Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Năm, 28/03/2024

Đăng ký nhận tin

Chính sách thuế Giá trị gia tăng đối với hàng chuyển đổi mục đích

12/09/2019 10:32 SA
Gặp vướng trong tính thuế Giá trị gia tăng (GTGT) đối với mặt hàng máy may công nghiệp nhập khẩu thuộc đối tượng miễn thuế nhập khẩu nhưng thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, nay thay đổi mục đích sử dụng hoặc chuyển tiêu thụ nội địa, một số DN thắc mắc việc tính thuế GTGT khi thay đổi mục đích sử dụng ra sao? Khấu trừ thuế GTGT như thế nào?  Vướng mắc trên của DN đã được Tổng cục Hải quan hướng dẫn cụ thể.
chinh sach thue gia tri gia tang doi voi hang chuyen doi muc dich
Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Cảng Cái Lân, Cục Hải quan Quảng Ninh. Ảnh: T.Trang

Về chính sách thuế

Theo phân tích của Tổng cục Hải quan, căn cứ Luật thuế GTGT số 13/2008/QH12 thì: Thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng trong dây chuyền công nghệ và vật tư xây dựng thuộc loại trong nước chưa sản xuất được cần nhập khẩu để tạo tài sản cố định của doanh nghiệp thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 10% trừ hàng hóa thuộc khoản 17 Điều 5 Luật thuế GTGT số 13/2008/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 Luật số 31/2013/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT.

Bên cạnh đó, tại Khoản 12 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung khoản 5 Điều 25 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 của Chính phủ quy định: “Đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thuộc đối tượng không chịu thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, thuế Tiêu thụ đặc biệt, thuế Giá trị gia tăng, thuế Bảo vệ môi trường hoặc miễn thuế hoặc áp dụng thuế suất, mức thuế tuyệt đối theo hạn ngạch thuế quan và đã được giải phóng hàng hoặc thông quan nhưng sau đó có thay đổi về đối tượng không chịu thuế hoặc mục đích được miễn thuế; áp dụng thuế suất, mức thuế tuyệt đối theo hạn ngạch thuế quan; hàng hóa là nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để gia công, sản xuất hàng hóa xuất khẩu và hàng hóa tạm nhập - tái xuất đã giải phóng hàng hoặc thông quan nhưng sau đó thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa thì phải khai tờ khai hải quan mới. Chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; chính sách thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thực hiện tại thời điêm đăng ký tờ khai hải quan mới trừ trường hợp đã thực hiện đầy đủ chính sách quản lý hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu tại thời điểm đăng ký tờ khai ban đầu".

Tại Khoản 10 Điều 1 Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 21 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính quy định việc khai thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa thì: “Hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chuyển tiêu thụ nội địa hoặc thay đổi mục đích sử dụng thực hiện đúng quy định tại khoản 5 Điều 25 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 12 Điều 1 Nghị định số 59/2018/NĐ-CP.

Việc chuyển tiêu thụ nội địa hoặc thay đổi mục đích sử dụng hàng hóa đã làm thủ tục xuất khẩu, nhập khẩu chỉ được thực hiện sau khi người khai hải quan hoàn thành thủ tục hải quan đối với tờ khai hải quan mới.

Hàng hóa thuộc diện phải có giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, khi chuyển tiêu thụ nội địa hoặc thay đổi mục đích sử dụng cũng phải được cơ quan cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu đồng ý bằng văn bản đối với hàng hóa theo quy định của pháp luật phải có giấy phép khi thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa.

Hàng hóa thay đổi mục đích sử dụng hoặc chuyển tiêu thụ nội địa, người nộp thuế phải kê khai, nộp đủ tiền thuế, tiền phạt (nếu có) theo quy định”.

Với những quy định nêu trên, theo Tổng cục Hải quan, trường hợp DN nhập khẩu mặt hàng máy may công nghiệp thuộc đối tượng miễn thuế nhập khẩu nhưng thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, nay thay đổi mục đích sử dụng hoặc chuyển tiêu thụ nội địa thì DN phải khai tờ khai hải quan mới và phải kê khai, nộp đủ tiền thuế, tiền phạt (nếu có) theo quy định.

Tính thuế GTGT khi thay đổi mục đích sử dụng

Căn cứ khoản 2 Điều 7 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật thuế GTGT và Nghị định số 209/2013/TT-BTC ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thuế GTGT thì giá tính thuế GTGT đối với hàng hóa nhập khẩu được xác định như sau:

“Đối với hàng hóa nhập khẩu là giá nhập tại cửa khẩu cộng với thuế nhập khẩu (nếu có), cộng với thuế Tiêu thụ đặc biệt (nếu có), cộng với thuế Bảo vệ môi trường (nếu có). Giá nhập tại cửa khẩu được xác định theo quy định về giá tính thuế hàng nhập khẩu.

