Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội dệt may Việt Nam trả lời báo chí tại buổi họp báo trước thềm đại hội nhiệm kỳ 2016-2020. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN
Tại cuộc họp báo trước thềm Đại hội Hiệp hội Dệt may Việt Nam lần thứ V nhiệm kỳ 2016-2020, tổ chức ngày 30/10, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, đề xuất cần xây dựng giải pháp chiến lược đào tạo đủ mạnh để tận dụng chất xám làm khoa học và công nghệ nhằm nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp trong ngành thời gian tới.
Cùng với đó, ông Vũ Đức Giang cho rằng phải xây dựng trung tâm thiết kế thời trang, đặt trọng tâm chiến lược là 2 trung tâm thiết kế cũng như xây dựng các thương hiệu chuẩn quốc gia để xâm nhập vào thị trường thế giới.
Với mục tiêu đưa ngành dệt may trở thành một trong những ngành công nghiệp trọng điểm, Hiệp hội Dệt may Việt Nam đang tích cực tham gia chiến lược phát triển ngành theo hướng đẩy nhanh việc hiện đại hóa, đảm bảo tăng trưởng nhanh, ổn định, bền vững và hiệu quả.
Theo ông Trương Văn Cẩm, Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam, trong nhiệm kỳ qua, bên cạnh việc củng cố từng bước theo hướng lấy mục tiêu phục vụ doanh nghiệp hội viên, phát triển hội viên trong cả nước, Hiệp hội thực hiện chức năng cầu nối giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý Nhà nước qua đó lắng nghe nguyện vọng, khó khăn, vướng mắc để phản ánh tới cơ quan quản lý.
Cũng theo ông Cẩm, là đầu mối xúc tiến thương mại của ngành, thời gian qua Hiệp hội đã xây dựng và phối hợp với Tập đoàn Dệt may Việt Nam, các đối tác, tổ chức nước ngoài triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại, đào tạo, hội nghị, hội thảo…cho các doanh nghiệp trong ngành góp phần thúc đẩy xuất khẩu tăng trưởng.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội Vũ Đức Giang cho rằng, để làm tốt vai trò Hiệp hội trong nhiệm kỳ mới, Hiệp hội phải tăng cường năng lực theo hướng chuyên nghiệp hơn; đổi mới phương thức hoạt động, phát triển hội viên, lấy mục tiêu vì lợi ích của các hội viên là trọng tâm.
Đặc biệt, khi đã tham gia vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), toàn ngành cần nỗ lực kêu gọi đầu tư cho khâu dệt, nhuộm, hoàn tất, phát triển chuỗi cung ứng cũng như tăng cường liên kết chuỗi nhằm tăng giá trị gia tăng trong sản phẩm xuất khẩu, phấn đấu đạt mục tiêu năm 2020 xuất khẩu đạt 42 tỷ USD, tỷ lệ nội địa hóa đạt gần 65%.
Dây chuyền sản xuất quần áo xuất khẩu tại Công ty TNHH PanKo Vina trong Khu công nghiệp Mỹ Phước 1, huyện Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Vũ Sinh-TTXVN
Theo đánh giá, Hiệp hội Dệt may Việt Nam hiện vẫn còn tồn tại những hạn chế như việc đào tạo phục vụ cho nguồn lực đang còn yếu, hầu hết các trường đại học chưa có sự chú trọng đối với lĩnh vực này nhất là về chuyên ngành thời trang. Không những vậy, việc xây dựng thương hiệu quốc gia để có thể ảnh hưởng tới nhãn hiệu ra tầm thế giới còn yếu, thiếu sản lượng nguyên phụ liệu.
Ngoài ra, còn thiếu tầm nhìn chiến lược trong hội nhập, vấn đề đầu tư chưa gắn kết với chuỗi phát triển trong nước dẫn đến tình trạng chỉ chú trọng xuất khẩu mà bỏ quên thị phần nội địa.
*Cũng trong khuôn khổ họp báo, Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng đã giới thiệu về Hội nghị Liên đoàn Thời trang châu Á (AFF) 2015 và Triển lãm Quốc tế Thời trang và Thiết bị nguyên phụ liệu ngành may 2015 sẽ diễn ra tại Hà Nội vào tuần cuối cùng của tháng 11 tới đây.
Mục đích của AFF là liên kết dệt may các quốc gia châu Á nhằm truyền bá, nâng cao lối sống, văn hóa, phong cách thời trang châu Á; quảng bá, xúc tiến thương mại và xuất khẩu thời trang châu Á sang các nước khác.
Cùng đó, AFF cũng là sân chơi chuyên nghiệp cho các nhà thiết kế trẻ, tài năng châu Á thử sức khơi nguồn sáng tạo qua các bộ sưu tập.
Song hành cùng AFF 2015, Triển lãm Quốc tế Thời trang và Thiết bị Nguyên phụ liệu may mặc 2015 nhằm thúc đẩy giao thương dệt may trong khu vực và là cơ hội giao thương giữa doanh nghiệp trong nước với bạn bè quốc tế./.
Uyên Hương/BNEWS/TTXVN