Thông tin cần biết

Hôm nay, Thứ Sáu, 01/11/2024

Đăng ký nhận tin

NĂNG LƯỢNG XANH CHO DOANH NGHIỆP: Tính cấp thiết và vấn đề đặt ra trong thực tiễn

18/05/2023 03:05 CH
Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Tọa đàm năm 2023 với chủ đề: “Năng lượng xanh cho doanh nghiệp: Tính cấp thiết và vấn đề đặt ra trong thực tiễn”.

Tiếp nối chuỗi sự kiện về điện mặt trời mái năm 2021 và 2022, dưới sự chỉ đạo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và sự phối hợp với các Hiệp hội doanh nghiệp, ngày 17/5/2023, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức Tọa đàm năm 2023 với chủ đề: “Năng lượng xanh cho doanh nghiệp: Tính cấp thiết và vấn đề đặt ra trong thực tiễn”. Tọa đàm thu hút sự tham dự từ các cơ quan quản lý Nhà nước, các doanh nghiệp, các chuyên gia, nhà khoa học…

Tại Tọa đàm, các khách mời tập trung thảo luận về bài toán kinh tế, giải pháp đầu tư khi doanh nghiệp sản xuất sử dụng năng lượng tái tạo. Với việc sử dụng năng lượng xanh từ hệ thống điện mặt trời mái nhà doanh nghiệp sẽ được hưởng các lợi ích về kinh tế, tiết giảm kinh phí sản xuất, có chứng chỉ xanh để nâng cao lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu.

Bên cạnh những lợi ích của việc sử dụng năng lượng xanh, doanh nghiệp còn gặp những vướng mắc, khó khăn, từ đó Tọa đàm cũng đề xuất phương án tháo gỡ, tổng hợp những góp ý đề xuất từ phía Hiệp hội doanh nghiệp, các chuyên gia góp phần thúc đẩy thị trường điện mặt trời mái nhà cho mô hình tự nguyện sử dụng được phát triển rộng khắp.

Phát biểu tại Toạ đàm, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, phát triển và ứng dụng năng lượng xanh để tiến tới mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính, chống biến đối khí hậu đang là xu hướng của toàn cầu.

Ngày 26 tháng 7 năm 2022 Chính phủ ban hành Quyết định số 896/QĐ-TTg về “Phê duyệt chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050” đã đề ra kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính theo từng lĩnh vực. Cụ thể về cung cấp năng lượng, Quyết định nêu rõ cần “đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển năng lượng sạch, sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và các giải pháp công nghệ đột phá trong tương lai đồng thời bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia”. 

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)

Với ngành năng lượng, Phó Chủ tịch VCCI cho biết Quy hoạch điện VIII được ban hành mới đây, cũng đã thống nhất chủ trương chiến lược phát triển cơ cấu nguồn điện theo đúng tinh thần Nghị quyết số 55 – NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó có ưu tiên phát triển điện mặt trời mái nhà, điện mặt trời tự sản, tự tiêu.

Đặc biệt, Quy hoạch điện VIII nêu rõ, “điện mặt trời mái nhà được ưu tiên phát triển cho mô hình tự dùng nhằm phục vụ sản xuất, các doanh nghiệp cần không giới hạn công suất, với giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện có sẵn có, không phải nâng cấp lưới tải, nên cần ban hành chính sách đột phá để phát triển”.

Trong thực tế, chỉ số ít doanh nghiệp xuất khẩu may mặc chọn phương án mua điện năng lượng tái tạo từ hệ thống điện mặt trời mái nhà của các Quỹ đầu tư nước ngoài. Với các ngành sản xuất còn rất nhiều lĩnh vực đang mong muốn được sử dụng năng lượng xanh để tiết kiệm chi phí hoạt động, vận hành nhà máy và thực hiện chứng chỉ xanh.

