Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 01/11/2024

Đăng ký nhận tin

Hội thảo Giải pháp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam

27/11/2016 02:18 CH

Ngày 25/11/2016, tại TP. Hồ Chí Minh Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo “Giải pháp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam” với sự tham dự của 20 đại diện đến từ các bộ, ban, ngành; lãnh đạo 40 địa phương trên cả nước và hơn 200 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ngành hàng, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư Nguyễn Văn Hiếu, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm.

 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo hội thảo

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh: "Chúng ta thực hiện công cuộc đổi mới với quá trình phát triển nền kinh tế thị trường làm định hướng. Chính từ động lực của nền thị trường tạo ra tăng trưởng kinh tế mạnh trong thời gian dài, đưa nền kinh tế chậm phát triển quy mô nhỏ thành nền kinh tế quy mô khá, từ nước kém phát triển trở thành nước thu nhập trung bình... Tuy nhiên, khi nhìn lại mục tiêu phát triển kinh tế trong quy mô dài hạn thì quy mô nền kinh tế còn nhỏ, chất lượng tăng trưởng chưa cao, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp làm ảnh hưởng đến yếu tố phát triển bền vững. Phát triển dựa vào khai thác tài nguyên khoáng sản, lao động năng suất chưa cao, cơ cấu giá trị sản phẩm, cơ cấu nội địa sản xuất trong nước còn thấp, còn gia công”.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Bộ Công Thương và các DN tham gia hội thảo tập trung trao đổi về những giải pháp phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) dựa vào nội lực của DN trong nước, xây dụng cầu nối để gắn kết DN với các nhà khoa học. Đồng thời, yêu cầu các DN đầu tàu phát huy tốt hơn nữa vai trò chủ lực của mình, trong việc cùng phát triển ngành CNHT. "Chú trọng trao đổi về những vấn đề DN cần và nhà nước có thể làm được, để hỗ trợ ngành CNHT ngày càng phát triển tốt hơn, mạnh hơn, góp phần tăng quy mô cho nền kinh tế, nâng cao giá trị gia tăng trong phát triển sản xuất công nghiệp, giải quyết công ăn việc làm nhiều hơn", Phó Thủ tướng nhấn mạnh. 

 

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, các Thứ trưởng Bộ Công Thương, Bộ Khoa học & Công nghệ, Bộ Kế hoạch & Đầu tư, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP.Hồ Chí Minh chủ trì hội thảo

Tại hội thảo, các đại biểu được nghe tham luận của Vụ Công nghiệp nặng về Thực trạng Công nghiệp hỗ trợ, đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn tại Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam; Tham luận của Hiệp hội Dệt May Việt Nam về “Giải pháp phát triển công nghiệp ngành Dệt May Việt Nam”; Tham luận của Hội Cơ khí TP.HCM với chủ đề “Cơ khí Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất của doanh nghiệp lắp ráp”; Tham luận của Hiệp hội Da giày Việt Nam trong việc Yêu cầu các nhà sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh đối với các doanh nghiệp phụ trợ cho ngành Da giày… Các đại biểu đã thẳng thắn nêu lên những thực trạng sản xuất Công nghiệp hỗ trợ hiện nay và kiến nghị, đề xuất các giải pháp với Bộ Công Thương, Chính phủ khi xây dựng và ban hành Quyết định về việc phê duyệt Chương trình phát triển CNHT từ năm 2016 đến năm 2025.

Theo ông Trương Thanh Hoài - Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương - hiện nay, ngành CNHT tại Việt Nam phát triển khá khiêm tốn. Chẳng hạn trong lĩnh vực CNHT ngành ôtô, tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ ngồi: mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005, 60% vào năm 2010, tuy nhiên đến nay mới đạt bình quân khoảng 7-10%. Tương tự, trong lĩnh vực CNHT ngành dệt may - da giày: Tỷ lệ giá trị gia tăng trong sản phẩm dệt may đạt thấp (tỷ lệ giá trị gia tăng năm 2015 đạt 51,1%). Ngành da giày tỷ lệ cung ứng chỉ khoảng 20- 25%, còn lại phải nhập khẩu, năng lực thiết kế mẫu mã còn yếu... Sở dĩ ngành CNHT chưa phát riển là do dung lượng thị trường nhỏ. Ngành công nghiệp vật liệu phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu. 

