Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 01/11/2024

Đăng ký nhận tin

VITAS họp mặt doanh nghiệp dệt may tại huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai

08/06/2022 03:02 CH
Ngày 02/06/2022, tại Chi nhánh Công ty CP Đồng Tiến - XN May 3, huyện Trảng Bom, tỉnh  Đồng Nai, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) phối hợp với Công đoàn Hà Lan (CNV) đã tổ chức buổi họp mặt với các doanh nghiệp dệt may khu vực TP. Biên Hòa và huyện Trảng Bom thuộc tỉnh Đồng Nai. 

Buổi họp mặt các doanh nghiệp do ông Nguyễn Văn Hoàng – Phó Chủ tịch VITAS/ Chủ tịch Chi hội miền Đông Nam bộ kiêm TGĐ Công ty CP Đồng Tiến và bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó Tổng thư ký VITAS chủ trì.

Sau khi khái quát về ngành dệt may, Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Tổng Thư ký VITAS đã phân tích về định hướng sản xuất bền vững cho toàn chuỗi cung ứng dệt may Việt Nam. Bà Mai nêu rõ những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ VN đối với việc giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050 cũng như yêu cầu ngày càng cao của khách hàng. Doanh nghiệp phát triển bền vững phải đảm bảo 3 yếu tố gồm 3 chữ P: People (con người) – Planet (hành tinh) – Profit (lợi nhuận), giống như kiềng 3 chân. Bà Mai khẳng định, muốn tăng trưởng bền vững là phải “xanh hóa ngành dệt may Việt Nam”. Trong phần khuyến nghị đối với DN, 5 gói giải pháp chính được giới thiệu. Đó là: Thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch Covid; Giải pháp về thị trường; Giải pháp phát triên nguồn nhân lực; Giải pháp về công nghệ số và Tuân thủ các quy định về lao động và môi trường. Các giải pháp này để nhằm tăng cường liên kết chuỗi cung ứng và góp phần xây dựng thương hiệu dệt may Việt Nam bền vững.


Bà Mai đặc biệt lưu ý các DN về những cam kết của Việt Nam trong các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới (FTAs) cũng như Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về lĩnh vực lao động. Bà Mai cùng đại diện CNV đã giới thiệu thêm về Dự án Thúc đẩy đối thoại xã hội (ĐTXH) tại nơi làm việc và thương lượng tập thể (TLTT) hiệu quả trong ngành dệt may và mời các doanh nghiệp trong khu vực tham gia ký kết Thỏa ước lao động tập thể nhóm doanh nghiệp (TƯLĐTT nhóm DN).


Các đại biểu dự họp đã trao đổi những thực trạng khó khăn hiện nay tại doanh nghiệp. Đó là các vấn đề: tình hình thiếu lao động nghiêm trọng; Hàng loạt các chi phí như logistic, nguyên phụ liệu...  đều tăng; Những quy định của pháp luật còn nhiều bất cập trong lắp đặt và vận hành hệ thống điện mặt trời, xử lý nước thải, tái sử dụng nước và bùn thải sau xử lý...; áp lực tăng lương và đảm bảo thu nhập, hỗ trợ nhà ở cho người lao động; Tình trạng năng suất lao động thấp và thiếu cán bộ quản lý tại các vùng 3, 4...

Các đại biểu đều thống nhất cho rằng, con đường tất yếu là phải đổi mới, xanh hóa và phát triển bền vững, thay đổi thiết bị, áp dụng công nghệ mới, thực hiện chuyển đổi số, đẩy mạnh kết nối chuỗi cung ứng, tuân thủ nghiêm ngặt những cam kết trong các FTAs...


Các doanh nghiệp cũng kiến nghị với Chính phủ, bộ ngành và các địa phương: Tăng cường các biện pháp kiềm chế lạm phát để hạn chế tình trạng tăng lương nhưng thu nhập thực tế lại giảm; Phê duyệt dự án đầu tư nên cân đối với khả năng cung ứng lao động tại từng vùng, miền; Có cơ chế thuận lợi để người lao động gặp khó khăn được hưởng những chính sách hỗ trợ trong dịch covid 19...

Đánh giá rằng việc tham gia TƯLĐTT nhóm DN là cần thiết, tuy nhiên các đại biểu đề nghị làm rõ hơn những lợi ích của doanh nghiệp khi tham gia TƯLĐTT nhóm DN; về bữa ăn cho người lao động không nên ấn định bằng mức tiền mà tính bằng định lượng calo; đồng thời xác định cơ chế kiểm soát việc thực hiện TƯLĐTT nhóm DN.



Đánh giá cao những hoạt động của VITAS đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, các đại biểu cho rằng việc tham gia là thành viên của Hiệp hội có nhiều cơ hội được tham quan, học hỏi những kinh nghiệm hay, mở rộng giao lưu với bạn hàng, đối tác. Các doanh nghiệp cũng đề nghị VITAS cùng với những tổ chức trong nước và quốc tế tổ chức thêm các lớp tập huấn, hội thảo, diễn đàn về những chủ đề như: chuyển đổi số, tăng năng suất lao động, kết nối chuỗi cung ứng, quy định xuất xứ hàng hóa, năng lượng tái tạo..., qua đó tạo điều kiện để mỗi doanh nghiệp cũng như ngành dệt may Việt Nam phát triển bền vững. 

Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.367.828
Khách
: 1.155
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0