Thông tin cần biết

Hôm nay, Chủ Nhật, 05/05/2024

Đăng ký nhận tin

Lãnh đạo VITAS tham dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024

25/04/2024 05:23 CH

Ngày 25/4/2024 tại hội trường của Báo Người Lao Động Tp.HCM đã diễn ra phiên thứ hai của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 với chủ đề "Gỡ khó về vốn, thị trường cho doanh nghiệp xuất khẩu" để bàn bạc, tìm giải pháp tháo gỡ, tạo động lực cho cộng đồng doanh nghiệp (DN). Diễn đàn có sự tham dự của đại diện lãnh đạo bộ, ngành; lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước; tham tán thương mại, thương vụ nước ngoài; lãnh đạo hiệp hội ngành hàng, chuyên gia kinh tế... Đại diện VITAS, Ông Trần Như Tùng - Phó Chủ tịch đã tới tham dự và phát biểu.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương (BCT), hoạt động xuất khẩu trong quý I/2024 có nhiều khởi sắc, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 93,06 tỉ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù vậy, BCT cho rằng hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2024, nhất là xuất khẩu sang các thị trường trọng điểm như châu Âu, châu Mỹ sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức. Trong đó, việc tiếp cận vốn của DN vẫn còn khó khăn, lãi suất cho vay chưa giảm tương ứng với lãi suất huy động. Mới đây, tình hình Trung Đông diễn biến phức tạp với nhiều tác động tiêu cực đến DN, đặc biệt là DN xuất khẩu.


Toàn cảnh Diễn đàn

Theo Bà Lê Thị Thanh Minh - Trưởng phòng Châu Âu, Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ, BCT cho biết: Chi phí vận tải container tăng mạnh, DN cần chủ động ứng phó. Tình hình căng thẳng tại Biển Đỏ, vận tải đường biển chuyển hướng qua mũi Hảo Vọng (châu Phi) khiến thời gian vận chuyển kéo dài, cước tàu tăng do kênh đào Suez là tuyến đường ngắn nhất vận chuyển từ châu Á sang châu Âu. Theo khảo sát, giá cước vận chuyển từ Việt Nam sang châu Mỹ, châu Âu đầu năm 2024 tăng cao so với cuối năm 2023. Đến tháng 3-2024, giá cước vận chuyển sang châu Mỹ, châu Âu có giảm nhưng vẫn cao hơn bình quân những năm trước 20%.
Không chỉ cước tàu tăng mà các phụ phí cũng tăng mạnh, tăng không báo trước gây bức xúc cho DN. Ngoài ra, thời gian vận chuyển kéo dài 10-15 ngày khiến chuỗi cung ứng bị đảo lộn, chậm trễ. Căng thẳng Biển Đỏ còn kéo theo tình hình thiếu container rỗng, giá container rỗng cao. Những biến động trên thế giới cũng khiến giá dầu thô tăng, ảnh hưởng chi phí đầu vào cho DN. Để giảm thiểu tác động tiêu cực cho xuất khẩu, BCT đã có sự trao đổi với các DN, hiệp hội, logistics – xem xét tuyến đường thay thế bằng đường tàu hoặc kết hợp đa phương tiện (đường bộ, đường tàu biển, đường sắt…). BCT khuyến cáo các DN cần đa dạng nguồn cung hàng hóa, khi ký kết hợp đồng cần lưu ý các điều khoản bất khả kháng, mua bảo hiểm đầy đủ để tránh rủi ro. Đồng thời, DN cần tăng cường cập nhật thông tin từ BCT, Bộ Ngoại giao, Bộ GTVT để nắm bắt sớm thông tin. Các nhà quan sát cho rằng căng thẳng Biển Đỏ chưa kết thúc sớm nên DN cần chủ động có kế hoạch ứng phó.
Phát biểu tại Diễn dàn, Ông Trần Như Tùng – Phó Chủ tịch VITAS cho biết các DN dệt may đang chịu áp lực rất lớn về các tiêu chí xanh, sạch để đáp ứng yêu cầu của các nhà mua hàng Âu, Mỹ.


