
Phát biểu khai mạc, Ông K. Srikar Reddy - Tổng Lãnh Sự Ấn Độ cho biết, mục đích của sự kiện B2B hôm nay là tạo cơ hội cho các CEO và đại diện các công ty Ấn Độ và Việt Nam tương tác trrong một không gian thoải mái và thảo luận về cách thúc đẩy hợp tác kinh doanh 2 bên. Ông Srikar Reddy khẳng định rằng, Việt Nam là một đối tác quan trọng trong chính sách hành động hướng Đông của Ấn Độ. Mối quan hệ song phương phát triển dựa trên sự tin tưởng, thấu hiểu và đồng quan điểm trên các vấn đề khu vực và quốc tế. Thương mại song phương trong dệt may giữa Ấn Độ và Việt Nam đã tăng trưởng ấn tượng trong hai năm qua, tuy nhiên tiềm năng thương mại trong lĩnh vực này vẫn còn lớn. Ông Tổng lãnh sự Ấn Độ mời các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Ấn Độ trong lĩnh vực dệt may và mong rằng buổi gặp mặt B2B sẽ góp phần thắt chặt sự hợp tác và tạo nên những kết nối đôi bên cùng có lợi giữa các công ty trong ngành dệt may.

Theo Tổng lãnh sự quán Ấn Độ, Gian hàng quốc gia Ấn Độ gồm 60 công ty dệt may hàng đầu Ấn Độ đang tham gia tại Triển lãm quốc tế lần thứ 19 về máy móc thiết bị ngành CN dệt may VTG 2019 và ViTaTex 2019 tại Trung tâm Triển lãm và hội nghị Sài gòn SECC, TP HCM. Phía Ấn Độ đã mời doanh nghiệp Việt Nam tham quan gian hàng tại đây để có thêm cơ hội trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, mở rộng các mối quan hệ hợp tác.

Phát biểu tại buổi gặp mặt, Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch VITAS đã chia sẻ một số thông tin về ngành dệt may Việt Nam trong chặng đường hội nhập toàn cầu. Theo đó, từ năm 1999, dệt may Việt Nam chỉ xuất khẩu được 1,75 tỷ USD. Đến năm 2019 dự kiến xuất khẩu dệt may 39,5 tỷ USD. Sản xuất phục vụ thị trường Việt Nam ước đạt 4,5 tỷ USD trong tổng sản xuất 44 tỷ USD. Ông Giang đã điểm lại một số thành tựu mà ngành dệt may đã đạt được trong thời gian qua. Đó là: Phát triển sản xuất và xuất khẩu tăng trưởng bình quân hàng năm từ 10 – 12% mỗi năm; Chuyển dịch đầu tư về các vùng nông thôn giải quyết công ăn việc làm cho người lao động vùng nông thôn, với khoảng 3 triệu lao động làm việc trong ngành dệt may; Đầu tư công nghệ 4.0 tự động hóa vào các khâu sản xuất sợi – dệt – nhuộm – may, giặt và thiết kế thời trang; Đào tạo phát triển nguồn lực đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của ngành dệt may Việt Nam để hội nhập toàn cầu; Xây dựng giải pháp quản trị tiên tiến, năng động sáng tạo, tăng năng suất lao động, tăng thu nhập cho người lao động, tạo động lực cho doanh nghiệp có năng lực ổn định, chất lượng, tay nghề người lao động được nâng cao, tiếp thu được công nghệ 4.0; Xây dựng giải pháp kêu gọi đầu tư vào phần cung thiết hụt dệt, nhuộm, vải cao cấp… đáp ứng chuỗi cung ứng toàn cầu. Xây dựng chiến lược phát triển thị trường chủ động chuyển đổi phương thức bán hàng từ sản xuất CMT sang bán hàng FOB, OBM, ODM, phát triển mẫu mã từ khâu sợi, dệt nhuộm, in, may, giặt; Tham gia ký kết 14 hiệp định thương mại trong đó có EVFTA, CPTPP và các FTAs thế hệ mới sẽ có thuế suất về bằng 0; Góp phần ổn định nền kinh tế chinh trị, mở cửa hội nhập toàn cầu, minh bạch để tạo nhiều cơ hội hợp tác trong lĩnh vực dệt may nhất là thương mại về bông, vải, kỹ thuật. Ông Giang mời gọi các doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư vào lĩnh vực sợi, dệt, nhuộm, in vải – phần cung thiếu hụt mà ngành dệt may Việt Nam đang còn thiếu để cùng lấy được lợi ích từ dòng thuế của các FTA mà Việt Nam đã ký kết với các nước, tạo động lực ổn định cho doanh nghiệp và ổn định cuộc sống của người lao động.

Tại buổi gặp mặt, các đại biểu đã được nghe Đại diện Hội đồng xúc tiến XK Dệt bông (TEXPROCIL), Hội đồng xúc tiến XK Dệt tổng hợp và tơ nhân tạo Ấn Độ (SRTEPC) giới thiệu về ngành dệt Bông Ấn Độ và ngành dệt tổng hợp và tơ nhân tạo Ấn Độ. Tiếp sau là phần gặp mặt B2B giữa đại diện các doanh nghiệp dệt may Việt Nam và Ấn Độ. Đại diện các doanh nghiệp đã tìm hiểu, trao đổi về thông tin, năng lực của công ty mình và các công ty đối tác. Qua trưng bày, giới thiệu, nhiều sản phẩm vải của doanh nghiệp Ấn Độ đã được các doanh nghiệp Việt Nam đánh giá cao cả về mẫu mã cũng như giá cả. Các đại biểu tham dự hoan nghênh và đánh giá cao việc tổ chức buổi gặp mặt B2B, và coi đây là cơ hội thuận lợi để chia sẻ, giới thiệu về những điểm mạnh và chưa mạnh của doanh nghiệp dệt may hai nước, trao đổi những giải pháp để bổ sung cho nhau, đẩy mạnh kết nối, giao thương nhằm góp phần vào sự phát triển của ngành dệt may Việt Nam và Ấn Độ.



Bài và ảnh: Nguyễn Bình - VITAS