Mục đích hội thảo nhằm thảo luận, trao đổi ý kiến giữa các doanh nghiệp, trường đào tạo về nội dung, thời gian, phương pháp đào tạo cán bộ chuyền trưởng, tổ trưởng; những cách thức, giải pháp về liên kết, phối hợp giữa DN, nhà trường, Hiệp hội, VCCI… để nâng cao chất lượng đào tạo cán bộ cấp cơ sở ngành may cho doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó Tổng thư ký Vitas phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc hội thảo, Bà Mai cho biết, ngành Dệt may Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức to lớn để hội nhập mạnh mẽ và sâu rộng vào thị trường thế giới. Ngành dệt may được kỳ vọng sẽ có những điều kiện để mở rộng thị trường, gia tăng xuất khẩu, tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu… Tuy nhiên, đi kèm với các cơ hội to lớn đó, nhiều thách thức cũng đã được dự báo. Để có thể vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội, ngành Dệt may cần nguồn nhân lực vừa đủ về số lượng và đảm bảo chất lượng đáp ứng nhu cầu của DN, do vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Tại các doanh nghiệp, cán bộ chuyền trưởng, tổ trưởng đang là khâu trọng yếu, cần nâng cao chất lượng của đội ngũ này. Căn cứ thực tế đó, Ban Tư vấn nâng cao chất lượng đào tạo chuyên ngành dệt may chọn chủ đề về chương trình đào tạo cán bộ cấp cơ sở ngành may để các doanh nghiệp và trường đào tạo cùng trao đổi và đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo.
Bà Lương Thị Hương Thảo – Trưởng khoa Công nghệ May Trường Sonadezi tham luận
Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe đại diện các trường gồm: CĐ KT - KT Vinatex TP. HCM, ĐH Nguyễn Tất Thành và CĐ Sonadezi trình bày về nội dung, chương trình đào tạo chuyền trưởng, tổ trưởng của trường.
Ông Hoàng Quốc Long – Hiệu trường Trường TC Nguyễn Tất Thành tham luận
Qua trao đổi, chia sẻ, các đại biểu đều hoan nghênh việc tổ chức hội thảo. Đại đa số đều khẳng định rằng, Tổ trưởng, chuyền trưởng là khâu đặc biệt quan trọng, lãnh đạo DN phải quan tâm để nâng cao chất lượng đội ngũ này. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cũng nêu lên một số hiện trạng về đội ngũ CB cơ sở. Đó là: cấp chuyền trưởng vừa thiếu, vừa yếu, ít được cập nhật kiến thức, nhiều em không muốn làm chuyền trưởng, tổ trưởng mà muốn làm kỹ thuật, merchandiser… Nhiều DN cho biết, chủ yếu chỉ gây dựng được đội ngũ CB cơ sở từ nguồn nội bộ. Vấn đề thực tập tại DN, sinh viên mới được tham quan là chính…
Ông Mai Văn Thiên – Phó Ban QL Nguồn nhân lực Vinatex phát biểu
Đối với chương trình đào tạo của trường, các đại biểu DN cũng nhận thấy, nhà trường đã hiểu được DN, nội dung đào tạo được xây dựng trên những tình huống thực tế của DN. Đại diện Vinatex cho biết, Tập đoàn đã có khảo sát kỹ về nguồn nhân lực tại các DN và đã xây dựng cuốn Sổ tay chuyền trưởng - đang được nhiều DN và cơ sở đào tạo sử dụng. Có DN nêu kinh nghiệm, chọn trong số công nhân những người có đã có bằng CĐ, ĐH đưa đi đào tạo về chuyền trưởng may, ra làm việc rất hiệu quả.
Ông Lưu Phước Dũng – Hiệu trưởng Trường Sonadezi phát biểu
Từ những thực trạng trên, các đại biểu cũng đề xuất một số giải pháp như sau:
Đối với DN:
- Lãnh đạo DN phải quan tâm đến việc xây dựng đội ngũ CB cơ sở. Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho chuyền trưởng, tổ trưởng trong đơn vị.
- Chuyền trưởng có hồ sơ của từng công nhân (đặc điểm, kỹ năng, thói quen…), căn cứ vào đó, việc triển khai, cân bằng chuyền được nhanh chóng, thuận tiện.
- Tại DN cần tin học hóa, mỗi chuyền nên có máy tính. Cần cập nhật kiến thức, đối với công nhân nên có những buổi chuyên đề, đối với chuyền trưởng nên 2 năm cập nhật 1 lần.
- DN nên có đặt hàng về SV thực tập với trường, trường sẽ có định hướng với SV cho phù hợp. Khi SV đến thực tập, DN tạo điều kiện, theo dõi và hướng dẫn cho từng em trong tất cả những lần đi thực tập trong suốt quá trình đào tạo.
- DN cần những tổ trưởng có kỹ năng quản lý vốn tồn và nhịp độ SX.
- Phía DN sẵn sàng mời các trường đến tham quan, khảo sát, tìm hiểu văn hóa của DN và địa phương để đưa ra giải pháp.
Toàn cảnh hội thảo
Đối với Trường
- Xây dựng chương trình đào tạo sát với thực tiễn tại DN để khỏi bị lãng phí.
- Nhiều DN đã áp dụng Lean rất thành công. Việc áp dụng lean cho năng suất cao, muốn triển khai lean phải có sự đồng lòng từ trên xuống dưới. Cần đưa vào chương trình giảng dạy nội dung này.
- Đề nghị xây dựng chương trình không quá cao, phù hợp với trình độ của CN. Trong chương trình đào tạo phải có các Video minh họa.
- Nên bổ sung trong chương trình những nội dung về định hướng nghề nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, tâm lý, kỹ năng làm việc nhóm.
- Trong chương trình cần xác định rõ đối tượng đầu vào, chuẩn đầu ra, gửi cho DN và các trường khác để góp ý.
Kết thúc hội thảo, bà Mai nhấn mạnh, trường và DN phải thực sự gắn kết. Vitas, VCCI định hướng hoạt động là nhằm kết nối DN và trường. Ban Tư vấn nâng cao chất lượng đào tạo sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm theo những chủ đề thiết thực về đào tạo nguồn nhân lực. Vitas sẽ tổ chức đoàn các trường đến DN tham quan, khảo sát để đưa ra các giải pháp. Chương trình đào tạo của các trường cũng sẽ được gửi đến DN để tiêp tục lấy ý kiến đóng góp.
Một số hình ảnh tại hội thảo
Bài: Nguyễn Bình
Ảnh: Trí Võ, Nguyễn Bình