PMI sản xuất tháng 8 về sát mốc 50 sau 4 tháng giảm tốc liên
Dữ liệu PMI mới nhất được HSBC công bố cho thấy điều kiện kinh doanh của Việt Nam tiếp tục được cải thiện với tốc độ chậm hơn tháng 7.
Lần đầu tiên trong 9 tháng qua, đơn đặt hàng mới sụt giảm nhẹ trong khi tồn kho thành phẩm tăng chậm. Các quy định về trọng tải xe tiếp tục ảnh hưởng đến chi phí đầu vào và kéo dài thời gian giao hành trong tháng 8 của các nhà sản xuất. Sản lượng sản xuất tăng trưởng với tốc độ chậm nhất trong 11 tháng qua.
Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam của HSBC giảm xuống 50.3 điểm từ mức 51.7 điểm của tháng 7. Đây là tháng thứ 4 liên tiếp chỉ số này suy giảm và là mức thấp nhất từ tháng 11 năm 2013. Hay điều kiện kinh doanh của Việt Nam cải thiện yếu nhất từ đó đến nay.
“Sự suy giảm của đơn đặt hàng mới do nhu cầu xuất khẩu yếu và các điệu kiện nội bộ đã được dự báo trước. Tăng trưởng hàng tồn kho và số lượng đơn đặt hàng mới thấp sẽ làm sản lượng tăng chậm trong các tháng tiếp theo. Điều này hy vọng có thể được cải thiện tốt hơn trong quý IV” – Báo cáo của HSBC bình luận.
Ernst & Young hạ dự báo GDP Việt Nam từ 6,4% xuống 6%
Ernst & Young (EY), một trong những công ty kiểm toán lớn nhất thế giới, vừa công bố dự báo triển vọng quý 2/2014 đối với 25 nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, trong đó có Việt Nam.
Đối với thị trường Việt Nam, trái ngược với dự báo lạc quan hồi quý 1/2014, EY lần này tỏ ra khá thận trọng, trong bối cảnh triển vọng thương mại châu Á không được khả quan, cùng với đó là những diễn biến xoay quanh vấn đề chủ quyền lãnh hải với Trung Quốc.
Theo đó, EY đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2015 từ 6,4% trong bản báo cáo hồi tháng 2, xuống còn 6,0%. Tuy nhiên, trong trung hạn, tăng trưởng được kỳ vọng sẽ bật trở lại mức 6-7%/năm trong giai đoạn 2016 - 2017, nhờ đầu tư trực tiếp từ nước ngoài rót về và xuất khẩu tiếp tục được đẩy mạnh.
Theo nhận định của EY, việc thay đổi cơ cấu nguồn vốn FDI mở rộng cơ hội đầu tư vào các lĩnh vực dệt may cao cấp và công nghiệp ngoài ngành dệt may nơi mà xuất khẩu ít chịu biến động giá.
Việt Nam tăng 2 bậc trong xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu
Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) vừa công bố Báo cáo về năng lực cạnh tranh toàn cầu 2014 – 2015. Theo xếp hạng của WEF, Thụy Sỹ tiếp tục đứng đầu danh sách, tiếp đến là Singapore và Mỹ.
Trong top 20 quốc gia có 5 đại diện từ châu Á, trong đó, Singapore thứ 2, Nhật Bản thứ 6, Hong Kong thứ 7, Đài Loan thứ 14, Malaysia thứ 20 trong số 144 nền kinh tế được khảo sát. Việt Nam xếp ở thứ 68, nâng 2 bậc so với năm 2013 – 2014.
Trong khu vực, Philippines xếp thứ 52 (tăng 7 bậc), Trung Quốc thứ 28 (tăng 1 bậc), Thái Lan thứ 31 (tăng 6 bậc).
Theo nhận định của WEF, sau khi ghi nhận tỷ lệ lạm phát ở mức 2 con số vào năm 2011, kinh tế vĩ mô của Việt Nam tiếp tục được cải thiện (xếp thứ 75, tăng 12 bậc) khi lạm phát giảm còn 6,6%.
Các doanh nghiệp trong khu vực công cũng được đánh giá tốt hơn cả về vấn đề bảo vệ bản quyền (thứ 104, tăng 9 bậc), hiệu quả hoạt động cải thiện (thứ 91, tăng 13 bậc).
Nhập khẩu từ Trung Quốc năm 2014 sẽ cán mốc 40 tỷ USD
Số liệu thống kê từ Bộ Công thương cho biết, đến hết tháng 8/2014 tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của nước ta từ thị trường Trung Quốc đạt khoảng 27,06 tỷ USD, tăng 15,77% so với cùng kỳ năm ngoái.
8 tháng Việt Nam đã nhập siêu từ thị trường Trung Quốc lên đến 17,26 tỷ USD, trung bình mỗi tháng kim ngạch nhập siêu là 2,16 tỷ USD/tháng.
