Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 29/03/2024

Đăng ký nhận tin

Hội nghị Bộ trưởng các nước TPP nối lại đàm phán tại Singapore

20/05/2014 02:14 CH

Bộ trưởng thương mại các nước thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã nối lại các cuộc đàm phán tại Singapore trong hai ngày 19 -20/5/2014.

Vòng đàm phán mới nhất này, khai mạc sáng ngày 19/5/2014  và kéo dài hai ngày tại Singapore, không được kỳ vọng sẽ dẫn tới một thỏa thuận, song các quan chức thương mại hy vọng các cuộc gặp gỡ sẽ góp phần thu hẹp khoảng cách giữa Washington và Tokyo, mà cho đến nay đã cản trở việc đạt được một thỏa thuận nhanh chóng về TPP.

Hội nghị bộ trưởng thương mại các nước TPP tại Singapore vào tháng 2-2014. (Ảnh Jiji Press)

Hội nghị hôm nay bắt đầu bằng cuộc gặp giữa Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman và Bộ trưởng Kinh tế Nhật Bản Akira Amari, trước khi có các cuộc thảo luận sâu rộng hơn giữa 12 đoàn đàm phán cũng như hàng loạt các cuộc trao đổi song phương khác.

TPP là bộ phận chính về kinh tế trong chính sách đối ngoại “chuyển trục” sang châu Á của Tổng thống Barack Obama và là phép thử quyết tâm của Thủ tướng Shinzo Abe trong việc thách thức các nhóm đặc quyền về nông nghiệp ở trong nước.

Bất đồng giữa Mỹ và Nhật cho đến nay đã làm suy giảm kỳ vọng rằng các cuộc đàm phán – kéo dài nhiều năm nay - sẽ sớm kết thúc và một hiệp định thương mại sẽ sớm được trình lên quốc hội 12 quốc gia xem xét ký kết. Những cuộc gặp song phương cấp cao giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Nhật trong chuyến thăm Tokyo hồi tháng Tư của ông Obama cũng không tạo được bước đột phá nào.

Tuy nhiên một sự thay đổi lập trường gần đây của Tokyo làm dấy lên hy vọng rằng bế tắc sẽ được khai thông. Một tuần trước khi diễn ra hội nghị hôm nay, phía Nhật nói với phía Mỹ rằng họ muốn giảm thuế suất nhập khẩu đối với thịt bò và thịt heo của Mỹ, theo một quan chức tham gia đàm phán cho biết. Vẫn chưa rõ rằng sự nhượng bộ của Nhật về thuế suất các mặt hàng nông sản nhập khẩu đã đủ làm người Mỹ hài lòng hay chưa, vì Mỹ vẫn đòi hỏi Nhật bãi bỏ hoàn toàn thuế nhập khẩu nông sản, không loại trừ mặt hàng nào. Và vẫn có rất ít tiến bộ liên quan đến việc tiếp cận thị trường trong ngành công nghiệp xe hơi – một vấn đề tranh cãi quyết liệt giữa hai nước kéo dài đã nhiều thập niên.

Ở Nhật cũng có tâm lý hoài nghi khả năng của chính quyền Obama trong việc đẩy nhanh một hiệp ước thương mại ra trước Quốc hội Mỹ do phong trào chống đối tự do thương mại đang nổi lên ở nước này, đặc biệt là trong đảng Dân chủ của ông Obama và cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ sẽ đến vào tháng 11.

Hội nghị lần này cũng bàn về nhiều vấn đề khác, chẳng hạn như quyền tiếp cận thị trường Mỹ của các doanh nghiệp giày da Việt Nam và sản phẩm sữa của New Zealand.

Thảo luận giữa các quan chức TPP cao cấp diễn ra trong tuần trước ở TPHCM, Việt Nam cũng đã tạo được sự đồng thuận rộng rãi về việc áp đặt những giới hạn chặt chẽ hơn cho hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, thường bị coi là một phương tiện để các chính phủ nâng đỡ một ngành công nghiệp nào đó một cách không công bằng.

Các thành viên TPP còn phải đồng thuận với nhau về nhiều vấn đề cụ thể, chẳng hạn như các doanh nghiệp nhà nước chỉ được cho phép hoạt động trong những ngành công nghiệp nào.

Các thành viên TPP còn phải thu hẹp khoảng cách về lập trường trong vấn đề quyền sở hữu trí tuệ trong lĩnh vực dược phẩm. Các thành viên là nước nghèo muốn giảm nhẹ những sự bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ để các doanh nghiệp dược phẩm trong nước có thể sản xuất các loại thuốc tương tự (generic) giá rẻ trong khi các nước giàu thì phản đối điều này./.

Theo Nasdaq.com
Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.086.861
Khách
: 615
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0