ bản, truyền thống, chấp nhập lãi thấp hoặc không có lãi. Làm việc với khách hàng để giao hàng đã sản xuất, chấp nhận chậm thanh toán đến mức cho phép. Đặc biệt, linh hoạt chuyến hướng sang sản xuất hàng bảo hộ lao động, quần áo y tế, khẩu trang…

Số liệu thống kê cho thấy, KNXK của toàn ngành năm 2020 dự kiến đạt khoảng 35,2 tỷ USD, giảm 9,3% so với năm 2019. Đặc biệt trong quý II giảm 27,3%, trong đó tháng 5 giảm tới 36%. Tuy nhiên, trong điều kiện nhu cầu tiêu dùng hàng dệt may thế giới năm 2020 giảm 15 – 20%, có thời điểm nhu cầu của các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ và EU giảm tới 40 – 45%, thì kết quả trên cũng xứng đáng được ghi nhận và khích lệ, như ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị Thủ tướng và các Bộ, ngành làm việc với ngành dệt may và da giày ngày 23/11/2020.

Thưa ông, ngành dệt may là ngành thâm dụng lao động ông đánh giá như thế nào về tình hình lao động trong bối cảnh đại dịch?

Ông Trương Văn Cẩm: Bên cạnh việc thực hiện mục tiêu kép như đã trao đổi ở trên, một vấn đề khác cũng làm đau đầu các chủ DN, đặc biệt các DN sử dụng nhiều lao động, là việc bố trí, sử dụng đội ngũ lao động như thế nào để không phải sa thải lao động, mọi người đều có việc làm, có thu nhập ít nhất cao hơn mức lương tối thiểu vùng. Các giải pháp đã được các DN áp dụng như giảm giờ làm, nghỉ luân phiên, nghỉ phép, bố trí bảo trì, bảo dưỡng thiết bị, tổ chức các lớp đào tạo lại cho NLĐ… Ở đây, chúng tôi cũng đánh giá cao vai trò của các công đoàn cơ sở cũng như đội ngũ NLĐ đã chia sẻ và đồng hành cùng DN.  

Vì vậy, hầu hết các DN lớn trong ngành dệt may không có hiện tượng sa thải lao động hàng loạt như một số chuyên gia dự báo. Các DN xác định nếu sa thải lao động, cho công nhân nghỉ việc đồng nghĩa với việc tạo gánh nặng cho xã hội, Nhà nước phải chi trả trợ cấp thất nghiệp, gia đình người lao động gặp khó khăn, NLĐ phải tìm nguồn thu nhập từ các công việc khác và khi hết dịch DN sẽ phải tuyển lao động mới (vì nhiều người bị sa thải đã tìm được công việc khác), làm tăng chi phí đào tạo, năng suất lao động sụt giảm.

Trước tình hình khó khăn như vậy, Hiệp hội Dệt May Việt Nam đã hỗ trợ DN để giữ chân người lao động như thế nào, thưa ông?

Ông Trương Văn Cẩm: Các hoạt động hỗ trợ của DN có thể chia ra:

(i) Tìm kiếm sự hỗ trợ từ bên ngoài. Cụ thể như: Hiệp hội Dệt May Việt Nam đã phối hợp với trên 60 Hiệp hội, tổ chức trên thế giới đại diện cho các ngành công nghiệp dệt may, da giày, du lịch và thời trang gửi đến các bên liên quan trong chuỗi cung ứng để có hành động có trách nhiệm ứng phó với dịch Covid-19. VITAS cũng liên minh với các Hiệp hội dệt may các nước Trung Quốc, Bangladesh, Pakistan, Campuchia, Myanmar đưa ra tuyên bố chung về thực hiện mua hàng có trách nhiệm trong khủng hoảng Covid-19 để kêu gọi các nhãn hàng, nhà bán lẻ và thương nhân chia sẻ cùng doanh nghiệp. Cùng với Hiệp hội Da giày và túi xách Việt Nam, VCCI và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ký tuyên bố chung kêu gọi Chính phủ các nước EU và Việt Nam có hành động hỗ trợ DN và NLĐ bị ảnh hưởng.

