Những dấu ấn mới
Phát biểu tại hội nghị, bà Phạm Thị Thanh Tâm – Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam – chia sẻ: Năm 2023 trải qua nhiều khó khăn và thách thức trong bối cảnh vừa đảm bảo việc làm vừa chăm lo đời sống người lao động, song với sự chung sức chung lòng của các cấp công đoàn, doanh nghiệp và người lao động đã tạo được dấu ấn tốt đẹp.
|
Các đại biểu tham dự hội nghị |
Năm 2023 là năm đặc biệt khó khăn với diễn biến của thị trường và kinh tế thế giới, cả năm tình hình nhu cầu thấp. Các đơn vị ngành May liên tục thiếu đơn hàng, lượng đơn hàng và đơn giá gia công đều giảm từ 20 - 30%, cá biệt có đơn hàng giảm đến 40%. Đối với ngành Sợi, thị trường ảm đạm, tín hiệu đơn hàng tính theo tháng, kéo dài 18 tháng liên tục từ cuối năm 2022 đến nay, các đơn vị kinh doanh dưới giá thành. Những điều đó ảnh hưởng đến việc làm, đời sống của người lao động.
Trong bối cảnh này, các cấp công đoàn ngành Dệt may đã quan tâm nắm bắt và đồng hành sát sao với cả hai phía trong quan hệ lao động; tiết giảm nhiều chi phí khác để tập trung chăm lo cho người lao động, thúc đẩy các phong trào thi đua lao động sản xuất… nhờ đó đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Báo cáo của Công đoàn Dệt May cho thấy, năm qua, công đoàn các cấp đã phối hợp với chuyên môn duy trì việc làm, đảm bảo thu nhập, bảo toàn đội ngũ, có nhiều chính sách hỗ trợ đơn vị thúc đẩy sản xuất. Công tác chăm lo cho người lao động tiếp tục được quan tâm bằng nhiều hoạt động thiết thực, với tổng số tiền cả hệ thống thực hiện năm 2023 gần 110 tỷ đồng, trong đó: Chất lượng bữa ăn ca của người lao động được cải thiện, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, định suất, định lượng.
Việc nâng cao trình độ, kỹ năng cho người lao động được chú trọng. Năm 2023 có hơn 59.000 lượt người lao động được học tập; gần 3.000 lượt cán bộ công đoàn được bồi dưỡng nghiệp vụ.
Các cấp công đoàn đã tổ chức “Tết sum vầy - Ngày hội Công nhân - Phiên chợ nghĩa tình” dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 tại 6 điểm trên cả nước; tháng Công nhân được triển khai đồng bộ ở các cấp. Nhiều hoạt động đào tạo, văn thể mỹ, thi đua khen thưởng, tri ân, tặng quà người lao động... được tổ chức; mở rộng, cải thiện chương trình phúc lợi đoàn viên; duy trì, vận hành hiệu quả các thiết chế cơ sở; tổ chức thăm hỏi, tặng quà người lao động khó khăn...
Bên cạnh đó, công tác truyền thông tiếp tục được đổi mới, phong phú, đa dạng như Chương trình truyền thanh công đoàn, Kênh truyền hình trực tuyến Youtube, chương trình “Đọc truyện cho bé”, các cuộc thi sôi nổi trên mạng xã hội.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng năm 2023 là năm thứ 5 liên tiếp tổ chức xét chọn, tôn vinh “Doanh nghiệp vì người lao động”, trong đó 11 đơn vị đạt danh hiệu cấp quốc gia, 15 đơn vị đạt danh hiệu cấp ngành; trao Giải thưởng “Nguyễn Thị Sen” lần thứ V cho 10 nữ công nhân lao động tiêu biểu; xét chọn và tôn vinh 22 gia đình dệt may tiêu biểu...
Đặc biệt, các cấp công đoàn đã thực hiện hiệu quả chương trình "1 triệu sáng kiến” của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trong đó có 18.495 sáng kiến được cập nhật, vượt 7.530 sáng kiến so với chỉ tiêu, đạt 169%, dẫn đầu Khối thi đua công đoàn Tập đoàn/Tổng công ty.
|
Bà Phạm Thị Thanh Tâm – Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam phát biểu |
Trong bối cảnh vất vả để duy trì đơn hàng, tạo việc làm cho người lao động, song công đoàn đã tổ chức thành công Đại hội công đoàn cơ sở và Đại hội VI Công đoàn Dệt may Việt Nam.
