Thông tin cần biết

Hôm nay, Chủ Nhật, 28/04/2024

Đăng ký nhận tin

Thị trường lao động trước giờ hội nhập AEC

15/07/2014 03:20 CH
Năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) chính thức hình thành, các quốc gia thành viên chỉ còn một thị trường lao động chung. Quá trình thúc đẩy tự do lưu chuyển lao động có tay nghề giữa các nước ASEAN đang đặt ra những thách thức và cơ hội đối với thị trường lao động Việt Nam.

Nhiều thách thức

Ông Lê Triệu Dũng- Phó Vụ trưởng Vụ chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương)- cho biết, khi AEC hình thành sẽ tác động trực tiếp tới thị trường lao động của các nước nói riêng và của khu vực nói chung. Theo đó, việc lưu chuyển lao động trong khu vực là một yêu cầu tất yếu để tạo điều kiện thúc đẩy quá trình hợp tác và lưu thông thương mại giữa các nước.

Việt Nam cần có nguồn lao động chất lượng cao để cạnh tranh trên thị trường lao động quốc tế

Trên thực tế, thị trường lao động Việt Nam đang bộ lộ nhiều nguy cơ. Theo nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố năm 2013 cho thấy, năng suất lao động của Việt Nam thuộc nhóm thấp nhất ở châu Á – Thái Bình Dương (những nơi có thể thu thập số liệu)- thấp hơn Singapore gần 15 lần, thấp hơn Nhật 11 lần và Hàn Quốc 10 lần. Ngay cả so với các nước láng giềng ASEAN năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan.

Về tốc độ tăng của năng suất lao động cũng  giảm đi tại Việt Nam. Trong giai đoạn 2002- 2007, năng suất lao động tăng trung bình 5,2% mỗi năm - mức cao nhất trong khu vực. Tuy nhiên, kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008 đến nay tốc độ tăng năng suất trung bình hàng năm của Việt Nam chậm lại, chỉ còn khoảng 3,3% mỗi năm.

Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo và đào tạo nghề tại VN còn rất thấp. Cụ thể, trong 53 triệu người trong độ tuổi lao động, chỉ có 25,4 triệu người có trình độ chuyên môn kỹ thuật (chiếm 47%). Trong 25,4 triệu người này, có tới 15,6 triệu người là công nhân, nhưng không có chứng chỉ hoặc bằng cấp. Số công nhân có chứng chỉ và bằng cấp chỉ chiếm 18,4%.

Những điểm yếu như thiếu kỹ năng, rào cản về ngôn ngữ, tác phong làm việc và kỷ luật lao động cũng là những thách thức với lao động Việt Nam., khiến lao động của Việt Nam bị mất việc làm ngay ở trong nước.

Khắc phục và tận dụng cơ hội từ AEC

Ông Ngô Đình Đức- Tổng Giám đốc Công ty L&A- cho biết, khi ACE được ký kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tự do hóa thị trường lao động ASEAN. Các DN Việt Nam sẽ có cơ hội thu hút nguồn nhân lực có kỹ năng quản lý, kỹ năng nghề, chuyên môn và năng suất cao từ các nước trong khu vực để bù đắp vào những thiếu hụt ở các vị trí tại DN mình. Đồng thời, ở các nước đang phát triển như Việt Nam, Lào, Campuchia, Myamar có lực lượng lao động dồi dào, trẻ, nhưng tỷ lệ đào tạo, kỹ năng nghề tương đối thấp. Trong khi đó ở các nước Singapore, Malaysia, Thái Lan… lao động đang có xu hướng già hóa. Vì vậy, với các nước có nguồn lao động nhiều, trẻ thì đây là một cơ hội để phát triển thị trường xuất khẩu lao động.

Bà Jae Hee Chang- chuyên viên cao cấp của ILO cho biết, các quốc gia của ASEAN nên nắm vững và vận dụng các thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRAs) để tạo thuận lợi cho việc di chuyển, xuất khẩu lao động trong thời điểm hiện tại. Hiện nay MRAs đã được ký kết ở một số lĩnh vực như: người hành nghề y, nha khoa, y tá; dịch vụ kế toán, dịch vụ tư vấn… Theo đó, MRAs sẽ công nhận kỹ năng, bằng cấp được đào tạo giữa các quốc gia để các lao động được dễ dàng di chuyển cùng với những nới lỏng về visa, thời gian lưu trú… từ đó tạo điều kiện cho các DN xuất khẩu lao động trong quá trình đưa lao động xuất khẩu đến các nước trong khu vực.

Trong quá trình đón đầu việc tự do hóa thị trường lao động ASEAN, các DN cũng cần lưu ý đến quy mô cũng như số lượng khi sử dụng nguồn lao động nhập cư từ bên ngoài. Bài học kinh nghiệm từ ngành điện tử của Malaysia cho thấy, khi phát triển ngành công nghiệp điện tử nhưng lại sử dụng quá nhiều vào nguồn lao động có tay nghề thấp (chi phí nhân công thấp) từ các nước khác trong khu vực nên đã làm giảm khả năng cạnh tranh của Malaysia trong lĩnh vực này.

Từ phía nhà đào tạo nhân lực cần phải siết chặt và quản lý thật tốt khâu “đầu ra” của tất cả các trường đại học, cao đẳng, trường dạy nghề. Có tiêu chí và chuẩn mực đầu ra của từng ngành, kiểm định chất lượng nghiêm túc để có những sản phẩm “đầu ra” có chất lượng cao đủ khả năng cạnh tranh trên thị trương lao động khu vực và quốc tế.

Theo: Báo Công Thương

Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.121.225
Khách
: 401
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0