Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 01/11/2024

Đăng ký nhận tin

Cotton Day Việt Nam 2022 – Cơ hội hợp tác, tìm kiếm giải pháp phát triển bền vững cho doanh nghiệp dệt may

07/10/2022 10:57 SA
Ngày 04/10/2022 tại khách sạn Sheraton Saigon, TP HCM, Hiệp hội Bông Mỹ - Cotton USA (CCI) phối hợp với Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) đã tổ chức ngày hội Bông - Cotton Day Việt Nam 2022 theo hình thức trực tiếp nhằm tạo cơ hội hợp tác, tìm kiếm giải pháp phát triển bền vững cho doanh nghiệp dệt may. Hơn 200 doanh nghiệp, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực dệt may tại Việt Nam tham dự sự kiện.
 

 

Ông Benjamin Petlock – Tùy viên nông nghiệp cấp cao, FAS TP. HCM phát biểu chào mừng

Với chủ đề “Đối tác cho sự thịnh vượng”, Cotton Day Việt Nam 2022 cung cấp những thông tin về diễn biến thị trường chủ đạo, cũng như các giải pháp quan trọng về phát triển bền vững và truy xuất nguồn gốc mà doanh nghiệp dệt may Việt Nam cần để đáp ứng được nhu cầu của thị trường trong tình hình mới. 

 

Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch VITAS phát biểu

Phát biểu chào mừng tại sự kiện, Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch VITAS cho rằng, Ngày hội Bông - Cotton Day Việt Nam 2022 được kỳ vọng mang tới các giải pháp trong phát triển bền vững và truy xuất nguồn gốc xuất xứ cho doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Cotton Day tạo tầm nhìn bứt phá cho DN dệt may khi đứng trước những đòi hỏi cao của các nhãn hàng, thị trường. Đây là cơ hội để các chuyên gia của Mỹ cũng như quốc tế cung cấp, chia sẻ những thông tin mới về thị trường bông Mỹ, các quy định nhập khẩu hàng vào Mỹ để DN Việt Nam tiếp cận, tạo điều kiện vượt qua đại dịch, tìm kiếm giải pháp phát triển xanh và bền vững.

Khái quát về tình hình Dệt May Việt Nam trong năm 2022, Ông Giang cho biết, 8 tháng đầu năm 2022 kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam đạt 31 tỷ USD, riêng xuất khẩu vào thị trường Mỹ đạt gần 12,9 tỷ USD. Dự kiến, năm 2022 ngành Dệt May Việt Nam sẽ đạt kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD. Hiện bông Mỹ nhập khẩu vào Việt Nam chiếm trên 50% tổng lượng bông nhập khẩu. Các DN Việt Nam đánh giá sản phẩm bông Mỹ có chất lượng ổn định cùng với thông tin rõ ràng, minh bạch. Trong giai đoạn hiện tại, nguyên liệu đầu vào của ngành dệt may Việt Nam đang thay đổi theo hướng phát triển xanh để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, các nước nhập khẩu. Về Đạo luật Ngăn chặn lao động cưỡng bức (UFLPA) của Mỹ, Ông Giang cho biết, VITAS sẽ cho dịch Đạo luật này và phổ biến, truyền tải đến các DN của Việt Nam nhằm giúp DN nghiên cứu để tránh tối đa, không vi phạm những điều khoản trong Đạo luật và không làm ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển bền vững.

 

Ông Carlos Garcia - Chủ tịch CCI phát biểu

Tham dự ngày hội Bông Mỹ, các đại biểu đã được nghe: Ông Razvan Oancea - GĐ châu Á, CCI giới thiệu về hoạt động của CCI; Ông Carlos Garcia - Chủ tịch CCI nói về tình hình thị trường bông Mỹ; Ông Beau Stephenson - Phó Chủ tịch cao cấp Omni Cotton Inc trao đổi về thị trường bông thế giới; Bà Lorena Montero - GĐ Kinh doanh bông Cargill chia sẻ về tình hình logistic và vận tải.

 

Các diễn giả trao đổi và giải đáp câu hỏi của đại biểu

Các diễn giả cho biết, ngành dệt may thế giới đang có những chuyển biến mạnh mẽ hướng đến việc bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Các nhãn hàng ngày càng chú trọng đến các nguyên liệu vừa mang tính thời trang, vừa thân thiện với môi trường và an toàn với người sử dụng. Bông là nguyên liệu rất tốt đáp ứng cho các tiêu chí này. Tuy nhiên, phải là bông được trồng theo qui trình dùng ít tài nguyên như đất, nước, phân bón, thuốc trừ sâu. Bông Mỹ được sản xuất theo tiêu chuẩn minh bạch và có thể lượng hóa theo chương trình Trust Protocol là giải pháp giúp các nhãn hàng và chuỗi cung ứng thực hiện mục tiêu bền vững đã đặt ra. Tiêu chí bền vững và minh bạch của bông Mỹ tạo sự tin tưởng cho DN dệt may Việt Nam trong chuỗi cung ứng.