Toàn hệ thống cũng tích cực hưởng ứng Đợt sinh hoạt chính trị - Cuộc thi trực tuyến “Gửi niềm tin, trao kỳ vọng” chào mừng Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam. Kết quả, Công đoàn Dệt May Việt Nam là 1 trong 5 đơn vị trên cả nước được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khen thưởng Đơn vị xuất sắc trong triển khai cuộc thi.
Với kết quả trên, năm 2023, Công đoàn Dệt May Việt Nam được Ban chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng Bằng khen Đơn vị có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động giỏi và xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh.
Năm đồng hành của Công đoàn Dệt May Việt Nam
Năm 2024 dự báo kinh tế thế giới có sự cải thiện, thúc đẩy tiêu dùng; Việt Nam là một điểm đến an toàn trong khi các quốc gia cạnh tranh gặp nhiều vấn đề về lao động, xung đột vũ trang, thuận lợi cho các đơn hàng quay trở lại Việt Nam. Tuy nhiên, các doanh nghiệp dệt may trong nước có những thách thức mới về sức sép chi phí trong điều kiện doanh nghiệp chưa hoàn toàn “khỏe mạnh”…
|
Trao cờ thi đua toàn diện của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho các đơn vị trong ngành |
Trước tình hình đó, Công đoàn Dệt May Việt Nam xác định 5 trọng tâm đồng hành cùng doanh nghiệp và người lao động nhằm góp phần khắc phục khó khăn, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, chăm lo, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, đó là: Đồng hành tuyên truyền vận động người lao động thấu hiểu tình hình, nỗ lực vươn lên, vững niềm tin vào tổ chức, doanh nghiệp; đồng hành tham gia quản lý, quản trị rủi ro, cải thiện điều kiện làm việc, chăm lo toàn diện cho người lao động; đồng hành thúc đẩy các phong trào thi đua nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả công tác; đồng hành bồi đắp, lan tỏa văn hóa, giá trị Vinatex và các doanh nghiệp; đồng hành nâng cao năng lực thích ứng cho người lao động, đáp ứng các yêu cầu của vị trí việc làm.
Dự và phát biểu tại hội nghị, bà Đỗ Hồng Vân - Ủy viên Đoàn chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, trưởng ban nữ công gửi lời chúc mừng tới toàn thể người lao động ngành Dệt May đã vượt qua năm 2023 nhiều khó khăn, thách thức. Với tinh thần kiên cường – dũng cảm – sáng tạo – đoàn kết, Công đoàn ngành Dệt May tích cực tham mưu, phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo phát động nhiều phong trào thi đua lập thành tích chào mừng đại hội công đoàn các cấp qua đó đã huy động một lực lượng lớn đoàn viên người lao động tham gia vào hoạt động phong trào tạo thành một khí thế thi đua sôi nổi trong lao động sản xuất từ đó đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thành công Đại hội Công đoàn các cấp và Đại hội Công đoàn Dệt May Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2023-2028.
|
Trao cờ thi đua toàn diện cho các đơn vị trong ngành |
Thay mặt người sử dụng lao động, ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt May Việt Nam gửi lời cảm ơn sự đóng góp của người lao động, các cấp công đoàn. Theo Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt May Việt Nam, đứng ở hai vai, những người làm công đoàn vừa sản xuất vừa chăm lo quyền lợi cho người lao động trong bối cảnh kinh tế gặp là vô cùng vất vả, tuy nhiên với tinh thần kiên cường - sáng tạo - dũng cảm - đoàn kết, các cấp công đoàn cũng như người lao động ngành Dệt May đã vượt qua khó khăn; tạo ra hoạt động ổn định trong toàn hệ thống…
Công đoàn Dệt May Việt Nam hiện quản lý trực tiếp 116 công đoàn cơ sở, với tổng số 108.595 đoàn viên/114.252 lao động; trong đó đoàn viên nữ chiếm 71%. Ngoài ra, Công đoàn Dệt May Việt Nam còn tham gia với các Liên đoàn Lao động địa phương để phối quản các Công đoàn ngành Dệt May: Bình Dương, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh với tổng số 139 công đoàn cơ sở, 41.026 đoàn viên /44.042 lao động.
Theo: Báo Công thương