Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Năm, 01/05/2025

Đăng ký nhận tin

Ngành Thời trang sẽ chịu tác động nặng nề nhất từ chính sách thuế “có đi có lại” của ông Trump

04/04/2025 04:46 CH
Thông báo về mức thuế mới phần nào giải đáp một số câu hỏi trước đó, nhưng đồng thời cũng đặt ra hàng loạt câu hỏi mới – như thuế sẽ kéo dài bao lâu, liệu có trường hợp miễn trừ nào không, và phản ứng của các đối tác thương mại với Mỹ sẽ ra sao?”.

Hệ quả từ tuyên bố áp thuế "có đi có lại" hôm thứ Tư của Tổng thống Donald Trump đã nhanh chóng lan rộng, khiến thị trường rơi vào tình trạng hỗn loạn và các đối tác thương mại toàn cầu phản ứng gay gắt, trong khi nhiều doanh nghiệp thời trang rơi vào thế bị động, loay hoay tìm hướng đi mới.


Chỉ số Nasdaq Composite giảm 5,39% (tương đương 956,96 điểm) trong phiên giao dịch thứ Năm. Chỉ số S&P 500 giảm 4,3% (tương đương 247,21 điểm), trong khi Dow Jones mất 1.465 điểm, tương ứng mức giảm 3,47%.

Theo phân tích ban đầu từ các nhà kinh tế, mức thuế mới được thiết lập dựa trên công thức: lấy giá trị thâm hụt thương mại của Mỹ với từng quốc gia chia cho tổng kim ngạch xuất khẩu của quốc gia đó vào thị trường Mỹ. Kết quả cho thấy, ngành thời trang là một trong những lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Dữ liệu từ S&P Global Market Intelligence cho thấy hơn 90% hàng may mặc nhập khẩu vào Mỹ sẽ phải chịu thêm thuế trung bình gần 30%. Ông Chris Rogers, Trưởng bộ phận nghiên cứu chuỗi cung ứng của S&P, nhận định đây là mức thuế "chưa từng có tiền lệ cả về quy mô lẫn phạm vi áp dụng".

Ông cho biết thêm: "Việc loại trừ các ngành như kim loại, hóa chất và ô tô – vốn sẽ bị áp các loại thuế riêng – đồng nghĩa với việc các chuỗi cung ứng chịu ảnh hưởng nặng nhất sẽ là hàng tiêu dùng hoàn chỉnh như quần áo, đồ chơi và điện thoại thông minh, với mức thuế bổ sung trung bình từ 27 đến 30 điểm phần trăm".

Dù bài phát biểu của ông Trump tại Vườn Hồng Nhà Trắng nặng về khẩu hiệu và thiếu chi tiết cụ thể, đến thứ Năm, giới chức xác nhận rằng các loại thuế mới sẽ được cộng thêm vào mức thuế hiện tại của Mỹ.

Ngay sau khi công bố, Liên minh châu Âu và Trung Quốc đều tuyên bố sẽ đưa ra các biện pháp đáp trả tương xứng. Trong khi đó, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), bà Ngozi Okonjo-Iweala, cho biết WTO đang “tích cực phối hợp” với các nước thành viên – hiện đang khẩn trương đánh giá tác động đến nền kinh tế và quyền lợi của họ trong khuôn khổ thương mại toàn cầu.

"Những tuyên bố gần đây sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến thương mại toàn cầu và triển vọng tăng trưởng kinh tế," bà cho biết. "Ước tính ban đầu của chúng tôi cho thấy các biện pháp này, cùng với các chính sách được đưa ra từ đầu năm, có thể khiến khối lượng thương mại hàng hóa toàn cầu năm nay sụt giảm khoảng 1% – tức giảm gần 4 điểm phần trăm so với dự báo trước đó".

Giáo sư Sheng Lu, chuyên ngành dệt may tại Đại học Delaware (Mỹ), nhận định: “Thông báo về mức thuế mới phần nào giải đáp một số câu hỏi trước đó, nhưng đồng thời cũng đặt ra hàng loạt câu hỏi mới – như thuế sẽ kéo dài bao lâu, liệu có trường hợp miễn trừ nào không, và phản ứng của các đối tác thương mại với Mỹ sẽ ra sao?”.

Theo phân tích dữ liệu từ Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ (USITC), nếu giá trị nhập khẩu dệt may của Mỹ không đổi so với năm 2024, mức thuế “có đi có lại” mới sẽ khiến ngành phải chịu tổng thuế gần 35 tỷ USD – tăng 19,9 tỷ USD so với hiện tại.

Các quốc gia châu Á như Việt Nam (thuế suất mới 46%), Campuchia (49%), Trung Quốc (34%), Indonesia (32%), Ấn Độ (26%) và Bangladesh (37%) sẽ gặp khó khăn đặc biệt trong thời gian tới – đây cũng là những thị trường cung ứng hàng đầu của Mỹ.

Điều này đặc biệt đáng lưu ý khi riêng tháng 1/2025, lượng nhập khẩu hàng may mặc từ châu Á đạt mức cao kỷ lục, chiếm 77% tổng nguồn cung của Mỹ, trong đó 56% đến từ 5 quốc gia: Trung Quốc, Việt Nam, Bangladesh, Ấn Độ và Indonesia.

