Lý giải về việc nguồn vốn FDI gia tăng đột biến vào lĩnh vực dệt may, ông Hà cho rằng do thị trường dệt may toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng khoảng 3,5%, cùng với triển vọng ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Việt Nam, một số nhà đầu tư dệt may lớn của nước ngoài đã đầu tư nhà máy để đón đầu cơ hội.
Một số dự án được nhà đầu tư đăng ký từ British Virgin Islands hay Samoa, nhưng thực tế là những nhà đầu tư Trung Quốc và Đài Loan. Do đó theo các chuyên gia khả năng dây chuyền sản xuất của các nhà đầu tư này cũng sẽ được mang đến từ Trung Quốc và Đài Loan. Chẳng hạn như dự án của công ty Worldon là thuộc Tập đoàn may Trung Quốc Shenzhou International; hay Sheico Việt Nam thuộc tập đoàn Sheico của Đài Loan.
Nhờ đầu tư vào lĩnh vực dệt may tăng mà vốn FDI vào các KCX - KCN thành phố tăng rất cao. Ông Hà cho biết hiện còn nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực dệt may của các nước cũng đang làm việc với Hepza để đầu tư vào các KCN của thành phố. Như vậy, khả năng nguồn vốn FDI vào lĩnh vực dệt may của thành phố sẽ tiếp tục tăng lên cao.
Về đầu tư trong nước, theo Hepza, trong nửa đầu năm nay các KCX - KCN thành phố thu hút được hơn 1.447 tỷ đồng (khoảng 68,8 triệu đô la Mỹ) của 37 dự án mới và điều chỉnh tăng vốn, tăng 1,2% vốn so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính đến cuối tháng 6-2014, tại các KCX - KCN TPHCM có 1.302 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 8,078 tỷ đô la Mỹ. Trong đó có khoảng 520 dự án đầu tư FDI với vốn đăng ký 4,940 tỷ đô la Mỹ và hơn 780 dự án trong nước với vốn đăng ký là hơn 3,13 tỷ đô la Mỹ.
Có 1.068 dự án đang hoạt động; 24 dự án đang xây dựng cơ bản; 78 dự án chưa triển khai (trong đó 51 dự án trong thời hạn triển khai theo giấy phép, 9 dự án đã gia hạn thời gian triển khai, 18 dự án đã quá hạn); 66 dự án ngưng hoạt động; 38 dự án tạm ngưng hoạt động; 28 dự án đang thực hiện thủ tục giải thể.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của các KCX -KCN thành phố trong 6 tháng qua ước đạt 2,3 tỷ đô la Mỹ, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo Kinh Tế Sài Gòn