 

Ông Bruce Atherley - GĐĐH CCI phát biểu

Về Luật lao động cưỡng bức của Mỹ (UFLPA), Ông Bruce Atherley - GĐĐH CCI cho biết, đạo luật này có hiệu lực từ 21/06/2022. Phân tích định nghĩa, chỉ số xác minh và cách xác định lao động cưỡng bức, ông Bruce Atherley nêu rõ, luật của Mỹ quy định Cục Hải quan & Biên phòng Mỹ (CBP) phải đưa ra quyết định trong vòng 5 ngày đối với hàng đang được kiểm tra rằng hàng hóa có được thông quan hay không. Nếu CBP cho rằng hàng hóa có liên quan đến UFLPA, CBP sẽ lập tức thông báo giữ hàng hoặc thông báo tịch thu cho đơn vị nhập khẩu. Nhà nhập khẩu có 30 ngày để cung cấp chứng từ rõ ràng và minh bạch rằng hàng hóa không vi phạm UFLPA hoặc hàng hóa không được sản xuất bởi lao động cưỡng bức. Đây là lý do nhãn hàng và nhà bán lẻ cần sự minh bạch trong chuỗi cung ứng. Ông Bruce Atherley khuyến cáo, để có thể chứng minh rằng chuỗi cung ứng không có lao động cưỡng bức, cần thực hiện 3 việc sau: 1) dùng bông thô, không liên quan đến lao động cưỡng bức như bông Mỹ; 2) minh bạch ở cấp sản phẩm với minh chứng giao dịch trên toàn chuỗi cung ứng (như hệ thống USCTP PCMS); 3) minh chứng pháp y về nguồn gốc bông (ORITAIN). Theo ông Bruce Atherley, nhà cung cấp cần: Lưu lại chứng từ của tất cả giao dịch và sẵn sàng chia sẻ chúng; Đảm bảo sự minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng (không có lao động cưỡng bức), Yêu cầu xác minh/kiểm toán với điều khoản hợp đồng; Xác minh nguồn gốc của nguyên liệu rủi ro cao với kiểm tra về nguyên tố; Sẵn sàng chia sẻ phương pháp thực hành tối ưu với khách hàng; Tham gia US Cotton Trust Protocol và bắt đầu sử dụng hệ thống PCMS và Textile Genesis để chuẩn bị sẵn sàng khi khách hàng yêu cầu sự minh bạch. DN cần chuẩn bị sẵn sàng và bắt đầu ngay. Ông Bruce Atherley cho rằng nội dung của bài thuyết trình chỉ cung cấp thông tin để DN bắt đầu suy nghĩ về cách xuất hàng qua Mỹ, không nên được sử dụng như lời khuyên về pháp lý. 

 

Lễ công nhận thành viên USCTP

Các diễn giả cũng như đại biểu tham dự Cotton Day Việt Nam 2022 đã trao đổi và chia sẻ về những vấn đề liên quan đến các giải pháp về tăng cường hợp tác giữa 2 hiệp hội, về những thời cơ và thách thức đang đặt ra cho mỗi DN cũng như ngành dệt may Việt Nam, các giải pháp tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp sản xuất bông Mỹ và doanh nghiệp dệt may Việt Nam. Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp cần biết nắm bắt thời cơ, áp dụng những công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ truy xuất nguồn gốc nhằm củng cố niềm tin của khách hàng đối với sản phẩm dệt may Việt Nam.

Đặc biệt, tại ngày hội Cotton Day Việt Nam 2022, BTC đã giới thiệu những sản phẩm thiết kế thời trang sử dụng nguyên liệu bông Mỹ đến từ các thương hiệu thời trang trong nước như John Henry, Routine và Modern Humans.

 

Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch VITAS chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo CCI và các diễn giả

Các đại biểu tham dự đánh giá cao những nội dung được trao đổi trong Ngày hội ngành Bông - Cotton Day Việt Nam 2022 do CCI và VITAS phối hợp tổ chức. Đây thực sự là không gian kết nối giao thương cho cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, kênh giao lưu có ý nghĩa to lớn về phát triển bền vững và minh bạch cho các doanh nghiệp dệt may Việt Nam.

Bài & ảnh: Nguyễn Bình

Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.367.840
Khách
: 1.167
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0