Bà Đỗ Thái Hà – Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Bộ Tư pháp /Phó Chủ tịch Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính quốc gia (TVCC TTHCQG) và Ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Vitas đã chủ trì buổi hội thảo.
Bà Đỗ Thái Hà – Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính Bộ Tư pháp phát biểu
Phát biểu tại hội thảo, bà Đỗ Thái Hà nêu rõ mục đích tổ chức buổi hội thảo này là nghe các doanh nghiệp (DN) phản ánh hiện trạng quá trình thực hiện các thủ tục hành chính về kiểm tra chuyên ngành liên quan đến XNK hàng dệt may, đóng góp ý kiến, đề xuất những kiến nghị để thay đổi, điều chỉnh các thủ tục này nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn hoạt động XNK của DN. Trên cơ sở đó Hội đồng TVCC TTHCQG sẽ tổng hợp để báo cáo với Chính phủ và góp ý với các Bộ, ngành nhằm sửa đổi các Nghị định, Thông tư liên quan đến kiểm tra chuyên ngành cho phù hợp với tình hình hiện nay.
Ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Vitas trình bày các kiến nghị của Vitas
Phát biểu tại Hội thảo, Ông Trương Văn Cẩm đã trình bày tóm tắt những kiến nghị của Vitas đối với Chính phủ và các Bộ, ban, ngành về những vướng mắc trong kiểm tra chuyên ngành liên quan đến XCNK hàng dệt may và đề xuất phương án tháo gỡ. Đó là các vấn đề của DN dệt may về kiểm dịch động, thực vật khi XNK nguyên, phụ liệu; khó khăn trong việc nhập khẩu thiết bị ngành in; vướng mắc trong quá trình thực hiện kiểm tra hàm lượng formaldehyde và amin thơm theo Thông tư 37/2015/TT-BCT. Ông Cẩm cho biết nhiều DN dệt may trong nước đang gặp khó khăn vì quá nhiêu khê trong thủ tục, hồ sơ xuất nhập khẩu hàng dệt may. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay, cần có những cải cách mạnh mẽ trong thủ tục hành chính để vượt qua những điểm nghẽn, khơi thông dòng chảy, thúc đẩy XNK hàng dệt may.
Ông Trần Nam Phong – TGĐ Công ty Đầu tư phát triển quốc tế Thắng Lợi cho biết DN chuẩn bị nhập khẩu về một số thiết bị in nhưng đang vướng vì quy định bằng cấp. Điều kiện để có được giấy phép nhập khẩu này là DN dệt may phải bổ sung ngành nghề kinh doanh trên giấy phép kinh doanh của công ty và người đứng đầu DN phải có chứng chỉ về ngành in. Trong khi đó, công đoạn in chỉ là một khâu nhỏ trong cả quy trình sản xuất hàng dệt may. Bản thân TGĐ đã có bằng kỹ sư Công nghệ hóa nhưng vẫn không được nhập thiết bị in vì không có chứng chỉ về ngành in!
Ông Nguyễn Thái Hùng – Phó Chủ tịch Vitas phát biểu
Ông Nguyễn Thái Hùng – Phó Chủ tịch Vitas/Chủ tịch Chi hội Nam bộ nêu rõ cần đơn giản hóa thủ tục giúp cho DN giải phóng hàng nhanh, tiết kiệm cả thời gian lẫn chi phí. Cần tạo điều kiện cho DN tồn tại và phát triển. Ông Hùng cho rằng những kiến nghị của Vitas là xác đáng và hợp lý.
Ông Nguyễn Văn Xuân – Công ty CP Dệt may ĐT TM Thành Công cho rằng Thông tư 37 của Bộ Công thương có những quy định bất hợp lý và gây rất nhiều khó khăn cho DN. Ông Xuân cho biết, Thành Công bị hải quan cưỡng chế cho 1 lô hàng không phải của Thành Công và không do Thành Công khai báo mà do đại lý hải quan tự khai báo. Đây là một lỗ hổng nguy hiểm, cần có biện pháp ngăn chặn.
