Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Tư, 24/04/2024

Đăng ký nhận tin

Kim ngạch xuất khẩu dệt may dự kiến đạt khoảng 29 tỉ USD năm 2016

20/07/2016 02:27 CH

Đó là nhận định của Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) tại buổi họp báo về tình hình của ngành dệt may trong 6 tháng đầu năm do Vitas tổ chức tại TP. HCM ngày 18/07/2016.

Ông Vũ Đức Giang cho biết trong 6 tháng đầu năm 2016, kim ngạch XK của ngành dệt may đạt trên 12,6 tỉ USD, đạt 41% kế hoạch năm, tăng gần 5% so với cùng kỳ năm 2015. Từ doanh nghiệp (DN) sản xuất sợi, nguyên phụ liệu cho đến may mặc, đều có mức tăng trưởng thấp so với cùng kỳ năm ngoái. Về nguyên nhân, Ông Giang cho rằng, chủ yếu do các yếu tố khách quan, giá cả hàng hóa trên thế giới giảm, cùng với sự chững lại về nhu cầu tiêu dùng ở nhiều nước trong bối cảnh kinh tế thế giới còn khó khăn; DN dệt may đang chịu sự cạnh tranh quyết liệt từ giá, thị trường, công nghệ quản trị, năng suất lao động; đối mặt những rào cản kỹ thuật, các biện pháp phòng vệ thương mại tại một số nước, cũng như sức ép về thời gian giao hàng ngày càng rút ngắn, chi phí lao động không ngừng tăng. Bên cạnh đó,  nhiều cơ chế chính sách của Việt Nam không theo kịp và chưa phù hợp với tình hình thay đổi hiện nay của ngành dệt may đang tạo ra không ít khó khăn cho các DN.

Từ những khó khăn nêu trên, Chủ tịch Vitas dự báo, dù rất nỗ lực nhưng kim ngạch xuất khẩu dệt may trong năm nay cũng chỉ có khả năng đạt khoảng 29 tỉ USD thay vì 30 tỉ USD như mục tiêu đã đề ra.

 

Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Vitas thông báo về tình hình ngành dệt may 6 tháng đầu năm 2016

Trong quá trình chuẩn bị để tận dụng các cơ hội của TPP và các hiệp định FTA, Ông Giang nêu rõ các thách thức đang đặt ra đối với DN dệt may VN. Đó là: đa số DN dệt may VN có quy mô vừa và nhỏ, không đủ năng lực cho các đơn hàng lớn, nguồn lực cán bộ làm thị trường vừa thiếu và yếu, tỷ trọng DN làm hàng FOB còn ít; trong thời gian TPP chưa có hiệu lực thì một số nước trong khu vực như: Campuchia, Bangladesh, Myanmar … đang thu hút đơn hàng. Lý do là vì các nước này có mức thuế không cao, lương tối thiểu thấp, chính sách của chính phủ tạo nhiều điều kiện thuận lợi… Trong khi nhiều DN Việt Nam còn chưa có những giải pháp hữu hiệu để chuẩn bị cho TPP thì không ít DN nước ngoài đã và đang triển khai các dự án đầu tư với quy mô lớn tại VN để tận dụng lợi thế về quy tắc xuất xứ.      

Theo Ông Giang, các nước trong TPP cần phải tạo chuỗi cung ứng và VN là một điểm  trong chuỗi cung ứng. DN cần đầu tư vào các khâu “nguồn cung thiếu hụt”. Để thúc đẩy sản xuất và XNK, các DN cần có hành lang pháp lý, môi trường kinh doanh minh bạch, dài hạn. Các thủ tục gây khó khăn được tháo gỡ thì DN mới có đủ năng lực để đầu tư, mở rộng sản xuất và  nâng cao năng lực xuất khẩu.

