Phát biểu bên lề Hội nghị Bộ trưởng TPP tại Singapore ngày 20/5 vừa qua, Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo đã nói rằng Mexico, Hoa Kỳ và Việt Nam đang tiến gần hơn đến một thỏa thuận về dệt may trong TPP.
Mặc dù không giải thích rõ ràng, nhưng những bình luận của ông Guarjardo cho thấy Mexico đang tiến gần hơn với Hoa Kỳ và Việt Nam trong việc lựa chọn sản phẩm nào sẽ được đưa và danh sách “nguồn cung thiếu hụt” thường xuyên hay tạm thời.
Danh mục thường xuyên - permanent: bao gồm các nguyên liệu dệt may hiện không được sản xuất trong TPP và cũng không hi vọng được sản xuất trong tương lai. Do đó, các sản phẩm dệt may sử dụng nguyên liệu trong danh mục này sẽ luôn được áp dụng quy tắc “cắt và may”
Danh mục tạm thời – temporary: bao gồm các nguyên liệu hiện không được sản xuất trong TPP nhưng có thể sẽ được sản xuất trong tương lai, và vì thế các sản phẩm dệt may sử dụng nguyên liệu trong danh mục này sẽ chỉ được áp dụng quy tắc “cắt và may” trong một khoảng thời gian (khoảng 3 năm).Theo các nguồn tin, Hoa Kỳ và Việt Nam mong muốn đưa nhiều nguyên liệu vào danh mục nguồn cung thường xuyên nhưng Mexico chỉ muốn đưa các nguyên liệu này vào danh mục nguồn cung tạm thời với hi vọng rằng ngành dệt may của nước này sẽ sản xuất được các nguyên liệu đó trong tương lai.
Cũng trong ngày 20/5, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Michael Froman đã phát biểu rằng đàm phán về dệt may đang đạt tiến triển. “Tôi cho rằng dệt may là vấn đề mà chúng tôi vừa đạt được tiến bộ đáng kể dựa trên quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” và “danh mục nguồn cung thiếu hụt”. Hiện tại chúng tôi đang cùng làm việc để giải quyết các vấn đề chi tiết còn lại”
Tuy nhiên, dù Hoa Kỳ, Mexico và Việt Nam đạt được thỏa thuận về danh mục nguồn cung thiếu hụt, một số nguồn tin vẫn đặt câu hỏi liệu Việt Nam có chấp nhận một hiệp định mà tất cả các sản phẩm dệt may đều phải tuân theo quy tắc xuất xứ “từ sợi trở đi” với chỉ một ngoại lệ là danh mục “nguồn cung thiếu hụt”.
Theo một nguồn tin, Việt Nam cũng vừa yêu cầu đưa vào một danh sách các sản phẩm mà được áp dụng quy tắc xuất xứ “cắt và may” ngoài “danh mục nguồn cung thiếu hụt”, nhưng Hoa Kỳ đã từ chối yêu cầu này.
Theo đánh giá của trang Inside US Trade (Hoa Kỳ) nếu Hoa Kỳ, Mexico và Việt Nam thực sự sắp đạt được thỏa thuận về dệt may, thì đây sẽ là một tiến triển quan trọng trong đàm phán TPP bởi Việt Nam đã thể hiện rõ ràng mối liên hệ giữa việc có chấp nhận các quy định cao hơn về sở hữu trí tuệ và doanh nghiệp nhà nước với việc có đạt được tiếp cận thị trường tốt hơn cho các sản phẩm dệt may hay không.
Nguồn: Trung tâm WTO-VCCI