Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 01/11/2024

Đăng ký nhận tin

Hơn 200 người tham dự Diễn đàn Dệt May Việt Nam – Đài Loan 2021

27/09/2021 01:32 CH

Chiều ngày 24/09/2021, “Diễn đàn Hợp tác Dệt May Việt Nam - Đài Loan 2021" lần VI do Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) và Liên đoàn Dệt May Đài Loan (TTF) phối hợp tổ chức dưới hình thức trực tuyến trên hai nền tảng ứng dụng Webex và Youtube đã thu hút sự quan tâm của hơn 200 đại biểu của các doanh nghiệp, đơn vị, viện, trường dệt may - thời trang Việt Nam và Đài Loan.


Đây là sự kiện được tổ chức thường niên nhằm tăng cường sự hợp tác, tìm kiếm cơ hội đầu tư, thúc đẩy giao thương giữa các doanh nghiệp dệt may của Việt Nam và Đài Loan.

Tham dự sự kiện, về phía Đài Loan có sự góp mặt của Ông Chan Cheng Tien – Phó Chủ tịch Tổng hội công nghiệp toàn quốc Trung Hoa Dân Quốc (CNFI), Ông Huang Wei-Chi - Chủ tịch TTF, Bà Huang Zhuang Fang Rong - Phó Chủ tịch TTF. Về phía đầu cầu Việt Nam có sự tham dự của ông Phạm Tuấn Anh - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Bộ Công thương Việt Nam, Ông Võ Tấn Thành - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch VITAS, Ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch thường trực VITAS, Bà Hoàng Ngọc Ánh - Tổng Thư ký VITAS cùng nhiều lãnh đạo các doanh nghiệp dệt may của Việt Nam và Đài Loan.

Diễn đàn năm nay tập trung thảo luận vào hai chủ đề chính là "Quy trình sản xuất xanh - Nguyên liệu dệt may và Kỹ thuật bảo vệ môi trường" và “Quy định pháp luật về bảo vệ môi trường và hoạt động thực tế của ngành dệt may tại Việt Nam".
Chủ đề thứ nhất do hai diễn giả Đài Loan góp bài tham luận. Diễn giả Juang Shih Ping, CEO Jintex Group - chuyên sản xuất hóa chất thân thiện với môi trường - đã chia sẻ về những sản phẩm sinh thái đột phá đổi mới giúp giảm bớt gánh nặng nước thải cho các nhà máy so với hóa chất truyền thống. Những sản phẩm đột phá đổi mới này được sản xuất từ các nguồn nguyên liệu có thể tái sinh, có độ phân hủy sinh học cao, thân thiện với sức khỏe con người và không xung đột với môi trường, đạt đến khái niệm kinh doanh bền vững.

Diễn giả Huang Kuan Hua, CEO New Wide Group đã giới thiệu về Chuỗi cung ứng thông minh xanh, với sự kết hợp chặt chẽ của công nghệ 4.0 trong hệ thống quản lý. Cụ thể New Wide áp dụng Quản lý dữ liệu thông minh IDCC (Intelligent Data Control Center) tại các nhà máy ở Việt Nam và Campuchia, hình thành chuỗi cung ứng dệt kim, rút ngắn thời gian giao hàng; sử dụng nguồn năng lượng xanh tại địa phương (năng lượng mặt trời, nhiên liệu sinh khối Biomass từ tro trấu thay thế cho than đá); tối ưu hóa quản lý tiêu hao năng lượng tại nhà máy, hệ thống quản lý nước tuần hoàn với 8 bước xử lý giúp tái sử dụng nguồn nước nhiều lần; đồng thời liên tục nghiên cứu phát triển vật liệu mới bảo vệ môi trường nhờ hợp tác với các nhà cung cấp khoa học kỹ thuật bảo vệ môi trường hàng đầu thế giới.

Đến phiên chủ đề thứ hai, diễn giả Hoàng Ngọc Ánh, Tổng thư ký VITAS đã đưa đến cái nhìn tổng quan về ngành dệt may Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2021 với những biến động do ảnh hưởng cửa tình hình dịch bệnh Covid 19, dệt may Việt Nam trong nền kinh tế tuần hoàn, các yêu cầu về môi trường trong các Khu công nghiệp tuân theo Luật môi trường 2020.

Diễn giả Nguyễn Văn Kiểm, TGĐ KCN Bảo Minh đã đánh giá thực trạng công tác bảo vệ môi trường tại các KCN, đưa ra các định hướng về sản xuất xanh, bền vững về môi trường, đồng thời cũng nêu các kiến nghị đối với cấp quản lý cũng như với các doanh nghiệp đang sản xuất trong ngành dệt may.

Các bài tham luận trên đã nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu tham dự. Những câu hỏi được đặt ra xung quanh các vấn đề về môi trường như sự đổi mới về công nghệ và vải chức năng mới trong ngành dệt; công nghệ mới trong khâu nhuộm để giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường; nhuộm khô có thể thay thế cho quy trình nhuộm ướt hiện tại; việc chia sẻ kinh nghiệm xử lý nước thải tại những nhà máy đã thực hiện tốt; triển vọng của nguyên liệu sinh khối… Tuy nhiên, do thời gian có hạn nên những câu hỏi và thắc mắc của đại biểu mà chưa được trả lời ngay tại Diễn đàn sẽ được các diễn giả giải đáp sau bằng văn bản.

Diễn đàn hợp tác lần này đã kịp thời cập nhật xu thế phát triển chung của ngành dệt may Việt Nam nói riêng và dệt may toàn cầu nói chung, cùng hướng tới mục tiêu phát triển xanh bền vững; đồng thời giúp các doanh nghiệp định hướng phát triển trong thời kỳ dịch bệnh, linh hoạt phù hợp với sự biến động của tình hình thế giới.
Mục tiêu của dệt may Việt Nam đến năm 2030 là hình thành các trung tâm sản xuất vải, các xưởng sản xuất nguyên phụ liệu; theo đó, nhiệm vụ đào tạo nhân lực trong lĩnh vực dệt, nhuộm cũng sẽ được quan tâm xúc tiến để bắt kịp với nhu cầu thế giới. Các nhà đầu tư Đài Loan cũng sẽ có thêm cơ hội đầu tư và giao thương tại Việt Nam để thúc đẩy quan hệ hợp tác ngành nghề giữa hai bên.
Phát biểu kết luận Diễn đàn, Bà Huang Zhuang Fang Rong – Phó Chủ tịch TTF và Ông Trương Văn Cẩm – Phó Chủ tịch VITAS đã cảm ơn đối với các diễn giả cũng như toàn thể đại biểu đã tham dự Diễn đàn và góp phần làm cho sự kiện thành công tốt đẹp. Đánh giá cao sự phối hợp hiệu quả giữa VITAS và TTF trong thời gian qua, hai vị phó Chủ tịch cũng bày tỏ niềm tin vào sự hợp tác giữa ngành dệt may Việt Nam và Đài Loan sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.    

Bài: Quỳnh Anh
Ảnh: Trí Võ
Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.367.747
Khách
: 1.073
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0