Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Năm, 28/03/2024

Đăng ký nhận tin

Kinh tế Việt Nam đang hồi phục rõ nét

19/11/2014 10:02 SA
Nền kinh tế Việt Nam đang hồi phục rõ nét, đó là nhận định của ông Sanjay Kalra, Đại diện thường trú của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam, khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về triển vọng của nền kinh tế, cũng như những khuyến nghị của IMF với Chính phủ Việt Nam.

Ông có cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đang hồi phục?

Đúng như vậy. Nền kinh tế đang dần tăng trưởng trở lại, nhờ xuất khẩu và đầu tư nước ngoài đang tăng lên. Sức cầu trong nước cũng đang hồi phục do tích lũy tài sản mạnh hơn. Sức tiêu dùng – yếu tố đóng góp lớn nhất vào GDP – cũng tăng nhẹ. Từ quý I đến quý III năm nay, nền kinh tế đã tăng trưởng 5,6%. Chúng tôi kỳ vọng sẽ tăng trưởng khoảng 5,75% cho cả năm 2014.

Lạm phát cũng đã được kiềm chế ở mức 1 con số. Tài khoản vãng lai ngoại tệ đã thặng dư và dự trữ ngoại hối cũng đã tăng.

Ông Sanjay Kalra, Đại diện thường trú của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam

Mặc dù đã có những tiến triển củng cố ổn định vĩ mô như vậy, nền kinh tế vẫn có những dấu hiệu bất ổn từ bên ngoài. Các khó khăn trong nước vẫn tồn tại trong các ngành ngân hàng và nhiều doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả. Nợ công và nợ bảo lãnh chính phủ đã gia tăng đáng kể và rất cần được lưu tâm.

Vừa rồi, tổ chức xếp hạng uy tín quốc tế Fitch nâng xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành của Việt Nam đối với các trái phiếu không bảo đảm bằng đồng nội tệ và ngoại tệ từ mức “B+” lên mức “BB-”. Triển vọng dài hạn cũng được nâng lên từ mức “Tích cực” lên mức “Ổn định”. Nhưng theo ông, đâu là những khó khăn nhất đối với nền kinh tế hiện nay?

Việt Nam đã đạt và duy trì được ổn định kinh tế vĩ mô trong 3 năm qua. Một số tổ chức xếp hạng quốc tế đã công nhận thành tựu này và nâng hạng tín nhiệm đối với Việt Nam.

Theo tôi, việc cần nhất bây giờ chính là duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời, các nhà hoạch định chính sách cần tạo điều kiện để tăng trưởng đạt tới tiềm năng, tức là phải cao hơn mức tăng trưởng hiện tại. Sản xuất trong nước cũng cần đóng góp mạnh hơn cho tăng trưởng.

Chính phủ đã đặt mục tiêu tăng trưởng 6,2% và lạm phát khoảng 5% vào năm tới. Ông có cho rằng, các mục tiêu này là khả thi?

Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng cao hơn vào năm 2015, nhưng sẽ phụ thuộc vào động lực sản xuất trong nước và sức cầu bên ngoài.

Tốc độ hồi phục sản xuất sẽ phụ thuộc một phần vào việc cải thiện cân đối kế toán của người dân và doanh nghiệp. Các bảng cân đối kế toán của các ngân hàng cũng cần được cải thiện. Ngoài ra, giá gạo thế giới đã giảm, có thể sẽ ảnh hưởng tới thu nhập và tiêu dùng của các nông hộ. Phục hồi chậm của giá và triển vọng tăng trưởng trong ngành bất động sản vẫn ảnh hưởng tới đầu tư.

Trên thế giới, tăng trưởng vẫn thấp và bị ràng buộc bởi nhiều yếu tố bất định. Điều này sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu. Đồng thời, những diễn biến khác như việc thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN và việc sắp kết thúc đàm phán một số hiệp định thương mại tự do sẽ tạo cơ hội cho xuất khẩu của Việt Nam.

Về lạm phát, có một số yếu tố sẽ ảnh hưởng tới lạm phát vào năm tới.

Thứ nhất, nền kinh tế đang tăng trưởng dưới mức tiềm năng, cho nên áp lực lạm phát sẽ rất nhỏ.

Thứ hai, tỷ giá hối đoái hiện đang ổn định – nếu được tiếp tục duy trì – cũng sẽ là yếu tố tích cực.

Thứ ba, áp lực từ giá dầu và hàng hóa trên thị trường quốc tế được kỳ vọng sẽ kiểm soát được, do kinh tế thế giới hồi phục chậm. Với những yếu tố này, vào năm 2015, lạm phát vẫn có thể ở mức 1 con số.

Việt Nam hiện đang gặp nhiều rào cản trong việc đẩy mạnh tái cơ cấu ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước (DNNN) một cách hiệu quả. Khuyến nghị của IMF là gì, thưa ông?

Việt Nam đã có một số giải pháp đẩy mạnh cải cách khu vực ngân hàng, bao gồm việc giải quyết nợ xấu. Các giải pháp này bao gồm việc thành lập Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) và tái cơ cấu một số ngân hàng thương mại (NHTM). VAMC đã mua nợ xấu từ các NHTM, nhưng việc này cần phải đẩy nhanh hơn. Ngoài ra, quá trình giải quyết nợ xấu vẫn đang ở giai đoạn đầu. Để đẩy nhanh, VAMC cần có nhiều quyền hơn đối với việc giải quyết các tài sản thế chấp. Ngoài ra, các rào cản pháp lý đối với việc giải quyết các tài sản này cũng cần được dỡ bỏ. VAMC cũng cần cải thiện năng lực cán bộ trong việc giải quyết nợ xấu. Một thị trường mua bán tài sản này cũng cần được tạo ra nhưng cần phải có đủ người mua và người bán.

Tôi nghĩ, cần có một chiến lược rõ ràng và toàn diện về việc giải quyết các vấn đề về ngân hàng, trong đó bao gồm việc phân tích và kiểm tra trực tiếp tình hình mỗi ngân hàng, để biết số nợ xấu thực và nhu cầu tái vốn hóa. Các kế hoạch này cần được xây dựng riêng, phù hợp với từng ngân hàng. Ngoài ra, cần buộc các cổ đông chịu trách nhiệm về các khoản lỗ trước khi ngân hàng được bơm vốn mới, và cũng phải chịu trách nhiệm về giải quyết các tài sản xấu.

Việc tái cơ cấu các DNNN vẫn là một thách thức. Các kế hoạch tái cấu trúc đã được phê duyệt vẫn chưa được công khai và tiến độ thực hiện vẫn không đồng đều, đặc biệt là giữa các công ty con của các DNNN. Việc giám sát các DNNN của các cơ quan chức năng vẫn còn lỏng lẻo. Cần phải công khai tình hình tài chính của các doanh nghiệp này theo thông lệ kế toán quốc tế. Việc mở rộng phạm vi thoái vốn ngoài ngành sẽ tăng cường hiệu quả và tạo ra sân chơi bình đẳng cho khối doanh nghiệp tư nhân.

Nguồn: Baodautu
» Gửi ý kiến của Bạn
Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.086.233
Khách
: 1.217
 
Kinh tế Việt Nam đang hồi phục rõ nét Rating: 5 out of 10 138025.
Core Version: 1.8.0.0