Trường hợp hàng hóa nhập khẩu được miễn, giảm thuế nhập khẩu thì giá tính thuế GTGT là giá nhập khẩu cộng với thuế nhập khẩu xác định theo mức thuế phải nộp sau khi đã được miễn, giảm”.

Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 17 Thông tư số 39/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính quy định về trị giá hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu thì hàng hóa nhập khẩu đã sử dụng tại Việt Nam, có thay đổi mục đích sử dụng so với mục đích đã được xác định thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế thì trị giá hải quan là giá thực tế đã thanh toán hay sẽ phải thanh toán tại thời điểm chuyển đổi mục đích sử dụng, được xác định theo nguyên tắc, phương pháp xác định trị giá hải quan quy định tại Thông tư này.

Căn cứ các quy định nêu trên, khi DN nhập khẩu máy may công nghiệp được miễn thuế nhập khẩu thì giá tính thuế GTGT là giá nhập khẩu. Khi thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa hàng hóa được miễn thuế nhập khẩu thì công ty phải kê khai, nộp đủ tiền thuế nhập khẩu (được xác định tại thời điểm thay đổi mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa), tiền phạt (nếu có) và tính số tiền thuế GTGT phải nộp bổ sung trên cơ sở số tiền thuế nhập khẩu phải nộp.

Như vậy, số thuế GTGT phải nộp bổ sung khi đăng ký tờ khai hải quan mới là số thuế GTGT phát sinh thêm (do phát sinh tiền thuế nhập khẩu trong công thức giá tính thuế GTGT) so với thời điểm ban đầu hàng hóa nhập khẩu được miễn thuế nhập khẩu (công thức giá tính thuế GTGT không có thuế nhập khẩu).

Trường hợp nếu tại thời điểm chuyển mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa máy móc, thiết bị, thuế suất thuế nhập khẩu của hàng hóa là 0% thì thuế GTGT phải nộp bổ sung là 0 đồng.

Khấu trừ thuế GTGT

Hướng dẫn về khấu trừ thuế GTGT đối với hàng chuyển đổi mục đích sử dụng, Tổng cục Hải quan cho biết, tại Điều 2 Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính quy định: “Đối tượng chịu thuế GTGT là hàng hoá, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam (bao gồm cả hàng hóa, dịch vụ mua của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài), trừ các đối tượng không chịu thuế GTGT hướng dẫn tại Điều 4 Thông tư này".

Và tại Khoản 1 Điều 14 Thông tư số 219/2013/TT-BTC quy định: “Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hoá, dịch vụ chịu thuế GTGT được khấu trừ toàn bộ, kể cả thuế GTGT đầu vào không được bồi thường của hàng hóa chịu thuế GTGT bị tổn thất”.

Bên cạnh đó, căn cứ khoản 10 Điều 1 Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/2/2015 của Bộ Tài chính quy định về điều kiện khấu trừ thuế GTGT như sau: “Có hóa đơn GTGT hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ mua vào hoặc chứng từ nộp thuế GTGT khâu nhập khẩu hoặc chứng từ nộp thuế GTGT thay cho phía nước ngoài theo hướng dẫn của Bộ Tài chính áp dụng đối với các tổ chức nước ngoài không có tư cách pháp nhân Việt Nam và cá nhân nước ngoài kinh doanh hoặc có thu nhập phát sinh tại Việt Nam.

Có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào (bao gồm cả hàng hóa nhập khẩu) từ hai mươi triệu đồng trở lên, trừ các trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu từng lần có giá trị dưới hai mươi triệu đồng, hàng hóa, dịch vụ mua vào từng lần theo hóa đơn dưới 20 triệu đồng theo giá đã có thuế GTGT và trường hợp cơ sở kinh doanh nhập khẩu hàng hóa là quà biếu, quà tặng của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài”.

Theo đó, tại thời điểm chuyển mục đích sử dụng, chuyển tiêu thụ nội địa máy móc, thiết bị, nếu công ty phải nộp thuế GTGT bổ sung thì số thuế GTGT này sẽ được khấu trừ nếu đáp ứng điều kiện theo quy định, số thuế GTGT này không được hoàn lại.
Nguồn: Hải quan Online

Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.086.342
Khách
: 84
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0