Theo Ông Đinh Phan Quang – GĐĐH Công ty CP May Phương Đông, hiện các DN Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt với DN các nước khác trong khu vực như: Lào, CPC, Myanmar… Chúng ta đang bị thua về năng suất, giá, quản trị… DN Việt Nam đang rất cần sự hỗ trợ của nhà nước để có thể phát triển. Về vấn đề kiểm tra sau thông quan, Ông Quang cũng đề nghị giảm thời hạn lưu trữ đối với nhiều loại tài liệu, thậm chí có loại chỉ cần lưu 1 đến 2 năm thay vì 5 năm hoặc lâu hơn. DN đang phải bố trí nhiều mặt bằng để làm kho lưu trữ.
Đại diện VCCI cũng đề xuất, cần chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, xã hội hóa công tác kiểm tra chuyên ngành, đồng bộ hóa các giải pháp giữa các cơ quan chức năng, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Ông Lê Quang Hùng – Chủ tịch HĐQT Công ty Garmex SG phát biểu
Ông Lê Quang Hùng – Chủ tịch HĐQT Công ty Garmex SG cho biết, để chuẩn bị cho TPP, hiện có nhiều DN nước ngoài đầu tư vào VN. Những phần lợi nhuận cao như thiết kế, thương hiệu … thì họ hưởng, còn phần lợi nhuận thấp như cắt, may… thì DN Việt Nam hưởng. Ông Hùng băn khoăn, hiện công nghiệp hỗ trợ trong ngành dệt may quá yếu. Nghị định của Chính phủ về công nghiệp hỗ trợ đã có, sau đó sẽ dừng lại hay triển khai tiếp? Về tăng lương tối thiểu, các khoản đóng BHXH, BHYT, kinh phí công đoàn đang là gánh nặng của DN. Ông Hùng đề nghị nhà nước dãn lộ trình tăng lương tối thiểu, để lại phần phí công đoàn tại DN. Chính phủ cần có những giải pháp, cải thiện những thủ tục hành chính … để hỗ trợ DN để giúp DN đứng vững và đủ sức cạnh tranh với DN nước ngoài. Còn nếu không, khi TPP và các FTA khác có hiệu lực thì nguy cơ hiện hữu là có nhiều DN vừa và nhỏ của VN sẽ bị chết trên sân nhà.
Đại diện các DN đều thấy rằng Thông tư 37/2015/TT-BCT ngày 30/10/2015 (thay thế Thông tư 32/2009/TT-BCT) quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyde và amin thơm chuyển hoá từ thuốc nhuộm azo đã gây nhiều khó khăn cho DN dệt may. Các đại biểu kiến nghị Bộ Công Thương xác định mặt hàng dệt may nhập khẩu để làm mẫu không thuộc đối tượng phải kiểm tra, kể cả kiểm tra hồ sơ và đưa mặt hàng này ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Thông tư 37. Đồng thời cần quy định rõ ràng để tránh hiểu lầm khi thực hiện Thông tư.
Toàn cảnh Hội thảo
Đại diện các DN dự họp đều thống nhất với những kiến nghị của Vitas và đề nghị Hội đồng TVCC TTHCQG, Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính Bộ Tư pháp tổng hợp và truyền tải đầy đủ các ý kiến đóng góp, kiến nghị của DN đối với những thủ tục hành chính về kiển tra chuyên ngành tới Chính phủ và các Bộ liên quan để những khó khăn, vướng mắc của DN được nhanh chóng tháo gỡ nhằm thực hiện Nghị quyết 19-2016/NQ-CP ngày 28/04/2016 của Chính phủ và tạo điều kiện cho DN phát triển trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt hiện nay.
Một số hình ảnh tại Hội thảo:
Bà Đỗ Thái Hà và Ông Trương Văn Cẩm chủ trì Hội thảo
Bà Nguyễn Thị Thúy Nga – Phó TGĐ Legamex phát biểu
Đại diện VCCI phát biểu
Ông Trương Văn Cẩm trả lời phỏng vấn
Bài và ảnh: Nguyễn Bình - Vitas