Tuy nhiên, với nhu cầu tiêu dùng thường tăng trong những tháng cuối, cơ quan này dự báo kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Trung Quốc tăng mạnh. Tổng kim ngạch nhập khẩu trong năm 2014 sẽ chạm mốc 40 tỷ USD, trung bình trong 4 tháng cuối năm mỗi tháng kim ngạch nhập khẩu đạt 3,23 tỷ USD/tháng.
Nhóm mặt hàng đạt kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc trên 1 tỷ USD, thì máy móc thiết bị đạt 5 tỷ USD, tăng 27,97%; điện thoại linh kiện đạt 3,71 tỷ USD; tăng 2,66%; vải các loại tăng 24,06%, đạt 3,03 tỷ USD; máy tính linh kiện điện tử đạt 2,73 tỷ USD; sắt thép các loại cũng tăng 26,88%, đạt 2,07tỷ USD….
Xuất siêu gần 1,7 tỷ USD sau 8 tháng
Theo số liệu mới nhất của Bộ Công thương, trong tháng 8, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 13 tỷ USD, tăng 0,7% so với tháng 7 trước. Tính chung từ đầu năm năm, con số này đạt 96,98 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ. Trong số này, doanh số từ khối FDI chiếm hơn hai phần ba (65,23 tỷ USD).
8 tháng giá bình quân xuất khẩu của một số mặt hàng tăng gần 3-12% như chè, hạt tiêu, gạo, than đá, dầu thô. Trong khi đó, lượng cà phê, sắn, cao su... xuất cảng lại giảm.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 12,9 tỷ USD trong tháng 8, gần tương đương với tháng 7. Tính chung từ đầu năm, kim ngạch nhập khẩu ước đạt gần 95,29 tỷ USD, tăng 12% so với cùng kỳ. Như vậy, xuất siêu 8 tháng đạt khoảng 1,7 tỷ USD, bằng 1,8% kim ngạch xuất khẩu.
Sau 8 tháng, thặng dư thương mại cả nước đạt gần 1,7 tỷ USD
Theo Bộ Công Thương, nhờ kim ngạch xuất khẩu trong tháng 8 tăng trưởng 0,7% so với tháng trước đã giúp xuất siêu cả nước trong 8 tháng đầu năm đạt xấp xỉ 1,7 tỷ USD.
Báo cáo tình hình sản xuất kinh doanh 8 tháng của Bộ Công Thương cho biết, trong tổng số 96,98 tỷ USD xuất khẩu kể từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp 100% vốn trong nước đóng góp 31,75 tỷ USD còn doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đóng góp 65,23 tỷ USD.
Đi vào chi tiết, báo cáo phân tích, sự phục hồi trong tháng tháng 8 đã có những dấu hiệu rõ nét, các mặt hàng chủ lực đều giữ được tốc độ tăng trưởng cao.
Đơn cử, mặt hàng điện thoại các loại và linh kiện qua 8 tháng đã xuất khẩu được 15,2 tỷ USD, tăng 13,7% so với tháng trước. Ngoài ra, mặt hàng dệt, may cũng đạt 13,6 tỷ USD, tăng 19,7%; giày dép đạt 6,7 tỷ USD, tăng 23,1%; dầu thô 5,6 tỷ USD, tăng 14,3%; thủy sản đạt 5 tỷ USD, tăng 23,6%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác đạt 4,8 tỷ USD, tăng 23,1%...
EU tài trợ Việt Nam 2,65 triệu euro vào 6 tiểu dự án
Ngày 4/9 vừa qua, Phái đoán Liên minh châu Âu tại Việt Nam và Dự án hỗ trợ chính sách thương mại đa biên châu Âu (MUSTRAP) tổ chức lễ khai trương 6 tiểu dự án trong khuôn khổ dự án EU-MUTRAP với tổng ngân sách 2,65 triệu euro.
Sáu tiểu dự án này sẽ do 3 hiệp hội doanh nghiệp và 3 viện nghiên cứu chủ trì thực hiện trong giai đoạn 2014-2017 sẽ tập trung xây dựng năng lực về các vấn đề thương mại và đầu tư quốc tế, đào tạo cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, vận động chính sách, tăng cường liên kết thị trường Việt Nam – EU…
Các đơn vị tiếp nhận nguồn tài trợ trực tiếp này bao gồm: Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Việt Nam; Hiệp hội Xuất khẩu mỹ nghệ Việt Nam; Viện nghiên cứu Da giày; Viện nghiên cứu và phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam; Trung tâm Hỗ trợ và phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam; Trung tâm Hỗ trợ và phát triển hợp tác xã & doanh nghiệp nhỏ và vừa phía Nam; Viện Chiến lược và chính sách công nghiệp.
Nguồn: Cafef