Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 01/11/2024

Đăng ký nhận tin

Họp mặt doanh nghiệp dệt may khu vực Q. Tân Bình và TP. Thủ Đức

02/03/2023 05:18 CH
Ngày 28/02/2023, tại VP Công ty CP Dệt May Liên Phương, Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) và Công đoàn Hà Lan (CNV) đã phối hợp tổ chức họp mặt với lãnh đạo và đại diện công đoàn các doanh nghiệp dệt may khu vực Q. Tân Bình và TP. Thủ Đức, TP. HCM. Mục đích cuộc gặp mặt để trao đổi tình hình ngành dệt may VN, đề xuất các giải pháp trong năm 2023, kết nối chuỗi cung ứng dệt may, về dự án Thúc đẩy đối thoại xã hội (ĐTXH) tại nơi làm việc và thương lượng tập thể (TLTT) hiệu quả trong ngành dệt may và Thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) nhóm DN.
Tham dự buổi gặp mặt có bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó Tổng thư ký VITAS, Ông Phạm Chí Tâm – Phó CT Liên đoàn LĐ TP. HCM, Ông Nguyễn Phi Hổ - Phó ban CSPL Liên đoàn LĐ TP. HCM, đại diện lãnh đạo Liên đoàn LĐ TP. Thủ Đức và quận Tân Bình, Đại diện người sử dụng lao động và công đoàn cơ sở các doanh nghiệp dệt may khu vực Quận Tân Bình và TP. Thủ Đức. 

 

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó Tổng thư ký VITAS phát biểu

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – Phó Tổng thư ký VITAS cho biết, năm 2022 mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức nhưng kim ngạch xuất khẩu dệt may vẫn đạt 44,4 tỷ USD, tăng 9,7% so với năm 2021. Mới đây, Chính phủ đã phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035” tại QĐ số 1643/QĐ-TTg ngày 29/12/2022. Theo đó, mục tiêu tổng quát nhằm phát triển ngành Dệt may và Da giày là ngành chủ lực về xuất khẩu của nền kinh tế; đẩy mạnh sản xuất sản phẩm có chất lượng, có năng lực cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước; giữ vững vị trí trong nhóm các quốc gia sản xuất và xuất khẩu sản phẩm dệt may, da giầy hàng đầu thế giới. Đến năm 2035, ngành Dệt may và Da giày Việt Nam phát triển hiệu quả, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị sản xuất trong nước, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu… Về xu thế trong ngành dệt may, bà Mai nêu rõ, Chiến lược phát triển ngành Dệt may là hành lang pháp lý để Hiệp hội cũng như các doanh nghiệp xây dựng và triển khai chương trình phát triển cụ thể tại mỗi đơn vị. Chiến lược phát triển cũng như những yêu cầu của nhãn hàng đã đặt ra cho ngành dệt may VN những thách thức mới. Để có thể giữ được đà tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu, DN phải đáp ứng sự minh bạch về nguồn gốc, xuất xứ; phải tuân thủ các cam kết về lao động và môi trường trong FTAs. Doanh nghiệp phát triển bền vững phải đảm bảo 3 yếu tố gồm 3 chữ P: People (con người) – Planet (hành tinh) – Profit (lợi nhuận), tạo thế vững vàng như kiềng 3 chân. Bà Mai đặc biệt lưu ý các DN về những cam kết của Việt Nam trong các FTAs cũng như Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) về tiêu chuẩn lao động cơ bản, về ĐTXH và TLTT.

