Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 01/11/2024

Đăng ký nhận tin

VITAS đề xuất với Thủ tướng Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp dệt may

11/08/2022 01:50 CH
Sáng 11/8, VITAS đã tham dự Hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp có chủ đề "Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững" do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì. Hội nghị diễn ra theo hình thức trực tiếp tại đầu cầu Hà Nội, kết nối với nhiều đầu cầu trên cả nước. Cùng dự và điều hành Hội nghị có các Phó Thủ tướng Lê Minh Khái, Lê Văn Thành; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, địa phương cùng nhiều doanh nghiệp trên cả nước. 
Hội nghị toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp với chủ đề "Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững" - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Trình bày tại Hội nghị, ông Trương Văn Cẩm - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) cho biết, tình hình SXKD của các DN dệt may 7 tháng đầu năm 2022 có thể nói khá thuận lợi. Đơn hàng dồi dào, lực lượng lao động dần ổn định sau khi Việt Nam triển khai tiên Vacxin thần tốc và chuyển sang trạng thái bình thường mới, thích ứng linh hoạt với Covid-19. Toàn ngành dệt may đã đạt được kết quả khả quan. Tổng KNXK 7 tháng đầu năm 2022 ước đạt  26,55 tỷ USD, tăng 16,5% so với cùng kỳ năm 2021, tổng KNNK nguyên, phụ liệu dệt may 7 tháng ước đạt 15,48 tỷ USD tăng 7,9%. Kim ngạch xuất siêu đạt 11,07 tỷ USD, tăng 31% so với 7 tháng 2021. Giải quyết 1,9 triệu lao động công nghiệp với thu nhập khoảng 8,5 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, theo ông Cẩm, từ nửa cuối năm 2022, các DN đứng trước nhiều khó khăn thách thức, mặc dù toàn ngành vẫn giữ mục tiêu phấn đấu đạt 43,5 tỷ USD cho cả năm 2022.

Ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) chia sẻ tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đại diện VITAS cho biết, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam sẽ phải đối mặt với 3 thách thức lớn. 


Thứ nhất: Dệt may là ngành xuất, nhập khẩu rất lớn và chịu tác động trực tiếp bởi những biến động khó đoán định trên thế giới. Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… vẫn đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt chống dịch và ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, kinh tế khó khăn và tỷ lệ lạm phát tăng cao tại các thị trường tiêu thụ dệt may lớn như Mỹ, EU… làm cho sức mua các mặt hàng tiêu dùng, trong đó có hàng dệt may, giảm đáng kể, ảnh hưởng đến đơn hàng và đơn giá của các DN dệt may từ nay đến cuối năm 2022, nhiều DN rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng. Xung đột quân sự Nga – Ucraina vẫn đang diễn biến phức tạp, chưa có hồi kết ảnh hưởng đến một số thị trường của dệt may Việt Nam như tại Nga, Ucraina và các nước khác trong khu vực. 

Doanh nghiệp dệt may phải chịu chi phí tăng tới 20-25% do giá nguyên, nhiên, phụ liệu từ đầu năm đến nay đã tăng rất nhanh, cụ thể: giá dầu thô, giá xăng trong nước và thế giới biến động ở mức cao; chi phí vận tải cao gấp 3 lần so với bình quân 5 năm trở lại đây…Từ đầu năm đến nay, đồng nội tệ của của nhiều quốc gia trong khu vực mất giá khá lớn so với USD, ví dụ Nhân dân tệ mất giá 5,3%; Won Hàn Quốc 4,7%; Đài tệ 6%; Bath Thái 3,4% và Yên Nhật gần 16%, trong khi VNĐ chỉ mất giá 1,8% gây bất lợi cho các DN xuất khẩu.

Ngoài ra những thách thức đến từ các thị trường lớn của Việt Nam như Mỹ, EU cũng tạo nhiều áp lực cho doanh nghiệp trong thời gian tới như vấn đề truy soát nguồn gốc bông và các sản phẩm làm từ bông Tân Cương khi “Đạo luật phòng chống lao động cưỡng bức với người Duy Ngô Nhĩ” có hiệu lực từ ngày 21/06/2022 hay dự định thu phí Cacbon, yêu cầu về hàm lượng tái chế, tái sử dụng đối với hàng nhập khẩu tại thị trường EU.

Thứ hai: Dệt may là ngành thâm dụng lao động và chịu ảnh hưởng rất lớn do tác động của Covid-19. Nhiều NLĐ về quê đã không trở lại, việc tuyển lao động mới cũng gặp khó khăn và tăng chi phí đào tạo, năng suất của lao động mới tuyển thấp. Nhất là tình trạng nhiều NLĐ rút BHXH một lần, làm việc thời gian ngắn rồi xin nghỉ hưởng BHTN, đã gây mất ổn định lao động.

