Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam năm 2018 ước đạt 36,1 tỷ USD, tăng 16,01% so với năm 2017. Mục tiêu của năm 2019 dự tính kim ngạch xuất khẩu là 40 tỷ USD. Trong số trên 36 tỷ USD xuất khẩu năm 2018, thì kim ngạch xuất khẩu hàng may mặc đạt 28,78 tỷ USD, tăng 14,45%; xuất khẩu vải đạt 1,66 tỷ USD, tăng 25,5%; xuất khẩu xơ sợi đạt 3,95 tỷ USD, tăng 9,9%; xuất khẩu vải không dệt đạt 528 triệu USD, tăng 15,54%; xuất khẩu nguyên phụ liệu dệt may đạt 1,23 tỷ USD, tăng 14,59%.

Nhiều triển vọng

Đáng quan tâm, các mặt hàng có thế mạnh về sản xuất như áo thun, áo jacket, quần, quần áo trẻ em, áo sơ mi, váy, đồ lót... đều tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ 2017. Các thị trường xuất khẩu trọng điểm vẫn đạt tốc độ tăng trưởng rất tốt như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Dệt may Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng vào những cơ hội bứt phá (Ảnh: A.N)

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết, năm 2018 kinh tế Việt Nam mặc dù còn nhiều khó khăn, hạn chế nhưng với những giải pháp đúng đắn và phương pháp điều hành quyết liệt của Chính phủ, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, trong đó có sự đóng góp to lớn của ngành dệt may.

Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam - ông Lê Tiến Trường nhấn mạnh, giá trị thặng dư ngành dệt may năm 2018 ước đạt 17,86 tỷ USD, tăng 14,39 %. Với kết quả đạt được trong năm 2018, tín hiệu về tình hình đơn hàng cho năm 2019 cũng rất khả quan. Nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng cho 6 tháng đầu năm và thậm chí cả năm 2019. Đặc biệt, sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao và dần hoàn chỉnh chuỗi cung ứng dệt may do dòng vốn đầu tư vào công nghiệp dệt nhuộm và nguyên phụ liệu đang tăng lên, cũng như thời điểm thực thi các Hiệp định Thương mại thế hệ mới sắp đến là những yếu tố hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh của dệt may Việt Nam trong năm 2019.

Chính vì vậy, mục tiêu phát triển ngành trong năm 2019 hướng tới kim ngạch xuất khẩu đạt 40 tỷ USD, tăng trưởng 10,8%; thặng dư thương mại đạt 20 tỷ USD, đảm bảo việc làm và tăng thu nhập cho 2,85 triệu lao động là khả quan.

Tập trung giải pháp phát triển bền vững

Để đạt được các mục tiêu nêu trên, ông Trương Văn Cẩm, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, các doanh nghiệp trong ngành phải chung tay thực hiện những giải pháp về đầu tư, thị trường, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, áp dụng khoa học công nghệ, giải quyết những khâu yếu, bất cập của ngành. Song hành, hiệp hội sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa vai trò là đầu mối liên kết giữa doanh nghiệp hội viên với thị trường trong và ngoài nước thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, hợp tác quốc tế, đào tạo… Trong đó, đặc biệt nâng cao vai trò là cầu nối giữa các doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tiếp nhận phản ánh của doanh nghiệp để tổng hợp, nghiên cứu, kiến nghị, đề xuất tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho ngành.

Mặt khác, Chính phủ cần tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, kiểm tra chuyên ngành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng cũng như có chính sách hỗ trợ đầu tư xử lý nước thải tại các khu công nghiệp dệt may, hỗ trợ cụ thể đối với các cơ sở đào tạo dệt may, hỗ trợ đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành dệt may.

Đối với các bộ, ngành, ông Cẩm kiến nghị không ban hành thêm các văn bản làm khó khăn cho doanh nghiệp (ví dụ các quy định về phí CIC, DO, phí vệ sinh container cộng và trị giá tính thuế trong năm 2018…). VITAS đề nghị Bộ Công Thương tiếp tục ngừng áp dụng Thông tư 21/2017/TT-BCT về mức giới hạn hàm lượng formaldehyt và các amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may từ ngày 01/01/2019.

Ngoài ra, các địa phương cần tạo điều kiện thu hút và cấp phép các dự án đầu tư lớn, có trình độ thiết bị công nghệ tiên tiến và quy trình xử lý nước thải đảm bảo thân thiện với môi trường vào khâu dệt nhuộm để giải quyết điểm “thắt cổ chai” của ngành. Đồng thời đáp ứng yêu cầu xuất xứ của các hiệp định thương mại tự do, không thu hút các dự án cùng sử dụng nhiều lao động để tránh cạnh tranh, tạo ra biến động lao động lớn. Các địa phương liền kề cần phối hợp để địa điểm các khu công nghiệp thu hút nhiều lao động không cùng đặt tại các vùng giáp ranh…

Cho rằng trong năm 2019 ngành dệt may vẫn phải đối diện với, cạnh tranh trên thị trường thế giới tiếp tục tăng cao nhất là trong nhóm các nước xuất khẩu dệt may, hơn nữa, các điểm yếu nội tại tiếp tục cản trở khả năng doanh nghiệp phát triển, chiếm lĩnh thị trường, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng nhấn mạnh, toàn ngành cần tập trung cho những giải pháp quan trọng để tiếp tục phát triển bền vững. Đó là xây dựng cộng đồng chuỗi liên kết hợp tác chặt chẽ để giải quyết nguồn cung thiếu hụt. Tập trung vào các sản phẩm có hàm lượng chất xám cao, đưa sản phẩm Việt Nam, thương hiệu Việt Nam ra thị trường thế giới. Tận dụng hiệu quả các FTA, đặc biệt là CPTPP, EVFTA. Áp dụng các công nghệ, phương pháp quản trị tiên tiến. Xây dựng và phát triển đội ngũ các nhà thiết kế để sản xuất theo hình thức FOB, ODM, OBM. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0, doanh nghiệp cần ứng dụng thành quả 4.0 trong sản xuất, kinh doanh, liên kết trong đầu tư, khai thác khách hàng lớn.

Là ngành sử dụng nhiều lao động, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho rằng, các doanh nghiệp dệt may cần đầu tư cho nguồn nhân lực chất lượng cao, có chính sách tốt để tạo sự gắn kết lâu dài của người lao động với doanh nghiệp… Ngành cần tiếp tục chiến lược phát triển bền vững và xanh hóa ngành dệt may Việt Nam.

Nguồn: dangcongsan.vn