(ii) Tìm kiếm sự hỗ trợ từ trong nước. Cụ thể: Hiệp hội đã tập hợp ý kiến các DN và có nhiều công văn gửi đến Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành báo cáo tác động của dịch Covid-19 và kiến nghị các chính sách hỗ trợ DN và NLĐ; cùng Hiệp hội Thủy sản và Hiệp hội Da giày và Túi xách Việt Nam cũng như cùng với Tập đoàn Dệt May Việt Nam gửi công văn kiến nghị đến Chính phủ, các Bộ ngành về các chính sách tránh đứt thanh khoản cho DN. Nhiều lần làm việc với Bộ Công Thương, Bộ Y tế, Tổng cục Hải quan về vấn đề sản xuất và xuất khẩu khẩu trang…

Chính phủ và các Bộ, ngành cũng đã vào cuộc quyết liệt, đưa ra các gói hỗ trợ chưa từng có tiền lệ (gói 62.000 tỷ và gói 16.000 tỷ) để giúp DN tồn tại qua thời kỳ dịch bệnh và đảm bảo an sinh xã hội.

Nhiều chính sách hỗ trợ của Nhà nước được các DN đánh giá là rất kịp thời và thực tế, giúp DN hạn chế tổn thất, vượt qua khó khăn như việc giảm giá điện, miễn giảm lãi vay, cơ cấu lại thời gian trả nợ, gia hạn nợ gốc, giữ nguyên nhóm nợ, gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất… Về xuất khẩu khẩu trang từ lúc Hải quan kiểm định gần như 100% các loại khẩu trang xuất khẩu, đến chỗ đã cho phép xuất khẩu cả khẩu trang y tế theo Nghị quyết 60/NQ-CP.  

Tuy nhiên, cũng còn nhiều chính sách DN khó tiếp cận do các điều kiện quá khắt khe và không khả thi đối với DN và NLĐ. Ví dụ: việc dừng đóng vào qũy hưu trí và tử tuất và dừng đóng kinh phí công đoàn phải đáp ứng điều kiện giảm từ 50% lao động tham gia BHXH trở lên hoặc người lao động chỉ được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/tháng khi nghỉ việc không lương, tạm hoãn hợp đồng lao động từ 1 tháng liên tục trở lên với điều kiện DN phải không có doanh thu hoặc không có khả năng tài chính để trả lương. Như vậy đồng nghĩa với việc DN đóng cửa, phá sản, sa thải từ 50% lao động tở lên mới được tiếp cận gói hỗ trợ này.

Hiệp hội tiếp tục có công văn số 40/CV-HHDMVN ggày 18/4/2020 gửi UBTV Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ kiến nghị giảm tỷ lệ 50% xuống còn 20%, không yêu cầu DN chứng minh trên báo cáo kế toán các ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà để DN tự kê khai và tự chịu trách nhiệm khi tiếp cận chính sách cho phép cơ cấu lại thời gian trả nợ, gia hạn nợ gốc, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ… Một số kiến nghị cũng đã được Nhà nước thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội tháo gỡ như giảm điều kiện cho vay để trả lương ngừng việc cho NLĐ…

Đặc biệt, kiến nghị của Hiệp hội trong lĩnh vực về thuế, kiểm tra sau thông quan, hoàn thuế VAT cho các dự án đầu tư mở rộng đã được Chính phủ xem xét giải quyết. Cụ thể, tại Nghị quyết số 178/NQ-CP ngày 12/12/2020 Chính phủ yêu cầu cơ quan Hải quan hoàn trả số tiền ấn định thuế hàng trăm tỷ đồng đã thu của DN khi kiểm tra sau thông quan, không thu đối với các DN chưa nộp tiền thuế ấn định, rà soát sửa đổi Nghị định 134/2016/NĐ-CP liên quan đến hoạt động gia công lại của loại hình sản xuất xuất khẩu. Kiến nghị của Hiệp hội về việc hoàn thuế VAT đối với dự án đầu tư mở rộng, có DN với số tiền hàng chục tỷ đồng tồn đọng từ nhiều năm, cũng đã được giải quyết.    

Thưa ông, bên cạnh những tác động nặng nề, dịch bệnh cũng tạo ra một số cơ hội trong thời gian tới. Ông đánh giá vấn đề này như thế nào?