Thứ ba: Sau thời gian dài tập trung chống dịch và duy trì sản xuất ở mức có thể, nhiều DN dệt may đã rất khó khăn về vốn cho sản xuất kinh doanh, trong khi các gói hỗ trợ được Quốc hội thông qua 350.000 tỷ đồng chậm được triển khai, chính sách thuế, nhất là việc hoàn thuế của Nhà nước cho DN rất chậm làm cho DN càng thêm khó khăn.

Trước thách thức đặt ra, VITAS kiến nghị Thủ tướng, các bộ ngành quan tâm có biện pháp hỗ trợ, chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp. Cụ thể:


Thứ nhất: Đề nghị Chính phủ sớm phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành Dệt May và Da Giày đến năm 2030, tầm nhìn đến 2035” để tạo điều kiện hình thành các khu công nghiệp lớn có xử lý nước thải tập trung, có công nghệ tiên tiến, công nghệ xanh để thu hút đầu tư khâu dệt nhuộm giải quyết điểm nghẽn về vải cung cấp cho may XK, đáp ứng yêu cầu xuất xứ để ưu đãi thuế từ các FTAs.  

Thứ hai: Đề nghị bỏ quy định nộp thuế nhập khẩu tại chỗ cho hàng hóa dùng để sản xuất xuất khẩu (hiện nay phải nộp trước và hoàn sau) (Quy định tại NĐ 18/2021/NĐ-CP ngày 11/3/2021). Quy định này gây ra nhiều bất cập vì (i) không khuyến khích hàng sản xuất xuất khẩu; (ii) gây ra sự bất bình đẳng giữa hàng gia công xuất khẩu và hàng sản xuất xuất khẩu; (iii) DN phải nộp thuế VAT ngay (nếu chậm nộp phải phạt hoặc tính lãi), nhưng khi xuất khẩu xong thì việc hoàn thuế quá lâu, có DN đọng vốn 140 tỷ đồng cả năm nay như May Việt Tiến, 40 tỷ đồng May Phương Đông. Tiền lãi vay ngân hàng trong thời gian chậm hoàn thuế, DN cũng phải chịu.

Thứ ba: Đề nghị sớm triển khai thực hiện gói hỗ trợ phục hồi DN và gói hỗ trợ đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ viêc làm cho NLĐ nằm trong gói hỗ trợ 350.000 tỷ đồng. Đặc biệt, sớm triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 để DN đỡ khó khăn.  

Thứ tư: Để đảm bảo ổn định nguồn nhân lực cho sản xuất:

- Đề nghị Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi luật BHXH. Hiện tại tỷ lệ đóng quá cao, đặc biệt rà soát thời gian về hưu, điều kiện hưởng lương hưu cho phù hợp với khu vực sản xuất kinh doanh, tránh tình trạng NLĐ xin nghỉ hàng loạt để rút BHXH một lần gây biến động lao động rất lớn cho DN.


- Sửa đổi quy định hưởng trợ cấp thất nghiệp để tránh tình trạng lao động trẻ nhảy việc. Ví dụ, chỉ đi làm 12 tháng xin nghỉ để hưởng 3 tháng trợ cấp thất nghiệp gây mất ổn định lao động.

- Đề nghị Chính phủ có cơ chế hỗ trợ đào tạo giảng viên, sinh viên học dệt, nhuộm, chuyển đổi số tại các trường đại học, cao đẳng, vì đây là lĩnh vực đào tạo thời gian dài hơn, phức tạp hơn, chi phí tốn kém hơn không phù hợp với cơ chế tự chủ tài chính của các trường.

Thứ năm: Đề nghị Chính phủ, các Bộ:

- Có định hướng, khuyến cáo rủi ro, tháo gỡ vướng mắc liên quan đến cơ chế thanh toán, vận chuyển hàng hóa, chứng từ… cho DN xuất, nhập khẩu vào các nước khu vực và chung quanh khu vực có xung đột Nga – Ucraina.


- Làm việc với các nước và tỉnh bạn có chung đường biên, nhưng đang có chính sách chống dịch khác nhau, phối hợp giải quyết các vấn đề về di chuyển người, phương tiện, hàng hóa để tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất, nhập khẩu, đáp ứng nguồn cung nguyên, phụ liệu cho sản xuất, tránh đứt gãy chuỗi cung ứng

- Có định hướng giải quyết vấn đề liên quan đến Đạo luật chống lao động cưỡng bức người Ngô Duy Nhĩ của Hoa Kỳ. Hiện tại các DN rất lúng túng.

Thứ sáu: Hiện nay có tình trạng cán bộ lãnh đạo DN nhận được nhiều cuộc gọi, tin nhắn khủng bố đòi nợ, do công nhân của DN vay tín dụng đen. Đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc để chấm dứt tình trạng này.

Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.367.829
Khách
: 1.156
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0