Sáng ngày 9/12/2021, tại văn phòng VITAS Tp.HCM, Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas) - đã có buổi gặp gỡ và làm việc với đại diện các doanh nghiệp đến từ Công ty TNHH may Quốc tế Việt Nam Nhật Bản, Công ty CP Lông vũ Nam Vũ và Giám đốc Công ty TNHH Phannguyen.
Tại buổi làm việc, Ông Vũ Đức Giang đã thay mặt Hiệp hội trao giấy chứng nhận hội viên cho đại diện 3 công ty.
Ông Nguyễn Hồng Quang - Chủ tịch Công ty TNHH may Quốc tế Việt Nam Nhật Bản nhận giấy chứng nhận
Công ty TNHH may Quốc tế Việt Nam Nhật Bản chuyên sản xuất các mặt hàng: T-shirt, polo shirt nam nữ, quần áo tập gym nam nữ, quần lót nam... xuất khẩu Nhật Bản.
Ông Nguyễn Thế Anh - Trưởng VPĐD tại TP.HCM - Công ty CP Lông vũ Nam Vũ nhận giấy chứng nhận
Công ty CP Lông vũ Nam Vũ tự hào là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên sản xuất nguyên liệu lông vũ từ nguồn thủy cầm trong nước trên dây chuyền máy móc hiện đại được nhập khẩu hoàn toàn, độ tự động hóa cao, hệ thống xử lý nước thải theo tiêu chuẩn Nhật Bản. Các sản phẩm lông vũ của Nam Vũ đã đạt được Chứng nhận Tiêu chuẩn Lông vũ trách nhiệm xã hội (Responsible Down Standard). Việc sản xuất với nguồn nguyên liệu tại chỗ đang đem lại lợi thế cạnh tranh cho Nam Vũ trong bối cảnh chi phí Logistics và giá nhiên trên thế giới tăng cao.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Loan - Giám đốc Công ty TNHH Phannguyen nhận giấy chứng nhận
Công ty TNHH Phannguyen là công ty chuyên sản xuất vải dệt kim tròn. Với lợi thế nguồn cung cấp nguyên liệu sợi đầu vào từ công ty trong cùng hệ thống (Công ty TNHH Dệt Đông Tiến Hưng) nên các sản phẩm vải Interlock của Phannguyen có giá cả cạnh tranh.
Tại buổi làm việc, ông Vũ Đức Giang lắng nghe những chia sẻ của doanh nghiệp, những thuận lợi và những thách thức mà doanh nghiệp đang đối mặt. Ông khuyến nghị các doanh nghiệp nên có phương án sản xuất thích ứng linh hoạt, an toàn trong điều kiện bình thường mới, tứng bước áp dụng chuyển đổi số trong sản xuất và quản lý.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó tổng thư ký Vitas - rất hoan nghênh các công ty đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nguyên phụ liệu dệt may, đây là lĩnh vực Việt Nam còn thiếu hụt. Bà Tuyết Mai mong muốn tăng cường kết nối các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng dệt may Việt Nam, giúp các doanh nghiệp may mặc tận dụng được ưu đãi thuế quan trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Bài: Hoàng Lý Ảnh: Công Trí