Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch VITAS tham dự lớp
Mục đích của lớp học thảo nhằm cập nhật thông tin và hướng dẫn về quy tắc xuất xứ trong CPTPP cho cộng đồng doanh nghiệp dệt may và nâng cao hiệu quả trong việc tiếp cận thị trường các nước thành viên Hiệp định CPTPP.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó TTK VITAS phát biểu khai mạc
Phát biểu khai mạc Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó TTK VITAS cho biết, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà Việt Nam tham gia ký kết đã có hiệu lực từ ngày 14/01/2019. Trên cơ sở đó, Bộ Công thương đã ban hành Thông tư số 03/2019/TT-BCT quy định thực hiện quy tắc xuất xứ (QTXX) hàng hóa trong CPTPP. Thông tư có hiệu lực từ 08/03/2019. Việc tìm hiểu cụ thể và tuân thủ chặt chẽ các quy tắc xuất xứ là phương thức giúp doanh nghiệp khai thác tối đa lợi ích từ Hiệp định CPTPP.
Bà Trịnh Thị Thu Hiền – Trưởng phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục XNK trình bày bày giảng
Tại khóa học, các học viên đã được nghiên cứu chuyên sâu về xuất xứ hàng hóa, những quy định về xuất xứ hàng hóa tại Hiệp định CPTPP, quy định về xuất xứ trong CPTPP được nội luật hóa tại Thông tư số 03/2019/TT-BCT. Các học viên cũng được hướng dẫn cách tra cứu và áp dụng những Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 03/2019/TT-BCT.
Ông Vũ Hùng Thịnh – Phó phòng Xuất xứ hàng hóa, Cục XNK trao đổi với học viên
Theo các chuyên gia của Cục XNK, quy tắc xuất xứ hàng hóa của CPTPP có một số điểm mới như: Quy tắc xuất xứ bộ hàng hóa; Quy tắc xuất xứ hàng tân trang, tái chế tạo; các cách tính RVC: tính RVC gián tiếp và RVC trực tiếp, và còn có thêm cách tính RVC theo trị giá tập trung và tính RVC theo chi phí tịnh (chỉ áp dụng với ô tô và phụ tùng ô tô); danh mục PSR được quy định chi tiết theo công đoạn sản xuất cụ thể. Có 3 danh mục PSR: danh mục PSR đối với mặt hàng dệt may, danh mục PSR đối với xe và các bộ phận, phụ kiện và danh mục PSR đối với các mặt hàng còn lại. Trong nội dung De Minimis, CPTPP quy định tỷ lệ “linh hoạt” cho phép nguyên liệu không có xuất xứ không đáp ứng quy tắc “Chuyển đổi mã số hàng hóa” ở mức tối đa 10% so với trị giá của hàng hóa. Riêng đối với hàng dệt may, tỷ lệ “linh hoạt” này ở mức tối đa 10% trọng lượng của hàng hóa hoặc 10% trọng lượng của loại sợi hoặc vải quyết định phân loại mã số hàng hóa.
Học viên phát biểu trong giờ hỏi đáp
Về cơ chế chứng nhận xuất xứ hàng hóa, hàng xuất khẩu từ Việt Nam áp dụng cơ chế C/O do cơ quan, tổ chức được Bộ Công thương ủy quyền cấp. Thời gian chuyển tiếp thực hiện cơ chế nhà xuất khẩu đủ điều kiện tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa được thực hiện từ 5 đến 10 năm theo hướng dẫn của Bộ Công thương. Cơ chế nhà nhập khẩu Việt Nam tự chứng nhận xuất xứ thực hiện sau 5 năm kể từ ngày CPTPP có hiệu lực. Mẫu C/O mẫu CPTPP cấp cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bao gồm các thông tin tối thiểu theo quy định tại Hiệp định CPTPP cũng được ban hành kèm theo Thông tư. Quy trình chứng nhận và kiểm tra xuất xứ hàng hóa của Việt Nam thực hiện theo quy định tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP ngày 08/03/2018 và các quy định khác có liên quan.
Trong quá trình hỏi đáp, các giảng viên cũng nhấn mạnh những điểm khác biệt về quy tắc xuất xứ của CPTPP trong bối cảnh so sánh với các FTA khác mà Việt Nam tham gia như ATIGA, AJCEP, VJEPA, AKFTA, VKFTA, … mà doanh nghiệp phải lưu ý trong khi thực hiện để được hưởng ưu đãi thuế quan từ CPTPP.
Toàn cảnh lớp học
Bài & Ảnh: Nguyễn Bình