Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 29/03/2024

Đăng ký nhận tin

Thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp

04/01/2022 10:39 SA
Tại Đại hội VCCI lần VII, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch/Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) đã có bài tham luận nhằm đặt ra các giải pháp cho VCCI để thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp tới từ kinh nghiệm của ngành dệt may.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, dân số Việt Nam năm 2020 là 97,576 triệu người, là thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”. Đây là một trong những điều kiện quan trọng nhất để tăng trưởng, phát triển kinh tế với tốc độ cao. Việt Nam cũng đồng thời bước vào thời kỳ già hóa dân số với tốc độ nhanh. Sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực chính là yêu cầu cấp bách đặt ra trong thời gian tới theo Nghị quyết 39/NQ-TW của Bộ Chính trị [1] để Việt Nam thực hiện khát vọng là nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 như mục tiêu Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

Ngành dệt may Việt Nam là ngành sử dụng nhiều lao động với thu nhập ngày càng cao, góp phần quan trọng giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện Nghị quyết của Đảng. Ngành hiện có khoảng 2 triệu lao động làm việc trong các DN công nghiệp và khoảng 1 triệu người làm trong các DN, hộ kinh doanh TM, dịch vụ liên quan đến dệt may.

Dệt may cũng là một trong những ngành có KNXK đứng đầu cả nước với tốc độ tăng nhanh, năm 1999 mới đạt 1,75 tỷ USD, đến năm 2019 đạt gần 39 tỷ USD và đứng trong tốp 3 các nước xuất khẩu dệt may hàng đầu thế giới. Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, đặc biệt trong quý 3, nhưng KNXK của ngành ước đạt 39 tỷ USD, tăng 11,2% so với năm 2020 và tăng 0,3% so với năm 2019. Mục tiêu của ngành năm 2022 sẽ phấn đấu đạt 42,5 tỷ USD.

Ngành dệt may có quan hệ lao động phức tạp, thường chiếm khoảng 35 – 45% trong số hàng trăm cuộc đình công mỗi năm của cả nước, tỷ lệ biến động lao động lớn. Nguyên nhân chủ yếu do thu nhập chưa cao so với một số ngành kinh tế khác, phân phối thu nhập chưa công bằng, làm thêm giờ nhiều, ý thức, tác phong công nghiệp của NLĐ thấp, nhất là lao động mới tuyển từ nông thôn…

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cơ quan liên quan triển khai thí điểm thương lượng, ký kết TƯLĐTT ngành. Sau thời gian chuẩn bị, kéo dài 2 năm, ngày 26/4/2010 TƯLĐTT ngành dệt may Việt Nam đã được ký kết bởi HHDMVN và CĐDMVN. Đến nay, TƯLĐTT ngành dệt may đã được ký kết 5 lần với số DN tham gia dao động trong khoảng 70 – 100 DN và khoảng 90.000 – 130.000 lao động. Lần gần nhất được ký vào tháng 10/2021 có thời hạn đến tháng 10/2024.

Về những kết quả chính

- TƯLĐTT ngành dệt may đã góp phần đảm bảo mối quan hệ lao động hài hòa tại DN, cụ thể trong hơn 10 năm áp dụng không có đơn vị nào tham gia thỏa ước để xảy ra đình công. Tỷ lệ biến động lao động và tình trạng cạnh tranh thu hút lao động của nhau giảm rõ rệt. Các chế độ lương, thưởng, phúc lợi, chế độ ăn giữa ca của NLĐ được thỏa thuận cao hơn so với quy định của pháp luật và được các DN thực hiện cao hơn so với bình quân chung toàn ngành từ 15 - 20%.

- Là hình mẫu và căn cứ để triển khai thực hiện một số TƯTT ngành dệt may địa phương như TƯTT ngành dệt may tại Bình Dương, thành phố Hà Nội cũng như một số thỏa ước nhóm DN.

- Việc triển khai thành công TƯLĐTT ngành dệt may là căn cứ thực tiễn quan trọng để Nhà nước sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định liên quan đến TƯLĐTT ngành trong Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2012 và 2019.

- Có tác dụng lan tỏa đến các DN cùng khu công nghiệp hoặc địa bàn. Một số chế độ của thỏa ước ngành đã được áp dụng cho NLĐ ở nhiều DN không tham gia thỏa ước.


Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm TTK VITAS với bài tham luận "Thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp" tại Đại hội VCCI lần thứ VII

Một số vấn đề đặt ra và vai trò của VCCI, cộng đồng DN trong xây dựng quan hệ lao động hài hòa thời gian tới từ kinh nghiệm của ngành dệt may

Một là: Việc nâng cao tiền lương, thu nhập và phân phối công bằng tùy theo mức độ đóng góp của NLĐ vẫn là vấn đề số 1 mà VCCI và cộng đồng DN phải quan tâm trong thời gian tới.  

VCCI và một số Hiệp hội là thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia, trong đó có VITAS, hàng năm đã thương lượng với các bên về tăng lương tối thiểu vùng. Có thể nói, VCCI với tư cách là Phó Chủ tịch HĐTLQG đã làm tốt vai trò dẫn dắt của mình đại diện cho phía NSDLĐ đảm bảo việc tăng lương tối thiểu vùng hàng năm phù hợp với điều kiện thực tế không tạo gánh nặng chi phí cho DN.

