TPP đang ở những vòng đàm phán cuối cùng với kỳ vọng sẽ sớm ký kết trong năm nay, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập và chiếm lĩnh các thị trường lớn, trong đó có Hoa Kỳ.
Tiếp cận trực tiếp người tiêu dùng
Hiệp định TPP đang được kỳ vọng sẽ tạo làn gió mới cho tất cả các doanh nghiệp (DN) Việt Nam, kể cả DN xuất khẩu hay đầu tư, kinh doanh. Theo ông Đặng Đức Dũng- chuyên gia tư vấn đầu tư, nguyên Phó Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội- TPP sẽ mang lại nhiều lợi ích cụ thể cho DN. Trước hết, các nhà sản xuất, xuất khẩu Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận với phản hồi của người tiêu dùng. Đây là vấn đề rất quan trọng đối với người kinh doanh. Mặc dù các sản phẩm may mặc, thủy sản, da giày, đồ gỗ… của Việt Nam đã hiện diện rất nhiều tại thị trường Hoa Kỳ nhưng hầu như DN Việt không có cơ hội kết nối trực tiếp với người tiêu dùng. Bởi lẽ, hàng Việt phải “đi qua” các nhà buôn, nhà bán lẻ của các nước chủ yếu nói tiếng Hoa- ông Dũng cho biết.
Nhưng với TPP, DN Việt có thể đưa hàng trực tiếp tới tay người tiêu dùng nhờ các công ty phân phối riêng của người Việt. Qua đó, các nhà sản xuất Việt Nam có thể biết khách hàng phản hồi như thế nào về hàng hóa, sản phẩm của mình, từ đó cải tiến chất lượng, mẫu mã, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Canada- vị chuyên gia đầu tư phân tích.
Chủ động lựa chọn đối tác
TPP đi vào thực tế sẽ giúp các DN xây dựng chuỗi cung ứng dễ dàng hơn, bởi ngoài tiếp cận với người tiêu dùng Hoa Kỳ, DN còn có danh sách dài các đối tác để lựa chọn. Theo kinh nghiệm của ông Dũng, các nhà xuất khẩu Việt Nam phải qua bên thứ 3 là các nhà buôn từ nước khác, nên bị ép giá là chuyện thường. Nhưng với TPP, DN Việt có thể chủ động chọn lựa nhiều đối tác.
Hơn nữa, ông Dũng còn cho biết, các công ty Việt Nam đặt văn phòng tại Hoa Kỳ có thể tiếp xúc với bất kỳ ai, bán hàng cho đại lý của các vùng mà không bị hạn chế cũng như bị ràng buộc bởi các yêu cầu về độc quyền. Việc xây dựng chuỗi cung ứng của người Việt sẽ trở nên thuận lợi hơn nhờ chủ động được đối tác và tiếp cận trực tiếp với khách hàng Hoa Kỳ- những người tiêu dùng khó tính.
TPP không chỉ mở ra cánh cửa với DN sản xuất, xuất khẩu mà còn đem đến cơ hội lớn cho các nhà đầu tư muốn đổ vốn vào Hoa Kỳ. Theo ông Trần Anh Vương- Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội- Hoa Kỳ là một trong những nước có môi trường đầu tư hấp dẫn, minh bạch và cạnh tranh. Với TPP, DN Việt Nam có thể dễ dàng tham gia liên doanh đầu tư vào các dự án, hoặc tự đầu tư. Tuy nhiên, đầu tư dự án tại Hoa Kỳ phải có yếu tố sáng tạo. “Đầu tư sức người sức của vào quốc gia này sẽ không đi đến đâu nếu không có sáng tạo”- ông Vương lưu ý.
Mặt khác, khi đầu tư, kinh doanh tại Hoa Kỳ, luật pháp là một trong những điều DN cần đặc biệt quan tâm. Hoa Kỳ có đội ngũ luật sư đông đảo và chuyên nghiệp nên bất cứ vấn đề gì cũng có thể đem ra kiện. Theo ông Bill Delaney- luật sư chuyên về thương mại quốc tế- DN nên tìm “người đồng hành” là các luật sư trong quá trình đầu tư tại Hoa Kỳ nhằm tránh các rủi ro pháp lý.
Về vấn đề này, ông Dũng cho biết thêm: “Xét về luật pháp Hoa Kỳ, DN khó thâm nhập vào được, song nếu đã vào thì sẽ được cạnh tranh bình đẳng”.
(Theo báo Công Thương)