Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Ba, 30/04/2024

Đăng ký nhận tin

Dệt may tính kế vượt qua 'cơn bĩ cực'

27/11/2016 09:52 SA

Chưa bao giờ, DN dệt may lại phải đối mặt với nhiều khó khăn như hiện nay. Trước dự báo khó khăn sẽ còn tiếp tục kéo dài sang năm 2017, một trong những giải pháp hàng đầu mà DN dệt may cần tính đến đó là đầu tư cho công nghệ sản xuất.

 

Nhiều doanh nghiệp dệt may vẫn đang loay hoay tìm kiếm đơn hàng. Ảnh: Trần Việt.

Tăng trưởng thấp nhất trong vòng 10 năm

Khác với những năm trước, XK dệt may của Việt Nam năm nay có sự sụt giảm đáng kể, DN liên tiếp đối mặt với khó khăn. Hết tháng 10, XK dệt may ước đạt 23,3 tỷ USD, chỉ tăng 4,8% so với cùng kỳ năm 2015. Đây là con số tăng trưởng thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Cho đến thời điểm này, có thể khẳng định, XK dệt may không thể đạt được mục tiêu đặt ra từ đầu năm là 31 tỷ USD. Nhiều khả năng, con số này chỉ đạt 28-29 tỷ USD.

Thực tế diễn ra từ đầu năm cho thấy, do nền kinh tế thế giới chưa phục hồi nên nhu cầu tiêu dùng của nhiều thị trường lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản… chưa có tín hiệu phục hồi, người tiêu dùng thế giới có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Vì thế, XK dệt may sang các thị trường chính chỉ tăng nhẹ. Cụ thể, XK dệt may sang Mỹ đạt gần 10 tỷ USD, tăng 4,37%; EU đạt gần 3 tỷ USD, tăng 2,46%; Nhật Bản đạt gần 2,5 tỷ USD, tăng 4,61% và Hàn Quốc đạt hơn 2,2 tỷ USD, tăng 5,34% so với cùng kỳ năm trước. Nhu cầu thị trường giảm kéo theo tình trạng đói, thiếu đơn hàng của DN dệt may Việt Nam diễn ra thường xuyên. Có những DN đang hoạt động cầm chừng, thậm chí phải “vơ bèo gạt tép” để sống qua ngày, chấp nhận lỗ.

Đáng chú ý, năm nay, DN dệt may còn phải “đứng nhìn” tình trạng đơn hàng chạy sang các thị trường Campuchia, Ấn Độ, Bangladesh, Myanmar… Nguyên nhân là do các nước này đã nhanh chóng đưa ra những chính sách hỗ trợ DN trong nước như phá giá đồng tiền và hỗ trợ DN về thuế… khiến cho giá cả hàng hóa của Việt Nam kém cạnh tranh.

Tình trạng này được ông Lê Tiến Trường, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) nhìn nhận sẽ còn kéo dài sang năm 2017 bởi các nước này sẽ tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ DN dệt may của họ như đã làm trong năm 2016, đặc biệt là chính sách phá giá đồng nội tệ nhằm đẩy mạnh XK, thu hút khách hàng. Ông Trường cho biết, trong năm 2017, dự báo tổng cầu dệt may thế giới vẫn sẽ tăng trưởng chậm. Đặc biệt với việc Anh rời EU và việc trước khi đắc cử Tổng thống Mỹ, ông Donald Trump tuyên bố không ủng hộ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến kim ngạch XK dệt may Việt Nam sang 2 thị trường lớn là EU và Mỹ.

Đầu tư cho công nghệ sản xuất

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt, tình trạng khan hiếm đơn hàng đang xảy ra phổ biến thì vẫn có những DN đứng vững trước sóng gió. Chia sẻ về kinh nghiệm duy trì phong độ trong “cơn bão” thiếu đơn hàng thời gian qua, ông Thân Đức Việt, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, chính việc mạnh tay đầu tư cho thiết bị mới và dây chuyền sản xuất tự động đã giúp May 10 tăng năng suất lao động, giảm chi phí đầu vào. Vị này dẫn chứng, trước kia 1 chuyền sản xuất áo sơ mi May 10 phải dùng đến 2 công nhân thùa khuyết, 1 công nhân đính cúc nhưng sau khi sử dụng gá lắp một số thiết bị phụ trợ thì 1 công nhân có thể làm việc của 3 người. Năng suất lao động từ đó cũng tăng gấp 3. Ngoài ra, May 10 còn đầu tư máy cắt tự động, đảm bảo độ chính xác cao và đồng đều của sản phẩm.

Trên thực tế, việc đầu tư cho công nghệ sản xuất đang là mục tiêu được DN dệt may Việt Nam hướng đến. Đặc biệt, khi thị trường tiêu dùng có dấu hiệu bão hòa, yêu cầu về mẫu mã, chất lượng sản phẩm ngày một cao trong khi giá đơn hàng ngày một thấp, việc đầu tư cho công nghệ để nâng cao năng suất lao động, tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và đầu tư cho công nghệ sản xuất mới, tiên tiến hiện đại là giải pháp được ưu tiên hàng đầu. Giới chuyên gia cho rằng, đây cũng chính là giải pháp để dệt may Việt Nam tự tìm đường vượt qua “cơn bĩ cực” được nhận định còn kéo dài đến quý 3-2017, đồng thời về lâu dài giúp DN tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Nói về vấn đề này, ông Park Jun Ho, Giám đốc Văn phòng đại diện Viện Nghiên cứu Công nghệ công nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam nhận định, việc đầu tư cho công nghệ sản xuất là lộ trình phải thực hiện nhằm tăng năng lực sản xuất. Hiện Việt Nam chưa có khu công nghiệp chuyên biệt mang tính khép kín dành cho dệt may. Trong khi đó, vòng đời sản phẩm thời trang rất ngắn, chỉ khoảng 2 tuần là nhà phân phối đã đưa ra yêu cầu về sản phẩm mới. Do đó, nếu không có một vùng hay khu công nghiệp chuyên biệt nhằm kết nối chặt chẽ công đoạn sản xuất, Việt Nam có thể xây dựng những vùng tập trung cho dệt may nhằm kết nối chặt chẽ các công đoạn, đáp ứng nhanh chóng mọi yêu cầu của nhà NK.

Song song với việc đầu tư công nghệ sản xuất để tăng năng lực cạnh tranh, DN cũng cần xác định hoạt động chiến lược là tập trung cho hoạt động xúc tiến thương mại nhằm tìm kiếm thêm thị trường. “Khi thị trường bão hòa, nếu chúng ta vẫn tiếp tục làm qua khâu trung gian thì sẽ không còn khả năng cạnh tranh. Do đó, phải nỗ lực đẩy mạnh khả năng giao dịch trực tiếp, đáp ứng nhanh yêu cầu của khách hàng, đặc biệt đẩy nhanh tiến độ giao hàng nhằm tạo lợi thế cạnh tranh”, ông Hoàng Vệ Dũng, Phó Tổng giám đốc Vinatex nói.

Theo: Phan Thu/Báo Hải Quan

» Gửi ý kiến của Bạn
Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.122.681
Khách
: 807
 
Dệt may tính kế vượt qua 'cơn bĩ cực' Rating: 5 out of 10 79511.
Core Version: 1.8.0.0