Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 29/03/2024

Đăng ký nhận tin

Báo động tình trạng làm giả khẩu trang y tế

18/02/2020 09:42 SA
Ngay sau khi Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) phát hiện ra việc làm giả khẩu trang y tế từ giấy vệ sinh, người dân đã nghi ngờ và kiểm tra số khẩu trang hiện có của mình. Kết quả cho thấy, hiện tượng dùng giấy vệ sinh làm khẩu trang y tế giả còn xuất hiện ở nhiều thương hiệu khác… 


























Lực lượng QLTT kiểm tra xưởng sản xuất khẩu trang y tế giả tại Thường Tín (Hà Nội)

Chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra

Tuần qua, dư luận cả nước choáng váng khi hay tin Tổng cục QLTT phát hiện một xưởng in làm giả khẩu trang y tế bằng việc dùng giấy vệ sinh thay thế lớp vải kháng khuẩn. Sự việc bắt nguồn từ việc Đội QLTT số 1 (QLTT Hà Nội) phát hiện một lượng lớn khẩu trang (trị giá hàng hóa lên đến hơn 1 tỷ đồng) được một người  ở Lạng Sơn, sinh năm 1993, tên Chu Ngọc Tú thu gom. 

Toàn bộ số khẩu trang này được ghi là loại khẩu trang 4 lớp lọc bụi, được mua gom trên mạng và được bán với giá 364.000đ/hộp nhưng không có hóa đơn chứng từ, chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Qua khai thác, chủ hàng cho biết, số hàng trên được mua gom trôi nổi trên thị trường qua mạng xã hội như Nhóm sỉ khẩu trang y tế rẻ 3 miền Bắc - Trung - Nam; Nhóm chuyên sỉ lẻ khẩu trang... 

Kiểm tra ban đầu, lực lượng QLTT nhận thấy có một số hộp khẩu trang không có thông tin nhà sản xuất nên Đội QLTT số 1 đã lập biên bản chuyển các mẫu khẩu trang trong lô hàng trên đến Trung tâm kiểm nghiệm thuốc mỹ phẩm Hà Nội để giám định chất lượng, xử lý vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.

Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, khẩu trang cao cấp này không đạt yêu cầu về vật liệu theo TCVN 8389-1:2010, không có lớp kháng khuẩn. Như vậy, lô hàng này có dấu hiệu hàng giả. Trên bao bì hàng hoá chỉ ghi thương hiệu khẩu trang y tế 4 lớp hiệu Tulips, địa chỉ sản xuất tại quận Tân Phú (thành phố Hồ Chí Minh) và huyện Thường Tín (Hà Nội). 

Bằng nhiều biện pháp nghiệp vụ, chỉ 2 ngày sau, Tổng cục QLTT đã chỉ đạo lực lượng QLTT Hà Nội tìm ra địa chỉ sản xuất loại khẩu trang giả này tại Hà Nội và tổ chức kiểm tra. Tại thời điểm kiểm tra, xưởng sản xuất khẩu trang y tế giả này chỉ xuất trình đăng ký kinh doanh các ngành như: In và các dịch vụ liên quan đến in; Sản xuất, kinh doanh khăn giấy, giấy vệ sinh, bông băng vệ sinh, tã lót, các sản phẩm từ giấy, từ bông; Chế biến thực phẩm; Đại lý, ký gửi hàng hóa; Xuất nhập khẩu thiết bị máy móc phục vụ ngành công nghiệp chế biến mà không có ngành nghề kinh doanh là thiết bị y tế, khẩu trang y tế.

Xưởng sản xuất này thuộc Công ty TNHH Việt Hàn, có trụ sở tại thôn Khôn Thôn, xã Minh Cường, huyện Thường Tín, TP Hà Nội. Lực lượng QLTT đã thu giữ toàn bộ số khẩu trang y tế còn lại trong xưởng. Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết, đây là sự việc có tính chất hình sự, toàn bộ hồ sơ vụ việc làm khẩu trang y tế giả này đã được chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để tiếp tục xử lý theo quy định của pháp luật. 

Khẩu trang y tế làm từ… giấy vệ sinh

Ngay sau khi thông tin lực lượng QLTT phát hiện khẩu trang y tế làm từ giấy vệ sinh, làn sóng kiểm tra khẩu trang y tế tại nhà đã được nhiều người tiến hành tự kiểm tra. Trên một nhóm đồng hành với gần 68.000 thành viên cũng đã có thông báo về trường hợp phát hiện khẩu trang y tế mang thương hiệu K.L (đã thay đổi tên thương hiệu - PV) cũng có tình trạng giả tương tự như khẩu trang Tulips mới được QLTT phát hiện và kiểm tra. 

Clip “bóc” khẩu trang y tế đã được đăng trên nhóm với hình ảnh lớp vải kháng khuẩn ở giữa được thay thế hoàn toàn bằng giấy vệ sinh. Trong mỗi hộp khẩu trang chỉ có vài cái có lớp vải (nhưng chưa biết có tác dụng kháng khuẩn hay không).

Theo thông tin của thành viên này, chị mua được khẩu trang từ một bác sĩ là trưởng khoa ở một bệnh viện lớn của Hà Nội. Vị bác sĩ này mua được khẩu trang từ một bệnh nhân, là chủ một nhà thuốc. Thành viên này còn cho biết, trên hộp khẩu trang cũng không rõ địa chỉ nhà sản xuất.

Trước tình hình xuất hiện khẩu trang y tế giả, đại diện Tổng cục QLTT đã liên tục đưa ra các khuyến cáo người tiêu dùng cần hết sức lưu ý khi mua các vật dụng y tế, nhất là đối với mặt hàng khẩu trang. Người tiêu dùng nên tìm mua mặt hàng này tại các điểm bán uy tín, tin cậy mà Bộ Công Thương đã công bố như tại các cửa hàng của Tập đoàn Dệt may, các siêu thị lớn Big C, Coopmart, Aeon, đặc biệt không nên mua hàng trên mạng xã hội vì không thể xác thực được nguồn hàng cũng như địa chỉ sản xuất…

Đại diện Tổng cục QLTT cũng khẳng định, sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng xử lý cương quyết đối với các cơ sở, cá nhân có biểu hiện buôn bán, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, đầu cơ, găm hàng, nâng giá các mặt hàng y tế. 


Nguồn: Báo Pháp luật Việt Nam



» Gửi ý kiến của Bạn
Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.087.228
Khách
: 994
 
Báo động tình trạng làm giả khẩu trang y tế Rating: 5 out of 10 66236.
Core Version: 1.8.0.0