Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 01/11/2024

Đăng ký nhận tin

Hội thảo về in kỹ thuật số trong ngành thời trang và in vải

22/05/2017 02:34 CH

Ngày 18/05/2017 tại Trung tâm Triển lãm và Hội nghị Quốc tế Sài Gòn (SECC), Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) phối hợp với Hiệp hội In lụa & Đồ họa Châu Á (ASGA) tổ chức buổi hội thảo với chủ đề: Tổng quan về in kỹ thuật số trong ngành thời trang và in vải. Đây là một hoạt động bên lề Triển lãm Quốc tế Công nghệ In lụa và Kỹ thuật số 2017 (ASGA VIETNAM 2017), diễn ra từ ngày 18 - 20/5/2017. Mục đích của Hội thảo để giới thiệu về sự phát triển của ngành công nghệ in kỹ thuật số được ứng dụng rộng rãi trên vải và sản phẩm thời trang.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó Tổng thư ký VITAS cho biết, ngành dệt may Việt Nam vẫn có những vấn đề cần khắc phục như tỷ lệ nội địa hóa không cao, phụ thuộc rất lớn vào nguyên phụ liệu nhập khẩu, năng suất lao động thấp... Đó là do ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển tương xứng với sự phát triển của ngành may xuất khẩu cũng như các giải pháp công nghệ, quản trị SXKD trong doanh nghiệp chưa hiệu quả. Đặc biệt, khâu sản xuất vải, cụ thể là các công đoạn dệt, nhuộm, in, hoàn tất vải đang là “nút thắt cổ chai” trong toàn bộ chuỗi sản xuất cung ứng hàng dệt may.

 

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó Tổng thư ký VITAS phát biểu khai mạc

Để giải quyết được những khó khăn trên, khai thác tối đa các lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do, tạo sự phát triển bứt phá cho ngành dệt may Việt Nam, trong thời gian tới các doanh nghiệp cần có những giải pháp công nghệ quản trị tiên tiến, các công cụ hỗ trợ để quản lý toàn bộ chuỗi cung ứng. Bà Mai cho rằng, một trong những giải pháp quan trọng là sự hợp tác với các nước có trình độ cao về thiết bị, công nghệ cho ngành dệt may, để được chuyển giao và được đào tạo nhân lực có chất lượng cao mới có thể từng bước giải được bài toán về năng suất lao động, về việc tạo ra những sản phẩm mới tiết kiệm và thân thiện với môi trường, về quản trị doanh nghiệp cũng như phát triển công nghiệp hỗ trợ cho dệt may Việt Nam. Chính vì vậy, VITAS, ASGA và Vinexad phối hợp tổ chức Hội thảo “Tương lai của ngành công nghệ in kỹ thuật số ứng dụng trên vải”. Đây là cơ hội để các đại biểu nghe chuyên gia giới thiệu về những thiết bị, máy móc hiện đại, các giải pháp công nghệ mới về in trên sản phẩm dệt may trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.

 

Ông Johny Shell - Phó Chủ Tịch SGIA thuyết trình

Tại Hội thảo, Ông Johny Shell - Phó Chủ Tịch của Hiệp hội in Hình ảnh Đồ họa chuyên nghiệp Hoa Kỳ (SGIA) đã thuyết trình về “Công nghệ In trên vải” để chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về các kỹ năng trong công nghệ in trên vải và sản phẩm thời trang tiên tiến nhất.

 

Toàn cảnh hội thảo

Trao đổi tại Hội thảo, các đại biểu tham dự hoan nghênh việc VITAS và ASGA phối hợp tổ chức hội thảo. Trước một thực tại rằng, đa phần các doanh nghiệp tại Việt Nam chưa bắt kịp các công nghệ tiên tiến và xu hướng thiết kế hiện nay trên thế giới, việc tổ chức hội thảo là cần thiết và phù hợp, nhất là trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Đây không chỉ là dịp để các doanh nghiệp dệt may nắm bắt các xu hướng, thông tin mới trong công nghệ in kỹ thuật số, chia sẻ về những khó khăn, thuận lợi, cùng nhau đóng góp ý kiến về các giải pháp áp dụng công nghệ, giải pháp quản trị tiên tiến, nhất là trong các công đoạn dệt, nhuộm, in, hoàn tất vải trong từng đơn vị, mà còn là cơ hội để tìm hiểu thị trường, trao đổi, kết nối giao thương, tìm kiếm bạn hàng, mở rộng hợp tác đầu tư, chuyển giao công nghệ, tạo chuỗi cung ứng thực sự có hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu và thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Một số hình ảnh tại hội thảo và Triển lãm

 

 

 

 

 

 

 

Vài nét về Hiệp hội In lụa & Đồ họa Châu Á (ASGA) 

ASGA được thành lập năm 1994, có nhiệm vụ thúc đẩy các công nghệ in ấn hiện đại nhất gồm kỹ thuật số, in trên chất liệu đặc biệt và in lụa cũng như sự phát triển công nghệ in tại các quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương nhằm học hỏi và chia sẻ thông tin liên quan đến chuyên ngành và hợp tác thương mại trên phạm vi toàn cầu.

Đến nay, ASGA đã có sự tham gia của 11 quốc gia gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, Ấn độ, Philippines, Việt Nam, Nepal, Sri Lanka và Úc.

 Bài: Nguyễn Bình

Ảnh: Trí Võ

Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.367.817
Khách
: 1.144
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0