Ngày 09/05/2019, tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Sài Gòn (SECC), 799 Nguyễn Văn Linh, P.Tân Phú, Q.7, TP. HCM, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) đã phối hợp với Hiệp hội In lụa và Đồ họa châu Á - Thái Bình Dương (ASGA) và Công ty CP Quảng cáo và Hội chợ Thương mại (VINEXAD) tổ chức hội thảo với chủ đề: “Hiện tại & tương lai của ngành công nghiệp In”. Hơn 120 người đại diện các doanh nghiệp Việt Nam và quốc tế đã tham dự hội thảo.
Đây là hoạt động bên lề Triển lãm quốc tế Công nghệ In lưới và In kỹ thuật số - ASGA Việt Nam 2019. Mục đích của hội thảo nhằm trao đổi kiến thức về công nghệ in ấn, những mảng thị trường rộng lớn mà ngành in phục vụ, đặc biệt trong ngành dệt may, các sản phẩm được làm ra, xu hướng hiện tại, tương lai của in ấn và sự lên ngôi của công nghệ in kỹ thuật số.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó TTK VITAS đã có bài tham luận về Xu hướng hội nhập và phát triển bền vững của Ngành in trong Dệt May Việt Nam. Bà Mai cho biết, ngành dệt may phát triển kéo theo sự phát triển của ngành in. Đặc biệt xu hướng hiện nay là đơn hàng với số lượng ít và thời gian giao hàng nhanh. Với sự tiên bộ của công nghệ, ngành in hoàn toàn có thể đáp ứng được yêu cầu này. Về tác động môi trường, bà Mai cho biết ngành in cũng có ảnh hưởng đến môi trường. Tuy nhiên, đầu tư vào ngành in ít tốn kém hơn đầu tư vào ngành nhuộm vải. Doanh nghiệp ngành in cũng cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về bảo vệ môi trường. Về những thách thức, bà Mai nêu rõ, hiện tại trong ngành in có tính cạnh tranh quyết liệt, tệ nạn ăn cắp bản quyền vẫn còn phổ biến. Về chính sách của nhà nước liên quan, vẫn còn sự bất cập. Đó là khi nhập máy in để in trên vải/sản phẩm may, người đứng đầu DN phải có bằng cử nhân hoặc chứng chỉ ngắn hạn về ngành in. Thậm chí có trường hợp người đứng đầu DN có bằng kỹ sư hóa nhuộm vẫn không được chấp nhận. VITAS đã nhiều lần đề nghị Chính phủ để điều chỉnh chính sách này nhằm tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp.
Tại hội thảo, ông Johnny Shell, với hơn 30 năm kinh nghiệm trong ngành in ấn, hiện là Phó chủ tịch Hiệp hội Hình ảnh đồ họa đặc biệt Mỹ (SGIA) đã có bài thuyết trình tổng quan về ngành công nghiệp in ấn, từ quá khứ, hiện tại tới tương lai. Ông Johnny Shell đã cùng các đại biểu nhìn lại tiến trình lịch sử và thực trạng của công nghệ và thị trường in ấn rộng lớn. Đánh giá những vấn đề ảnh hưởng đến môi trường của mỗi công nghệ in, Ông Johnny Shell cũng nêu các giải pháp mà các doanh nghiệp trong ngành in đang thực hiện để giảm tải tác động lên môi trường. Tiếp theo đó, ông Johnny Shell đã dự báo những thị trường mới trong tương lai, công nghệ mới, và sự phát triển của ngành in mà có thể kỳ vọng trong 5 - 10 năm tới.
Các đại biểu tham dự hội thảo và diễn giả, chuyên gia từ các lĩnh vực liên quan đã thảo luận về những thời cơ và thách thức của ngành in cũng như của từng doanh nghiệp, cùng nhau chia sẻ về những giải pháp gắn kết chuỗi cung ứng, nâng cao hiệu quả hợp tác, đóng góp cho sự phát triển, chuyển đổi cơ cấu của ngành công nghiệp In, các biện pháp giảm thiểu tác động đến môi trường, hướng tới sản xuất xanh, an toàn với người tiêu dùng và môi trường. Nhiều doanh nghiệp đã đề nghị VITAS tiếp tục phối hợp với các đơn vị, cơ quan liên quan khác tổ chức các buổi hội thảo, tọa đàm, lớp đào tạo… với những chủ đề thiết thực nhằm giúp cho doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường hội nhập và góp phần làm cho mỗi doanh nghiệp cũng như ngành dệt may phát triển một cách bền vững.
Bài & Ảnh: Nguyễn Bình - VITAS