 

Bà Văn Trà My - Đại diện CNV chia sẻ

Đại diện Công đoàn Hà Lan (CNV) - Bà Văn Trà My đã khái quát dự án thúc đẩy ĐTXH tại nơi làm việc và TLTT thực chất trong ngành dệt may, tình hình phối hợp giữa những bên liên quan để triển khai dự án và mời các công ty tham gia TƯLĐTT nhóm DN. Bà My chia sẻ về các điểm cộng DN nhận được khi tham gia dự án: CNV cấp giấy chứng nhận Công ty đã thực hiện các Trách nhiệm xã hội (TNXH) với nội dung Đối thoại giữa công nhân với Ban lãnh đạo. Như vậy khi có đánh giá về TNXH, giấy chứng nhận này sẽ là ưu điểm; Thông tin về doanh nghiệp sẽ được truyền thông tới các khách hàng qua website, mạng xã hội của CNV và các tổ chức đối tác của CNV như May mặc Công bằng (Fair Wear), Sáng kiến Thương mại có đạo đức (Ethical Trade Initiative); Các đoàn xúc tiến thương mại sẽ được gợi ý thăm nhà máy từ phía CNV; Được đào tạo, tập huấn bởi các chuyên gia của Hà Lan và Việt Nam về kỹ năng giao tiếp, đối thoại, thương lượng, bộ luật lao động, luật tra soát chuỗi cung ứng; Khi tham gia chung 1 mạng lưới thì các DN sẽ có thể đi tham quan, học tập lẫn nhau để cải thiện mặt sản xuất, quản lý; Công nhân sẽ giảm tâm lý so sánh khi thấy các nhà máy khác áp dụng chung 1 chế độ chính sách giống nhau.

 

Ông Lê Thanh Liêm – Chủ tịch/TGĐ Công ty CP Dệt May Liên Phương phát biểu

Đại diện các công ty tham dự buổi gặp mặt đã chia sẻ những thực trạng hiện nay tại DN như: tình hình thiếu lao động; thiếu nguồn nguyên phụ liệu có xuất xứ từ Việt Nam, nhiều chi phí như nguyên phụ liệu, logistic...  đều tăng; áp lực tăng lương và đảm bảo thu nhập cho công nhân; Những vấn đề khó khăn thường gặp phải trong việc chuyển đổi số, sử dụng năng lượng tái tạo… Vấn đề xanh hóa dệt may thực tế triển khai ở ngành may dễ hơn, còn ngành sợi dệt nhuộm khó hơn nhiều vì đòi hỏi nguồn vốn lớn.

 

Ông Phạm Chí Tâm – Phó CT Liên đoàn LĐ TP. HCM trao đổi

Trong xu thế hiện tại, các đại biểu, chuyên gia cũng khuyến nghị với DN: con đường tất yếu là chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc, áp dụng tự động hóa, sử dụng năng lượng tái tạo, nước tuần hoàn, chấp nhận xu thế giảm lao động…; Lựa chọn mặt hàng, sản phẩm khác biệt, có chất lượng cao; Xây dựng thương hiệu; Tăng cường đối thoại và TLTT tại nơi làm việc, tham gia TƯLĐTT nhóm DN… Trong phạm vi ngành: cần có chương trình cụ thể phát triển sản xuất nguyên phụ liệu trong nước, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn mới; Cần có sự chung tay của Chính phủ, bộ, ngành cấp trung ương cũng như địa phương về chương trình hỗ trợ về vốn cho doanh nghiệp trong các dự án đầu tư sản xuất vải cũng như hệ thống xử lý nước thải. Có như vậy thì chương trình xanh hóa ngành dệt may mới được thực hiện có hiệu quả.

Các đại biểu tham dự cuộc họp đánh giá cao những nỗ lực của VITAS, CNV trong việc tổ chức cuộc gặp mặt. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp nắm bắt thêm những thông tin mới về tình hình ngành dệt may Việt Nam; Mở rộng giao lưu, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn vướng mắc tại doanh nghiệp; Trao đổi về những cách thức tăng cường hỗ trợ và kết nối chuỗi cung ứng, kinh nghiệm trong việc tham gia TƯLĐTT nhóm DN. Trên cơ sở đó, cùng nhau tìm giải pháp phù hợp để phát triển và đáp ứng tốt nhất những cam kết trong các FTAs, Công ước ILO vì lợi ích của mỗi DN, hướng tới xây dựng thành công thương hiệu dệt may Việt Nam bền vững trong thời gian tới.

Một số hình ảnh:

 

 

Bài: Nguyễn Bình
Ảnh: Hoài Sơn

Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.367.828
Khách
: 1.155
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0