Trong 6 tháng qua, Vitas đã gửi nhiều kiến nghị đến Chính phủ và các bộ, ngành liên quan về sửa đổi các quy định, nghị định, thông tư, một số thủ tục hành chính - kiểm tra chuyên ngành rắc rối, thủ tục phức tạp, rườm rà đang gây khó cho DN và đề xuất những giải pháp phát triển ngành dệt may. Đó là các quy định về: Kiểm tra hàng lượng formaldehyt và amin thơm hàng dệt may theo Thông tư 37/TT-BCT/2015 của Bộ Công thương ngày 30/10/2015; Kiểm dịch động thực vật theo Thông tư TT30/2014-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ngày 05/09/ 2014; Hoạt động in liên quan đến nhập khẩu máy in để in trên sản phẩm dệt may xuất khẩu theo Thông tư 03/2015/TT-BTTTT của Bộ Thông tin Truyền thông ngày 6/3/2015; Hoạt động sản xuất, gia công xuất khẩu quân phục cho các lực lượng vũ trang nước ngoài theo Thông tư 49/2015/TT-BCT của Bộ Công Thương ngày 21/12/2015; Việc các DN mua vải trong nước để sản xuất xuất khẩu phải nộp 10% thuế Giá trị gia tăng (VAT) ngay khi mua theo Thông tư 26/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính ngày 27/02/2015 quy định về thuế giá trị gia tăng quản lý thuế và hóa đơn.

 

Toàn cảnh buổi họp báo

Vitas cũng để xuất Chính phủ về việc thống nhất quy hoạch và cấp phép các KCN dệt may lớn từ 500 – 1000ha, để kêu gọi và thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào các lĩnh vực sản xuất sợi, vải, nhuộm hoàn tất cao cấp, hỗ trợ lãi vay khi DN đầu tư vào các Trung tâm xử lý nước thải tại các KCN này. Tránh tình trạng các địa phương tự quy hoạch, cấp phép gây chồng chéo. Phát triển, nâng cấp các cơ sở hạ tầng kết nối giao thông thủy, bộ giữa các khu công nghiệp dệt may lớn với các cảng, trung tâm giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu, tạo điều kiện giảm chi phí vận chuyển, đảm bảo môi trường xanh, sạch, an toàn và tạo điều kiện cho ngành dệt may phát triển bền vững.

Về vấn đề nguồn nhân lực, Vitas đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực để phát triển dệt may phù hợp với quy hoạch phát triển mới của ngành. Thành lập Khoa dệt may tại các trường Đại học, Cao đẳng lớn trong cả nước để đào tạo các kỹ sư chuyên ngành sợi, dệt, nhuộm, quản trị may, thiết kế thời trang, marketing…

Đối với vấn đề tăng lương tối thiểu, Vitas đã có kiến nghị với Chính phủ  giãn lộ trình tăng lương tối thiểu vùng đến 2020 hoặc 2022 và không tăng thường xuyên hàng năm, cụ thể năm 2017 không tăng, vì chỉ tính từ năm 2010 đến nay lương tối thiểu vùng đối với các DN trong nước năm 2016 đã bằng 3,28 lần - 3,57 lần so với năm 2010, đối với các DN đầu tư nước ngoài bằng 2,4 lần đến 2,61 lần. Đề nghị không sử dụng lương tối thiểu làm căn cứ khởi điểm để xây dựng hệ thống thang, bảng lương và làm căn cứ đóng các khoản bảo hiểm. Đề nghị giảm tỷ lệ trích nộp các khoản bảo hiểm theo lương một cách hợp lý phù hợp với sức chịu đựng của DN, cụ thể: NSDLĐ đóng 18% thay vì 22% (BHXH 15%, BHYT 2%, BHTN 1%), NLĐ đóng 7% thay vì 10,5% (BHXH 5%, BHYT 1% và BHTN 1%) .

Đối với TP. HCM, Ông Giang cũng kiến nghị xây dựng TP. HCM trở thành trung tâm thời trang của cả nước để thu hút các nhà thiết kế, với mục tiêu là tạo ra những sản phẩm có chất lượng, đa dạng về mẫu mã, phù hợp thị hiếu người tiêu dùng, đủ khả năng thâm nhập thị trường thế giới với thương hiệu, nhãn hiệu của chính DN Việt Nam.

Bài: Nguyễn Bình

Ảnh: Quỳnh Anh, Nguyễn Bình  

Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.116.724
Khách
: 538
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0