Ông Trần Như Tùng – Phó Chủ tịch VITAS phát biểu

Theo ông Tùng, Dệt may muốn cạnh tranh phải tạo ra giá trị cao hơn Xuất khẩu dệt may năm 2024 tốt hơn so với 2023 dù chưa thật sự lấy lại đỉnh các năm trước đó. Các DN dệt may có đơn hàng nhiều hơn nhưng rất cạnh tranh do giá không tăng nhưng chi phí logistic tăng, DN phải chia sẻ chi phí vận chuyển hàng hóa với đối tác mua hàng dẫn đến lợi nhuận bị ảnh hưởng.
Trong quý I/2024, xuất khẩu dệt may đạt khoảng 9,5 USD, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2023. Việt Nam đang đứng trong 3 thị trường xuất khẩu dệt may lớn, xếp sau Trung Quốc và Bangladesh. Chúng ta không thể cạnh tranh với DN Bangladesh về chi phí nhân công thấp, thuế xuất khẩu sang EU thấp. Tuy nhiên, Việt Nam cũng không nhìn vào Bangladesh mà đang nhìn sang Trung Quốc để phấn đấu. Mỗi năm, Trung Quốc xuất khẩu trên dưới 300 tỉ USD, gấp 7-8 lần Việt Nam. Vấn đề hiện nay là chi phí tăng, khách hàng yêu cầu hàng hóa xanh, sạch hơn trong khi giá không tăng nên đây là áp lực kép đối với DN xuất khẩu ngành dệt may. DN buộc phải đầu tư nhà máy xanh, sạch và chịu áp lực rất lớn về tiêu chuẩn ESG, điện mặt trời, giảm phát thải, sử dụng nguyên liệu tái chế… để đáp ứng yêu cầu của các nhà mua hàng ở châu Âu hiện nay và Hàn Quốc, Mỹ... trong thời gian tới. Chúng ta muốn cạnh tranh thì không thể làm những mặt hàng giá thị thấp như Bangladesh đang làm mà phải tạo những giá trị cao hơn, phải thay đổi để thích ứng với yêu cầu mới trong cuộc chơi chung toàn cầu. Để DN làm tốt phải có sự hỗ trợ từ chính phủ Việt Nam. Chi phí đầu tư cho giảm tác động môi trường rất cao, biên lợi nhuận của DN dệt may thấp nên rất mong các tổ chức tài chính có những gói lãi suất ưu đãi cho DN vay đầu tư "xanh hóa". Ngành thuế cũng cần có chính sách giảm thuế thu nhập DN cho DN đầu tư xanh để tạo động lực cho DN.
Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước, Ông Đào Minh Tú cho biết điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động NH trong những tháng đầu năm là rất khó khăn. Về tỉ giá, thời gian qua đang có những dao động, đồng VNĐ mất giá so với đầu năm. Lãi suất VNĐ giảm nhanh làm cho mất cân đối giữa lãi suất VNĐ và USD cũng làm đẩy tỉ giá lên. Xuất nhập khẩu tương đối sôi động nên nguồn ngoại tệ cho nhập khẩu cũng tiêu tốn ngoại tệ không nhỏ. NHNN khẳng định, trong những chính sách của NHNN thì xuất khẩu luôn được ưu tiên. Về tín dụng xanh: NHNN đang cùng các bộ ngành nhận diện để xây dựng chính sách. Tín dụng xanh và các dự án xanh, để làm sao cả NH và DN hiểu rõ, có cơ chế, hàng lang pháp lý rõ ràng, nhất là nguồn vốn cho tín dụng.
Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), TS Vũ Tiến Lộc cho biết Quý I vừa qua với sự phục hồi của thị trường thế giới và những nỗ lực của Chính phủ, cộng đồng DN và ngành NH giúp cho xuất khẩu gia tăng. Kim ngạch xuất khẩu đã tăng đến 17% so với cùng kỳ năm trước, nhất là khu kinh tế trong nước tăng đến 25%, còn khu vực nước ngoài (FDI) tăng khoảng 13% là tín hiệu rất là đáng mừng. Xuất khẩu tăng trên tất cả mặt hàng xuất khẩu chủ lực. Các DN xuất khẩu còn nhiều cơ hội để khai thác các thị trường bằng việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA), tính cạnh tranh của DN Việt Nam cũng không kém khi các nền kinh tế có điều kiện tương