Ông Trương Văn Cẩm: Đại dịch Covid-19 cũng là cơ hội và động lực để các DN dệt may nhìn lại mình và phải có những thay đổi phù hợp hơn với những giải pháp căn cơ hơn. Cụ thể:

1) Việc phụ thuộc quá lớn nguồn cung nguyên, phụ liệu vào một vài thị trường nào đó sẽ mang lại nhiều rủi ro khi có biến động. Đại dich Covid-19 buộc chúng ta phải thay đổi, quyết tâm từng bước thoát khỏi sự phụ thuộc đó.

2) Khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị dịch Covid-19 làm cho gián đoạn các DN càng thấy rõ hơn vai trò quan trọng của sự liên kết giữa các DN cùng ngành trong nước với nhau.    

3) Vấn đề khai thác thị trường nội địa nhiều DN trước đây ít quan tâm do cơ hội khai thác thị trường xuất khẩu luôn được mở rộng bằng các FTAs, nhưng khi nhu cầu tại thị trường thế giới bị sụt giảm nghiêm trọng do Covid-19 thì thị trường nội địa lại là cứu cánh cho nhiều DN.

4) Dịch Covid-19 cũng là cơ hội để DN đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, áp dụng công nghệ 4.0 thay thế các lao động giản đơn, giảm số lượng nhân công, đồng nghĩa với giảm các chi phí trả lương ngừng việc, BHXH, kinh phí công đoàn khi có biến động.

5) Do Việt Nam kiểm soát tốt dịch Covid-19 nên có xu hướng một số nhà đầu tư, nhãn hàng chuyển dự án đầu tư và đơn hàng từ Trung Quốc và một vài nước khác sang Việt Nam. Đây cũng là cơ hôi để DN đón bắt để phát triển mạnh sau dịch.  

6) Những giải pháp tìm mọi cách duy trì sản xuất, giữ chân người lao động, không sa thải vừa thể hiện sự gắn kết, chia sẻ giữa DN và NLĐ trong lúc khó khăn, vừa cho thấy NLĐ chính là tài sản quý nhất của DN. Điều này làm cho mối quan hệ lao động ngày càng được cải thiện tốt hơn, NLĐ yên tâm gắn bó với DN hơn.

Ông có khuyến nghị gì cho các DN dệt may thời gian tới, thưa ông?

Để dệt may Việt Nam có thể khai thác tốt các thị trường tiềm năng như CPTPP, EVFTA và sắp tới là RCEP cũng như tận dụng được cơ hội, động lực thay đổi để giải quyết những khâu yếu như đã nêu ở trên, các DN cần phải: 

(i) Tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn về kỹ thuật, về vệ sinh an toàn sản phẩm, tránh bị nước nhập khẩu áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.

(ii) Tập trung thực hiện chương trình phát triển bền vững, xanh hoá ngành Dệt May. Đầu tư với công nghệ hiện đại, phát thải thấp hoặc không phát thải như sản xuất sợi, nhuộm công nghệ ít nước hoặc không dùng nước.

(iii) Ứng dụng hiệu quả các thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để tái cơ cấu, nâng cao năng suất lao động, giảm số lượng lao động đến mức cần thiết.

(iv) Đón bắt cơ hội chuyển dịch đầu tư từ Trung Quốc và một số nước. Liên doanh, liên kết mở rộng nhà máy hiện có hoặc đầu tư mới, nhất là lĩnh vực sợi, dệt, nhuộm.

(v) Chuẩn bị tốt nguồn nhân lực chất lượng cao cho chương trình chuyển đổi số và yêu cầu của cuộc CMCN lần thứ tư.

(vi) Tăng cường đối thoại xã hội giữa NSDLĐ và tập thể người lao động để chia sẻ khó khăn và tạo sự gắn bó hơn nữa giữa DN và NLĐ.

Xin cám ơn Ông./.

» Gửi ý kiến của Bạn
Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.110.043
Khách
: 1.118
 
Ngành dệt may Việt Nam: 1 năm thách thức và cơ hội Rating: 5 out of 10 80610.
Core Version: 1.8.0.0