Tuy nhiên, tăng lương tối thiểu vùng thực chất không làm tăng thu nhập cho đại đa số NLĐ mà chỉ tăng thu nhập cho một bộ phận lao động (khoảng dưới 10%), nhưng lại làm tăng các khoản trích nộp bảo hiểm, kinh phí công đoàn... Đã đến lúc, VCCI và cộng đồng DN phải đối thoại với các bên để dừng hoặc giãn thời gian tăng lương tối thiểu vùng, thay vào đó là cùng tìm giải pháp để tăng thu nhập cho đại bộ phận người lao động dựa vào tăng năng suất, chất lượng và đẳng cấp sản phẩm, tiết kiệm, đổi mới sáng tạo… Đồng thời, kiến nghị Nhà nước tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ những bất cập về chính sách thuế, phí, hải quan… để DN có nguồn lực tài chính nâng cao thu nhập cho NLĐ.

Hai là: Cho đến nay Việt Nam đã ký kết hoặc đang đàm phán 17 hiệp định thương mại tự do, trong đó có các FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA và sắp tới là RCEP. Vấn đề phát triển bền vững, đặc biệt liên quan đến vấn đề lao động, kinh doanh liêm chính và bảo vệ môi trường là những vấn đề đang được các nhãn hàng và người tiêu dùng tại các nước tham gia các FTA thế hệ mới đặc biệt quan tâm.

Tuy nhiên, các nhãn hàng thường đưa ra yêu cầu khắt khe về phát triển bền vững, nhưng đơn giá lại không tăng, thậm chí giảm. VCCI, các hiệp hội ngành hàng và tổ chức đại diện người lao động các cấp cần phối hợp chặt chẽ làm việc với các nhãn hàng để họ chia sẻ khó khăn với DN và NLĐ thông qua việc thu hút nhãn hàng tham gia vào TƯLĐTT của ngành, của nhóm doanh nghiệp.

Ba là: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang phát triển với tốc độ nhanh, có tác động sâu, rộng và mạnh mẽ đến các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may. Nhiều công việc lặp đi, lặp lại, công việc độc hại nguy hiểm hoặc phức tạp sẽ bị máy móc công nghệ 4.0, robot thay thế. Một lượng không nhỏ NLĐ không đáp ứng yêu cầu công việc sẽ bị mất việc, chuyển sang ngành nghề khác hoặc phải đào tạo lại, nâng cao trình độ. Vì vậy, sự phối hợp giữa Chính phủ, VCCI, đại diện NLĐ các cấp, các hiệp hội ngành nghề trong việc hướng nghiệp, chuyển đổi nghề và tranh thủ các nguồn vốn hỗ trợ để tổ chức các lớp đào tạo, đào tạo lại cho NLĐ là hết sức cần thiết.

Bốn là: Đại dịch Covid-19 xảy ra từ đầu năm 2020 đã có tác động rất lớn đến tình hình SXKD và việc làm của NLĐ. Việc chăm lo đời sống, thu nhập cho NLĐ cả trước và trong khi có dịch thực sự đã tạo sự gắn kết giữa DN và NLĐ. Bằng chứng là ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP, nhiều DN dệt may đã có 85 – 95% người lao động quay trở lại làm việc. Điều này cho thấy việc coi NLĐ là vốn quý nhất của DN và việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa tại DN là rất quan trọng để NLĐ gắn bó với DN trong bối cảnh khó khăn, biến động.

Tuy nhiên, dịch bệnh kéo dài đã làm cho “sức khỏe” của DN rất mong manh, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước. VCCI và các hiệp hội ngành hàng cần tăng cường sự phối hợp để tiếp tục kiến nghị, đề xuất những chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho NLĐ và DN, tham gia góp ý thiết kế chính sách phù hợp và tháo gỡ những vướng mắc để các khoản hỗ trợ được kịp thời, đúng đối tượng. Trong vấn đề này rất cần VCCI tiếp tục thể hiện vai trò dẫn dắt của mình.

Năm là: Mới đây, Bộ luật lao động sửa đổi năm 2019, có hiệu lực từ 01/01/2021 cho phép NLĐ được đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần lý do cũng sẽ góp phần tăng tỷ lệ biến động lao động và là một thách thức cho NSDLĐ trong quan hệ lao động. VCCI và cộng đồng DN cần phối hợp với các tổ chức đại diện NLĐ để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho NLĐ. Xây dựng văn hóa DN với những giá trị cốt lõi gắn kết NLĐ với DN. Tiếp tục hoàn thiện và nhân rộng các thỏa ước lao động tập thể ngành, nhóm DN trong thời gian tới.

Sáu là: Đại dịch Covid-19 đã cho chúng ta thấy, có một lực lượng lớn NLĐ di cư rất dễ bị tổn thương khi có biến động, tác động mạnh đến quan hệ lao động trong DN. VCCI và cộng đồng DN cần phải đề xuất cơ chế với Nhà nước và phối hợp với địa phương triển khai các chương trình an sinh xã hội như nhà ở xã hội, y tế, giáo dục, nhà trẻ, mẫu giáo… tại các khu công nghiệp, hoặc các DN có điều kiện để các đối tượng lao động này ổn định cuộc sống gắn bó lâu dài với DN và với địa phương nơi làm việc.


 Đại hội đại biểu toàn quốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lần thứ VII, nhiệm kỳ 2021-2026 đã diễn ra sáng ngày 31/12 

[1] Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 15/01/2019 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế đưa ra mục tiêu cụ thể đối với nguồn nhân lực đến năm 2025 tỷ trọng lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản dưới 33% tổng số lao động trong cả nước, đến năm 2035 dưới 25%, đến năm 2045 dưới 15%.



Nguồn: Tham luận của Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch/TTK - VITAS tại Đại hội lần thứ VII của VCCI

» Gửi ý kiến của Bạn
Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.086.578
Khách
: 325
 
Thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp Rating: 5 out of 10 117115.
Core Version: 1.8.0.0