Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 29/03/2024

Đăng ký nhận tin

Gỡ khó cho doanh nghiệp dệt may

01/02/2018 02:09 CH
Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, ngành dệt may trong nước đang chịu tác động không nhỏ từ khi Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TTP).

Kỳ vọng thuế suất cho hàng dệt may của nước ta vào thị trường khó tính, như Mỹ xuống còn 0%, thì nay đã bị đóng lại và đang tác động trực tiếp đến các doanh nghiệp (DN) sản xuất, xuất khẩu hàng dệt may trong nước. Nếu như trước đây, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường Mỹ chiếm 55 - 57% tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành, thì hiện giảm xuống còn khoảng 51%. Các thị trường khác, như Nhật Bản, EU cũng bị sụt giảm so với mục tiêu đề ra, do sức mua và khả năng cạnh tranh của hàng dệt may nước ta…

Đó là những khó khăn về thị trường mà ngành dệt may đang phải đối mặt. Trong nước, một trong những thách thức mà các DN dệt may đang phải tìm cách ứng phó là tình trạng lao động nghỉ việc, nhảy việc, do những chính sách liên quan đến tiền lương, trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp, tuổi nghỉ hưu theo quy định có hiệu lực từ ngày 1-1-2018. Theo thống kê, từ sau Tết Nguyên đán 2017 đến cuối năm 2017, trung bình các DN ngành dệt may có sự chuyển dịch lao động; lao động xin nghỉ việc khoảng 20-30%, thậm chí có những DN, con số này lên tới 40%. Ông Vũ Đức Giang đánh giá, các chính sách an sinh xã hội rất ưu việt, có lợi cho người lao động (NLĐ), nhưng nếu nhìn vào năng suất, chất lượng lao động thì các chính sách mới đang là thách thức không nhỏ đối với các DN dệt may.

 

Ảnh minh họa

Cùng với đó, theo Nghị định số 141/2017/NĐ-CP của Chính phủ, mức lương tối thiểu vùng năm 2018 tăng khoảng 6,5%; trong khi, từ ngày 1-6-2017, mức tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế, công đoàn... của NLĐ đóng là 11,5% (trừ vào lương) và DN đóng 23,5%. Ông Mai Đức Thiện, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đánh giá, mức chi phí này ở các DN trong nước cao hơn so với các quốc gia trong khu vực (các nước trung bình khoảng 13-14% cho cả hai bên). Tuy nhiên, phần lớn các nước trong khu vực có nền lương đóng các loại quỹ cao hơn nước ta khá nhiều.

Đánh giá những tác động của các chính sách đến ngành dệt may, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, tính từ năm 2008 đến 2017, Nhà nước tăng lương tối thiểu vùng 10 lần với mức tăng tương đối cao; trong đó DN trong nước tăng bình quân 21,9%; DN có vốn đầu tư nước ngoài tăng 15,2%; trong khi GDP giai đoạn 2008-2016 tăng bình quân 5,96%; CPI tăng 8,77% và năng suất lao động chỉ tăng 3,65%. Việc tăng lương tối thiểu vùng làm tăng nền đóng BHXH, tăng chi phí nhân công, chi phí sản xuất và sẽ làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm. Tính chung toàn ngành dệt may, với mức lương tối thiểu vùng tăng lên 6,5% từ năm 2018 thì chi phí đóng BHXH, bảo hiểm y tế của các DN lên tới hàng nghìn tỷ đồng, riêng chi phí đóng quỹ công đoàn trong toàn ngành lên tới 500 tỷ đồng.

Theo một số chuyên gia, Luật BHXH năm 2014, từ ngày 1-1-2018, lao động nữ đóng BHXH đủ 30 năm mới được hưởng tối đa 75% lương hưu. Tuy nhiên, với lao động nam lại có lộ trình bắt đầu từ năm 2022, đóng đủ 35 năm BHXH mới được hưởng tối đa 75% lương hưu là không hợp lý. Trong khi NLĐ ngành dệt may hầu hết là nữ và phải ra khỏi dây chuyền sản xuất (nghỉ việc) trước thời gian quy định được nghỉ hưu, nên không những khó đạt được mức lương hưu 75%, mà mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi phải trừ 2%, thay vì 1% lương hưu như trước đây, sẽ tác động không nhỏ đến thu nhập của NLĐ. Hiện ở nhiều DN đã có tình trạng, NLĐ gần đến tuổi nghỉ hưu thì xin nghỉ hàng loạt để không chịu tác động bởi các quy định về BHXH từ năm 2018, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất của DN.

Ý kiến của khá nhiều lãnh đạo các DN dệt may cũng cho rằng, để bảo đảm công bằng, tránh tình trạng lao động nữ trong ngành này sau 35 tuổi không có việc làm, thì cần sớm xây dựng thang, bậc lương dựa trên năng suất thực tế của lao động, nghĩa là “làm theo năng lực, hưởng theo năng suất”. Bên cạnh đó, cần thay đổi các quy định về trợ cấp thất nghiệp, bởi Luật Việc làm quy định, NLĐ đóng BHXH đủ từ 12 đến 36 tháng thì được hưởng trợ cấp thất nghiệp bằng 3 tháng lương tối thiểu vùng. Như vậy, NLĐ chỉ cần làm việc 12 tháng thì xin nghỉ và nhận luôn trợ cấp thất nghiệp 3 tháng. Quy định này đang tạo kẽ hở, khiến NLĐ lợi dụng chính sách này để "nhảy việc" và trục lợi tiền trợ cấp thất nghiệp, gây không ít khó khăn cho DN, bởi DN vừa bị mất lao động, phải tuyển dụng lao động mới, lại vừa phải chi trả trợ cấp thất nghiệp.

Theo: TRẦN MINH MẠNH/Báo QĐND

» Gửi ý kiến của Bạn
Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.087.041
Khách
: 801
 
Gỡ khó cho doanh nghiệp dệt may Rating: 5 out of 10 133663.
Core Version: 1.8.0.0