Doanh nghiệp lớn như Nike – sản xuất khoảng 50% giày dép tại Việt Nam, phần còn lại tại Trung Quốc và Indonesia – đã chứng kiến cổ phiếu giảm hơn 14% trong ngày thứ Năm.

Theo ông Lu, người tiêu dùng sẽ chưa cảm nhận rõ sự tăng giá cho đến mùa thu hoặc dịp lễ, do các hãng đã tranh thủ “đi tắt đón đầu” bằng cách đặt hàng sớm. Tuy nhiên, khi kinh tế suy thoái và tâm lý tiêu dùng đi xuống, sức mua sẽ giảm, lợi nhuận doanh nghiệp cũng mỏng hơn.

“Do nhu cầu yếu, các doanh nghiệp sẽ buộc phải khuyến mãi nhiều hơn, giảm giá để hút khách,” ông nói. “Họ gần như không có quyền tăng giá để chuyển gánh nặng thuế cho người tiêu dùng”.

“Đây là tình huống ‘phạt kép’: chi phí đầu vào tăng mạnh, nhưng giá bán lại khó tăng theo,” ông nhấn mạnh. Ngoài ra, việc chuyển hướng chuỗi cung ứng sang thị trường khác cũng không đơn giản.

Đáng chú ý, mặc dù Trung Quốc chịu gánh nặng thuế rất cao – tổng cộng khoảng 76% nếu cộng dồn các loại thuế hiện hành – nước này vẫn có khả năng trụ vững nhờ chính sách trợ giá cho doanh nghiệp trong nước. “Họ có thể nhanh chóng hỗ trợ ngành sản xuất để giữ giá thành ổn định,” ông Lu nhận định.

Mặc dù việc trợ giá vi phạm quy tắc của WTO, nhưng ông Lu cho rằng chính Mỹ cũng đã làm điều tương tự khi tự ý áp thuế và tạm ngừng đóng góp tài chính cho WTO. “Luật lệ không còn được tôn trọng – mọi thứ đang rơi vào hỗn loạn,” ông nói. “Không còn đèn tín hiệu giao thông”.

Thêm vào đó, chính các nhà sản xuất Mỹ cũng sẽ không được hưởng lợi từ chính sách mới. Bởi hơn 70% doanh nghiệp may mặc nội địa đang sử dụng nguyên liệu nhập khẩu – đặc biệt là vải và sợi từ Trung Quốc. Ông Lu ước tính mức thuế trung bình cho các nguyên liệu đầu vào như vải và sợi sẽ tăng từ 6,3% lên 21%, tương đương thêm 1,8 tỷ USD mỗi năm. Với hàng dệt may thành phẩm, mức thuế tăng từ 8,4% lên 28,4%, tức thêm hơn 7 tỷ USD chi phí.

Ngoài Trung Quốc, các nhà cung cấp châu Âu cũng đã tăng giá, chuẩn bị cho nguy cơ chiến tranh thương mại. “Tôi không nghĩ ngành dệt may nội địa của Mỹ sẽ được lợi trong bối cảnh hiện tại,” ông Lu kết luận.

Ngược lại, một số quốc gia như Mexico và Canada có thể là bên hưởng lợi. Sau khi đe dọa áp thuế 25%, ông Trump quyết định chỉ áp thuế với những sản phẩm không nằm trong phạm vi của Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA) – vốn đảm bảo tự do thương mại giữa ba quốc gia.

“Hơn một nửa hàng hóa từ Mexico và 40% từ Canada thuộc diện USMCA, bao gồm cả hàng dệt may – và sẽ không bị ảnh hưởng,” ông Jorge Gonzalez Henrichsen từ The Nearshore Company cho biết.

Điều này giúp Mexico có lợi thế cạnh tranh so với các trung tâm sản xuất khác như Trung Quốc, Ấn Độ hay Việt Nam – đồng thời thúc đẩy xu hướng “gần hóa” chuỗi cung ứng sang khu vực Bắc Mỹ.

Tuy nhiên, theo bà Ruby Dhalla – cựu nghị sĩ Đảng Tự do Canada, tác động tiêu cực đến chuỗi cung ứng tích hợp giữa hai nước đã rõ rệt. “Ngành sản xuất bị ảnh hưởng nặng nề, nhiều nhà máy đóng cửa, công nhân mất việc – đây không chỉ là câu chuyện của Canada mà còn là của Mỹ”.

Bà kêu gọi hai chính phủ nên ngồi lại và tái đàm phán USMCA để xây dựng một nền kinh tế cạnh tranh thực sự trên quy mô khu vực. “Miễn thuế hoàn toàn là điều nên làm – để chúng ta có thể cùng nhau cạnh tranh toàn cầu,” bà nói.

Theo Sourcing Journal

Tin khác :
Bản quyền © 2025 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
Email : info@vietnamtextile.org.vn
VPĐD phía Nam : Lầu 8, 36 Phan Đăng Lưu, Phường 7, Quận Bình Thạnh, TP. HCM
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.682.574
Khách
: 1.037
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0