tự như Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Ấn Độ, Bangladesd… Các thị trường này đang gia tăng sức cạnh tranh với những mặt hàng xuất khẩu tương đồng. Nếu chúng ta không có cách thức để nâng cao năng lực cạnh tranh sẽ chịu áp lực rất lớn. Một xu hướng nữa là những yêu cầu về kinh tế xanh, phát triển bền vững và đề cao trách nhiệm xã hội. Để thâm nhập vào các thị trường châu Âu, và sắp tới là Mỹ, Nhật... cần sự nỗ lực rất lớn của các DN để vượt qua một loạt tiêu chuẩn, hàng rào kỹ thuật. Ngoài ra, trong khi giá hàng xuất khẩu không tăng hoặc tăng không đáng kể, chi phí ngoài nước từ logistics tăng lên, trong nước, rào cản vốn lãi suất ngân hàng cũng rất được quan tâm. Bởi lãi suất ngân hàng đang nhích lên, tạo áp lực chi phí lớn cho DN. Vì vậy, cần hỗ trợ cho xuất khẩu gồm cả vốn tín dụng, tạo điều kiện cho các DN xuất khẩu tiếp cận vốn thuận lợi hơn và với chi phí thấp.
EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 và là thị trường nhập khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam. cho biếtTrong khối EU, Hà Lan, Pháp, Đức, Ý là những thị trường lớn và xuất khẩu của Việt Nam vào các nước này trong năm 2023 rất mạnh. Ở châu Âu còn có một số thị trường tăng trưởng 2 con số trong năm 2023 là Tây Ban Nha, Thụy Điển, Hungary…, DN Việt có thể đẩy mạnh tiếp cận, xúc tiến bán hàng vào đó. Hiện các nước EU đang nhập khẩu nhiều sản phẩm giày dép, dệt may, túi xách, ô dù, ví, vali… Trong quý I/2024, kim ngạch xuất khẩu một số mặt hàng tăng cao như sắt thép, cà phê, bánh kẹo, cao su… Thị trường EU rất tiềm năng nhưng họ có những tiêu chuẩn rất khắt khe về chất lượng, an toàn thực phẩm, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh và lao động. DN phải lưu ý đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật này để được hưởng thuế suất ưu đãi khi xuất khẩu vào EU.
Trong khoảng thời gian gần 3 giờ đồng hồ, diễn đàn đã có khoảng 20 ý kiến phát biểu trao đổi, trong đó có nhiều giải đáp rất rõ ràng, cụ thể. TS Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động tổng kết, trong lịch sử đương đại, chưa có một thời kỳ nào mà khó khăn như hiện nay khi cùng lúc xảy ra nhiều cuộc xung đột lớn trên thế giới, tình hình thế giới diễn biến phức tạp và chưa có dấu hiệu dừng lại nên không thể không ảnh hưởng đến xuất khẩu. Giải pháp chính là phải tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thêm thị trường. Đồng thời, cần có sự phòng thủ tốt hơn như tăng lượng hàng dự trữ. Để làm được điều này cần có nguồn lực tài chính nên vai trò của các tổ chức tài chính tiền tệ, đặc biệt là sự điều phối của Ngân hàng Nhà nước. Có thể là gói tín dụng riêng dành cho các doanh nghiệp xuất khẩu trong từng lĩnh vực. Đồng thời, cần tiếp tục kết nối doanh nghiệp với các tham tán thương mại để tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại quy mô lớn, hiệu quả và tiết kiệm chi. "Tín dụng xanh" là vấn đề rất khẩn cấp cần triển khai ngay để Việt Nam hòa nhập với quy định chung của toàn thế giới.

Bài: Quỳnh Anh (ghi theo Báo Người Lao động)
Ảnh: Báo Người Lao động

» Gửi ý kiến của Bạn
Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.127.546
Khách
: 1.034
 
Lãnh đạo VITAS tham dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2024 Rating: 5 out of 10 1277.
Core Version: 1.8.0.0