Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) – Hiệp định thương mại tự do được 10 nước thành viên ASEAN và 5 nước đối tác: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và Newzealand ký kết ngày 15/11/2020 đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Khi được thực thi, Hiệp định RCEP sẽ tạo thành một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới xét về quy mô dân số (quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, và GDP khoảng 26,2 nghìn tỷ USD, tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu) và dự kiến sẽ giúp củng cố chuỗi cung ứng, thúc đẩy thương mại khu vực đồng thời thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài cho hàng hoá Việt Nam.
Nguyên liệu dệt, hàng dệt may, quần áo, hoá chất là một trong những mặt hàng có thể xuất khẩu mạnh được các nước xoá bỏ thuế quan ngay sau khi Hiệp định RCEP có hiệu lực. Bên cạnh đó, đối với ngành dệt may, RCEP không đòi hỏi áp dụng quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi (như CPTPP) và từ vải trở đi (như EVFTA).
Ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch VITAS cho biết kim ngạch xuất khẩu dệt may 6 tháng đầu năm ngành dệt may VN ước đạt khoảng 22,3 tỷ USD, tăng trưởng 17,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó xuất khẩu hàng may mặc ước đạt 16,94 tỷ USD, tăng 19,5% so với cùng kỳ 2021; XK vải ước đạt 1,4 tỷ USD, tăng 20,8% so với cùng kỳ 2021. 5 thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may gồm: Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đặc biệt, Hiệp định RCEP có hiệu lực đã thúc đẩy bền vững hiệu quả xuất nhập khẩu vào thị trường Trung Quốc – thị trường tiêu thụ dệt may lớn nhất thế giới trong tương lai.
Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch VITAS phát biểu tại Hội nghị
Hiệp định RCEP giúp củng cố vị thế thương mại của Việt Nam và góp phần vào quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19, các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu chất lượng cao từ các nước thành viên khác và cải thiện khả năng tiếp cận thị trường với mặt hàng có giá trị gia tăng cao hơn. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội, cũng có nhiều khó khăn, thách thức đặt ra vì các nền kinh tế trong khu vực đều có năng lực cạnh tranh khá cao, nhất là trong bối cảnh nước ta còn phụ thuộc nhiều vào nguồn nguyên, phụ liệu nhập khẩu từ bên ngoài. Thực tế này, đòi hỏi các doanh nghiệp dệt may cần chủ động thích ứng. Theo ông Vũ Đức Giang, doanh nghiệp dệt may cần nghiên cứu kỹ cam kết, lộ trình cắt giảm thuế để chủ động có kế hoạch đáp ứng quy tắc xuất xứ. Đồng thời, liên kết hình thành các chuỗi cung ứng trong nước và khu vực, nhất là trong khối ASEAN để đa dạng hóa nguồn cung nguyên phụ liệu.
Ông Giang đề nghị Chính Phủ, Bộ sớm phê duyệt “Chiến lược phát triển ngành dệt may đến năm 2030, tầm nhìn đến nhăm 2035”. Đặc biệt, thúc đẩy phát triển giải pháp xây dựng thương hiệu vào thị trường RCEP nhằm đưa hình ảnh dệt may Việt Nam sang các nước trên thế giới, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp dệt may.
“Nhờ Hiệp định RCEP, trong năm 2021 đã có hàng loạt các dự án đầu tư trong khối vào thị trường Việt Nam ở lĩnh vực sản xuất vải, đặc biệt là vải dệt kim. Chúng ta còn đang hạn chế vải dệt thoi, ngành dệt may đang tiếp tục thúc đẩy liên kết chuỗi và xây dựng cung thiếu hụt, không chỉ phục vụ cho thị trường RCEP mà phục vụ cho cả các hiệp định thương mại khác”. “Khát vọng tới năm 2027, xuất khẩu dệt may Việt Nam sang khối RCEP sẽ đứng hàng đầu thế giới.” Ông Giang cho hay.