Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 29/03/2024

Đăng ký nhận tin

Sở hữu trí tuệ để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành DMVN trong bối cảnh hội nhập quốc tế

09/05/2016 08:24 SA
Sáng ngày 06/05/2016, Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) đã phối hợp với Cục sở hữu trí tuệ - Bộ KH&CN tổ chức Hội thảo “Sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ để nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành Dệt May Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế” tại trụ sở Tập đoàn Dệt May Việt Nam, 41A Lý Thái Tổ, Hà Nội.

Tham dự Hội thảo có ông Trần Việt Thanh - Thứ trưởng Bộ KH&CN kiêm Cục trưởng Cục sở hữu trí tuệ và đại diện các Cục phó và thanh tra của Bộ; về phía Vinatex có ông Hoàng Vệ Dũng - Phó Tổng Giám đốc cùng các ông bà trưởng, phó các ban chức năng và đại diện các doanh nghiệp, Viện thuộc Tập đoàn.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh phát biểu tại Hội thảo

Ông Trần Việt Thanh - Thứ trưởng Bộ KH&CN cho biết, Hội thảo nhằm tăng cường nhận thức về tầm quan trọng của các đối tượng sở hữu trí tuệ (SHTT), đặc biệt là nhãn hiệu đối với ngành công nghiệp dệt may thông qua thực tiễn của hoạt động đăng ký, khai thác, bảo hộ các quyền sở hữu trí tuệ trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Sở hữu trí tuệ đang đóng một vai trò hết sức quan trọng trong đời sống kinh tế-xã hội, các giá trị của doanh nghiệp tạo ra từ các tài sản trí tuệ như sáng chế, bí mật kinh doanh, bản quyền ngày càng cao hơn và SHTT đang là công cụ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của DN nói riêng cũng như của mỗi nền kinh tế nói chung. Việc khai thác cũng như định giá tài sản ở Việt Nam vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều DN nói chung, trong đó có các DN trong ngành DM chưa thực sự nhận thức rõ vai trò SHTT là một công cụ quan trọng giúp nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Các cơ quan Nhà nước cũng còn chậm ban hành những cơ chế hỗ trợ như định giá, thương mại hóa tài sản. Do đó chưa đưa SHTT trở thành ngành kinh tế thâm dụng, có những đóng góp giá trị cao cho DN của nền kinh tế.

Ông Thanh cũng cho biết, trong bối cảnh hội nhập kinh tế hiện nay, nhất là sau khi Việt Nam gia nhập Hiệp định TPP, bên cạnh việc được hưởng những lợi ích, ưu đãi, thì DN DM Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức như vấn đề giá cả cạnh tranh, nguyên liệu,… vì vậy muốn nâng cao năng lực sản xuất, giữ vững và mở rộng thị trường thì DN cần đầu tư, sử dụng để phát triển bền vững SHTT. Việc quản lý và sử dụng tốt chiến lược SHTT sẽ giúp giảm thiểu rủi ro, xây dựng mối quan hệ kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của các DN trong ngành DMVN. Bộ KH&CN và Cục SHTT luôn nỗ lực khuyến khích đổi mới sáng tạo, bảo hộ SHTT thông qua việc xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách đầy đủ, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, thông qua các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, giúp nâng cao giá trị tài sản trí tuệ của DN. Bộ KH&CN cũng đánh giá cao việc Tập đoàn DMVN đã phối hợp với Cục SHTT, đây là cơ hội tốt để các DN DM chia sẻ ý kiến và các cơ quan quản lý lắng nghe về những thuận lợi, khó khăn, trong việc sử dụng công cụ SHTT để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Toàn cảnh Hội thảo

Hội thảo đã được nghe các diễn giả đóng góp các chuyên đề về: Sử dụng công cụ SHTT trong việc nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp DM trong bối cảnh hội nhập quốc tế; Nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường nội địa bằng tài sản trí tuệ; Tổng Công ty May 10-CTCP trong công tác khai thác và bảo vệ nhãn hiệu hàng hóa; Xây dựng thương hiệu trong ngành DMVN để cạnh tranh trong hội nhập quốc tế và các ý kiến thảo luận của các DN về vấn đề SHTT.

Ông Hoàng Vệ Dũng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn DMVN phát biểu tại Hội thảo

Tại Hội thảo, ông Hoàng Vệ Dũng - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn DMVN cho biết, đây là Hội thảo hết sức quan trọng, 4 diễn giả đã trình bày rất nhiều vấn đề mà ngành dệt may nói chung và các đơn vị của các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn DMVN rất quan tâm. Đặc biệt trong bài “Xây dựng thương hiệu trong ngành DMVN để cạnh tranh trong hội nhập quốc tế” đã chỉ ra rằng, chúng ta muốn phát triển thương hiệu Việt Nam thì phải đi từ gia công cho đến mua đứt bán đoạn. Nếu chúng ta không tạo dựng được thương hiệu ở thị trường trong nước thì không bao giờ vươn tới được thị trường xuất khẩu. Đối với Vinatex, thị trường trong nước chính là nơi tập dượt để chúng ta làm xuất khẩu, nếu chúng ta làm không thành công thị trường trong nước, thì làm xuất khẩu sẽ gặp khó khăn, một sai sót, một chậm trễ bị trả giá rất đắt. Tất cả doanh nghiệp ở đây đều đã vấp phải điều đó.

Hội thảo lần này củng cố ý thức về xây dựng thương hiệu và sự sáng tạo để các doanh nghiệp nhìn nhận và đánh giá cao về việc xây dựng thương hiệu, giải pháp để thương hiệu của mình đi vào lòng người tiêu dùng. Đó là phải quan tâm tới kiểu dáng và phải có mẫu mã sáng tạo liện tục. Yếu tố mới lạ rất quan trọng, bởi đó là chất xám, nhưng chất xám trong doanh nghiệp chưa được tôn trọng, chưa được đánh giá một cách thích đáng. Hội thảo lần này còn để các doanh nghiệp nhìn thấy tầm quan trọng về thương hiệu và quyền SHTT, đặc biệt lãnh đạo DN phải đánh giá cao sáng tạo của chính mình, trân trọng sản phẩm của mình thì người tiêu dùng mới trân trọng.

Nguồn: Phạm Sỹ/Vinatex.com  

Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.087.233
Khách
: 999
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0