Ông Nguyễn Đức Thuấn - Chủ tịch Hiệp hội Da Giày Việt Nam - cho rằng, mặc dù là ngành có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao, song lâu nay, việc đáp ứng nguyên phụ liệu cho ngành da giày rất yếu. Hiện nguyên phụ liệu giày da mới đáp ứng 65-70%, giày thể thao 54-60%, túi xách 60-65%; thiết bị công cụ giày da chỉ khoảng 6-10%, giày thể thao 8-12%, túi xách 7-12%; về gia công phụ trợ thì giày da khoảng 1-3%, giày thể thao 3-5%... Khó khăn khi đầu tư vào CNHT da giày là nguồn vốn đầu tư rất lớn, từng DN sẽ không kham nổi khi đầu tư riêng lẻ, nguồn nhân lực làm chủ được các công nghệ mới trong ngành CNHT còn thiếu, các chính sách cho ngành CNHT thiếu cụ thể và chưa phát huy tác dụng…

 

Tiến sĩ Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam phát biểu

Tiến sĩ Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng: “Muốn phát triển CNHT cần phải tư duy lại con đường mình đi. Trong15 năm qua, chúng ta miệt mài bàn luận để phát triển ngành này nhưng cái quan trọng nhất là nhìn nhận cơ hội để tìm hướng đi đúng thì lại không nhắc đến. Bây giờ khoa học công nghệ thay đổi nhiều, cần phải nhìn ra cơ hội và tập trung bàn về tầm nhìn chứ không nên mổ xẻ những vấn đề manh mún, chắp vá".  

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam phát biểu

Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam cho biết, năm 2015, xuất khẩu trên 27 tỷ USD, thặng dự thương mại ngành dệt may trên 12 tỷ USD. Hiện nay ngành dệt may có trên 6.000 doanh nghiệp có quy mô từ 500 lao động trở lên, trong đó có 30% doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, thu dụng khoảng 2,5 triệu lao động. Khoa học công nghệ đang chiếm lĩnh ngành công nghiệp dệt may nhanh hơn da giày, đã có robot sản xuất áo sơ mi. Vì vậy, nếu không có chiến lược phát triển khoa học công nghệ thì VN sẽ mất cơ hội phát triển. Ông Giang cũng kiến nghị với Chính phủ, Bộ Công thương cần xác định rõ vị trí, vai trò của công nghiệp dệt may so với các ngành khác giai đoạn đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035 để có chính sách phù hợp trong trung và dài hạn. Đồng thời, nên quy hoạch các viện, trường nghiên cứu để xây dựng đội ngũ các nhà khoa học nghiên cứu các đề tài khoa học áp dụng thực tiễn để hỗ trợ cho DN sản xuất. Ngành dệt may nên quy hoạch thành các khu công nghiệp lớn để tập trung các DN dệt nhuộm vào một điểm để quản lý môi trường. Chính phủ nên dành nguồn vốn ODA cho các dự án công trình trọng điểm xử lý nước thải, các bộ ngành rà soát, bãi bỏ văn bản pháp lý không còn phù hợp để tạo điều kiện cho DN phát triển...

Kết luận Hội thảo, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao nỗ lực của Bộ Công Thương, các bộ, ban, ngành liên quan trong vai trò quản lý Nhà nước về ngành, luôn sát cánh cùng các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ và thúc đẩy ngành Công nghiệp hỗ trợ phát triển, là cơ sở để phát triển Công nghiệp nói chung, góp phần vào sự nghiệp Công nghiệp hóa - Hiện đại hóa đất nước. Phó Thủ tướng cũng ghi nhận những ý kiến, đề xuất của các bộ, ban, ngành, địa phương và đặc biệt là các doanh nghiệp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành các Quyết định và văn bản liên quan đến ngành Công nghiệp hỗ trợ một cách kịp thời, sát thực tiễn, mang lại hiệu quả và tính bền vững cao.

Cẩm Hà

» Gửi ý kiến của Bạn
Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.367.828
Khách
: 1.155
 
Hội thảo Giải pháp phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam Rating: 5 out of 10 159063.
Core Version: 1.8.0.0