Dự án cụm xí nghiệp sản xuất An Hưng có tổng vốn đầu tư 486 tỷ đồng, được xây dựng trên khu đất 33,37 ha, trong đó diện tích nhà xưởng chiếm khoảng 45,32% còn lại là đường nội bộ và cây xanh để tạo kiến trúc cảnh quan hiện đại, đáp ứng yêu cầu về xanh, sạch, đẹp. Tại đây dự kiến sẽ có 3 nhà máy sản xuất chính với quy mô công suất 8 triệu sản phẩm /năm. Đó là nhà máy sản xuất Veston với năng lực khoảng 600.000 bộ/năm, nhà máy woven - sản xuất hàng vải dệt thoi và nhà máy dệt kim – sản xuất hàng thời trang và thể thao.
Bà Huỳnh Thị Khiết – Chủ tịch HĐQT/TGĐ công ty phát biểu
Bà Huỳnh Thị Khiết – Chủ tịch HĐQT/TGĐ công ty cho biết, khu sản xuất tập trung này khi đi vào sản xuất sẽ giải quyết được hơn 4000 lao động địa phương, đạt kim ngạch xuất khẩu khoảng 50 triệu USD/năm. Việc hình thành cụm sản xuất tập trung tại đây tạo điều kiện để ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ tiên tiến, công nghiệp 4.0, áp dụng mô hình quản trị, sản xuất tinh gọn, là cơ hội để công ty thâm nhập sâu hơn trong chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu.
Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch VITAS phát biểu
Sau khi tóm tắt tình hình chung của ngành dệt may, Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch VITAS đã đề nghị với HĐQT công ty một số vấn đề về định hướng phát triển. Đó là: ANHUCO xây dựng chiến lược, đặc biệt tận dụng được 2 hiệp định CPTPP và EVFTA, mở rộng các thị trường tại EU và Hoa Kỳ. Việc sản xuất mặt hàng Veston là lựa chọn đúng đắn; ANHUCO có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu trong chiến lược phát triển bền vững, đặc biệt là nhân lực tại chỗ để thu hút khách hàng; ANHUCO xây dựng kết nối chuỗi cung ứng với các nhà cung cấp nguyên liệu, phụ liệu và thiết bị; Về năng lượng tái tạo, Ông Giang cho rằng ở đây nắng và gió nhiều, đầu tư điện mặt trời là phù hợp. Trong đầu tư, Công ty cần xác định mục tiêu tầm nhìn dài hạn cho giai đoạn 2040- 2050, đầu tư chuẩn mực, môi trường xanh, sạch, an toàn nhằm tiếp tục đưa công ty phát triển lên tầm cao mới trong giai đoạn hội nhập hiện nay. Chủ tịch VITAS cũng đề nghị BQL Khu kinh tế cũng như các ban ngành tại địa phương giúp đỡ, hỗ trợ để dự án của Công ty được triển khai thuận lợi, nhà máy đi vào sản xuất đúng tiến độ, tạo điều kiện giải quyết công ăn việc làm cho người dân địa phương, phát huy hiểu quả kinh tế xã hội của dự án và góp phần vào chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế của tỉnh Phú Yên.
Nghi lễ cắt băng động thổ dự án
ANHUCO được thành lập từ ngày tháng 01/2006, lĩnh vực hoạt động bao gồm: Sản xuất kinh doanh các sản phẩm may mặc, kinh doanh, xuất nhập khẩu các loại máy móc, thiết bị nguyên phụ liệu ngành dệt may. Tính đến nay, tổng số CB-CNV Công ty là 1.800 lao động. Quy mô hoạt động tăng từ 18 chuyền lên 32 chuyền may công nghiệp với 04 Xí nghiệp trực thuộc, 01 chi nhánh tại TP.HCM. Năng lực sản xuất của Công ty hiện nay trên 6 triệu sản phẩm/năm chủ yếu là nhóm hàng dệt thoi, trong đó mặt hàng trẻ em chiếm 70% bao gồm các dòng sản phẩm: Denim jean, Short, Scooter, váy, đầm, bộ thể thao các loại…, nhóm hàng người lớn chiếm khoảng 30% bao gồm: Jackets các loại, Sơ mi, quần tây. Các sản phẩm của An Hưng sản xuất phần lớn mang các nhãn hiệu nổi tiếng như: Kappa, P&C, Danny, Aigle, Dombi, Doberman, Bandolera, Ceasars, Calendo, Jake@s, Zara Jeans, Lacks, Merrn, Cherokee, Montego, Oshkossh, Circo, Tomcat, RN, Maine, Newbasic, Highsirea, Fjallraver,… Các sản phẩm của Công ty Cổ phần An Hưng không những được tiêu thụ trong nước mà còn vươn ra thị trường các nước Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… Từ 1 cơ sở sản xuất nhỏ, đến nay ANHUCO đã vươn lên trở thành một trong 500 doanh nghiệp phát triển nhanh nhất Việt Nam. ANHUCO đã vinh dự được Đảng và Nhà nước, các cấp, ngành, tổ chức trong và ngoài nước tặng thưởng nhiều danh hiệu, phần thưởng cao quý. Với việc đầu tư xây dựng Cụm xí nghiệp sản xuất An Hưng tại Khu kinh tế Nam Phú Yên, huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên, ANHUCO tiếp tục khẳng định chiến lược của mình theo hướng bền vững và hội nhập, góp phần xứng đáng vào sự phát triển của ngành dệt may Việt Nam.
Bài: Nguyễn Bình
Ảnh: Thanh Mai