Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Bảy, 27/04/2024

Đăng ký nhận tin

Lớp tập huấn về Tra soát chuỗi cung ứng được tổ chức tại TP. HCM

10/08/2023 09:41 SA
Ngày 08/08/2023, tại TP. HCM, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), Công đoàn Hà Lan (CNV) phối hợp với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP. HCM tổ chức lớp tập huấn về Tra soát chuỗi cung ứng khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường EU cho các doanh nghiệp khu vực Q. Tân Bình & TP. Thủ Đức, TP. HCM. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án Thúc đẩy đối thoại xã hội (ĐTXH) tại nơi làm việc và thương lượng tập thể (TLTT) hiệu quả trong ngành dệt may.

Mục đích của lớp tập huấn nhằm giúp các học viên hiểu rõ hơn về tra soát quyền con người trong chuỗi cung ứng  - phù hợp với Nguyên tắc của OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) và UNGP (Các nguyên tắc hướng dẫn của LHQ về Kinh doanh và Quyền con người) và về vai trò của các bên liên quan trong việc tra soát quyền con người chuỗi cung ứng.

Phát biểu tại lớp tập huấn, Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó Tổng thư ký VITAS cho biết, ngày 11/6/2021, Quốc hội Đức đã thông qua Đạo luật thẩm định chuỗi cung ứng (LkSG) và Đạo luật thẩm định doanh nghiệp sẽ có hiệu lực vào ngày 1/1/2023. Dự thảo Chỉ thị của EU về thẩm định tính bền vững của DN đang được các nước thành viên EU thảo luận, xem xét thông qua, dự kiến áp dụng từ năm 2026. Theo quy định của luật, các doanh nghiệp phải tuân thủ đầy đủ các quyền con người và một số yêu cầu về trách nhiệm thẩm định về môi trường trong chuỗi cung ứng. 

 

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó Tổng thư ký VITAS phát biểu

Phân tích về tác động của Luật tra soát chuỗi cung ứng với ngành dệt may VN, bà Mai  cho rằng, thẩm định chuỗi cung ứng có trách nhiệm về quyền con người và môi trường của OECD đang trở thành quy định bắt buộc ở nhiều thị trường xuất khẩu của Việt Nam. Trách nhiệm tra soát ngày càng được yêu cầu chặt chẽ từ phía các quốc gia nhập khẩu và tiêu thụ. Đây là cơ hội lẫn thách thức cho ngành dệt may Việt Nam. Tuân thủ Luật Tra soát chuỗi cung ứng là cơ hội để doanh nghiệp phát triển bền vững. Nếu được thực hiện hiệu quả và công bằng, việc đẩy mạnh tra soát sẽ nâng tầm thương hiệu cho ngành dệt may Việt Nam, giúp các doanh nghiệp trong nước nâng cao trình độ quản trị và cải thiện vị thế, quyền lợi của người lao động. Để thực hiện Thẩm định quyền con người trong chuỗi cung ứng hiệu quả, cần có cam kết rõ ràng của các bên, định rõ được trách nhiệm của từng bên và cách thức hợp tác, chia sẻ trách nhiệm. Đồng thời, phía nhãn hàng, bên mua hàng cũng cần phối hợp và tạo điều kiện để các doanh nghiệp sản xuất duy trì và nhân rộng các nỗ lực cải thiện trong ngành. Các nhãn hàng và các nhà cung ứng cũng cần chủ động và tăng cường đối thoại để cùng hợp tác thực hiện, hướng đến đồng bộ hóa các yêu cầu từ các bên khác nhau.

 

Bà Nguyễn Thị Thanh Hoàn - Trưởng Ban CSPL & QHLĐ Công đoàn Dệt May VN hướng dẫn về các buớc thực hiện thẩm định

Bà Nguyễn Thị Thanh Hoàn - Trưởng Ban Chính sách Pháp luật và Quan hệ lao động Công đoàn Dệt May Việt Nam và Ông Nguyễn Phi Hổ - Phó ban Chính sách Pháp luật LĐLĐ TP. HCM – là các giảng viên của lớp đã phân tích những nội dung của 6 bước thực hiện Thẩm định quyền con người và môi trường trong chuỗi cung ứng (HREDD - Human Rights and Environmental Due Diligence) và vai trò của các bên liên quan. Đó là các bước: Lồng ghép kinh doanh có trách nhiệm vào các chính sách và hệ thống quản lý; Nhận diện & đánh giá tác động bất lợi trong hoạt động chuỗi cung ứng & quan hệ kinh doanh; Chấm dứt, ngăn ngừa, giảm thiểu tác động tiêu cực và rủi ro; Theo dõi quá trình thực hiện và kết quả; Thông tin về cách giải quyết tác động; Khắc phục tác động tiêu cực. Các học viên đã thảo luận về hành vi kinh doanh có trách nhiệm (RBC), nội dung cụ thể của từng bước tra soát, vai trò của các bên tham gia trong chuỗi cung ứng cũng như làm những bài tập thực hành.

 

Ông Nguyễn Phi Hổ - Phó ban CSPL LĐLĐ TP. HCM

Lớp tập huấn đã giúp các học viên nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của Luật Tra soát chuỗi cung ứng đối với doanh nghiệp, hiểu hơn về 6 bước trong quy trình Tra soát chuỗi cung ứng và kiểm tra thực tế, nắm được nội dung, phương pháp triển khai trong chuỗi cung ứng, nhìn nhận đầy đủ hơn về mức độ rủi ro và các khả năng có thể xảy ra, về xu hướng minh bạch chuỗi cung ứng trong thương mại quốc tế.

Trong bối cảnh nhiều doanh nghiệp chưa có đầy đủ thông tin về thẩm định chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có những hạn chế về nguồn lực tài chính và nhân sự …, các đại biểu đề nghị VITAS, TLĐ phối hợp với các Tổ chức quốc tế tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo … về Tra soát chuỗi cung ứng và những chủ đề liên quan nhằm hỗ trợ cho DN trong nước cải thiện trình độ quản trị, đảm bảo quyền của người lao động và nâng tầm thương hiệu của DN. Những người tham dự lớp tập huấn cũng mong muốn trách nhiệm tra soát được chia sẻ công bằng giữa các bên trong chuỗi cung ứng; các cơ quan quản lý nhà nước rà soát các tiêu chuẩn và quy định pháp luật và đẩy nhanh quá trình nội luật hóa để cho các DN tuân thủ một cách thuận lợi hơn và góp phần xây dựng ngành dệt may Việt Nam phát triển bền vững.

Một số hình ảnh:

 

 Bài: Nguyễn Bình

 

Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.120.623
Khách
: 962
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0