“Tuy nhiên hiện tại, vẫn chưa có quy định, hướng dẫn đầu tư, lắp đặt cụ thể rõ ràng cho mô hình tự dùng, các doanh nghiệp sản xuất còn lúng túng chưa chủ động được việc đầu tư và phát triển, chưa dám đầu tư lắp đặt. Do đó cần gói giải pháp tổng thể từ phía chính quyền, doanh nghiệp”, ông Hoàng Quang Phòng khẳng định.

Đồng thời cho biết, VCCI sẽ có tổng hợp các kiến nghị, đề xuất giải pháp của Toạ đàm gửi các cơ quan chức năng để xem xét, điều chỉnh cơ chế phù hợp nhằm khơi thông thủ tục khuyến khích sử dụng năng lượng xanh được phát triển rộng khắp tới các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, hướng tới nền kinh tế xanh, bền vững.

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Nguyễn Văn Vy – Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nhận định, các nguồn điện linh hoạt trong hệ thống điện (thủy điện, tuabin khí hỗn hợp sử dụng khí đốt) hiện chiếm trên 40% tổng công suất các nguồn điện của hệ thống, nên sự thay đổi của các nguồn điện mặt trời và điện gió chưa ảnh hưởng nhiều đến an toàn vận hành trong hệ thống.

Tuy nhiên, ông Vy cũng cho rằng, khi tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo biến đổi chiếm tỷ trọng cao, cần thực hiện các giải pháp để bảo đảm an toàn, linh hoạt trong hệ thống điện.

Theo ông Vy, các giải pháp chủ yếu gồm nâng cao độ chính xác của công tác dự báo thời tiết để giảm sự không chắc chắn của các nguồn năng lượng tái tạo biến đổi. Phát triển các nguồn điện linh hoạt để thích ứng với sự biến đổi: Thủy điện, thủy điện tích năng, TBK đơn, các nguồn điện nhỏ đấu nối với lưới điện phân phối sử dụng dầu.

Thực hiện liên kết lưới điện với các nước trong khu vực; phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng quy mô lớn, đầu tư phát triển và cải tạo hệ thống lưới truyền tải.

Phân cấp cho các đơn vị điện lực tại các địa phương quản lý vận hành các nguồn điện đấu nối với lưới điện phân phối, thực hiện tối ưu hóa vận hành hệ thống phân phối với các nguồn năng lượng phân tán.

Phát triển hệ thống lưu trữ năng lượng trong các nhà máy điện gió, điện mặt trời và tại các hộ gia đình có nguồn điện tái tạo. Phát triển lưới điện thông minh nhằm tăng cường quản lý phía cầu và kết hợp sử dụng tối ưu nguồn năng lượng tái tạo trong hệ thống.

“Với việc thực hiện tốt các giải pháp trên, đảm bảo hệ thống năng lượng Việt Nam sẽ thực hiện chuyển đổi thành công, góp phần phát triển bền vững và hiệu quả hệ thống năng lượng, phù hợp với xu thế chuyển đổi năng lượng trên thế giới” – ông Nguyễn Văn Vy nhận định.

Thông tin tại Tọa đàm, ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết, ngành Dệt may hiện nay có khoảng 3 triệu lao động, trong quý I/2023, KNXK ngành dệt may đạt 8,7 tỷ USD, giảm ~18% so với cùng kỳ 2022. Ngành Dệt may đã tiếp cận với năng lượng xanh, năng lượng tái tạo từ điện áp mái, điện mặt trời từ rất sớm… Việc tiếp cận với năng lượng tái tạo đem đến nhiều lợi ích cho cả các bên, nhất là những lĩnh vực có sự tiêu thụ lớn… 

 

Ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam

Theo ông Giang, tiêu chuẩn xanh chỉ là một trong những tiêu chuẩn, không phải bắt buộc đối với hàng hóa xuất khẩu, nên việc đơn hàng nhiều hay ít còn phụ thuộc vào các yếu tổ chính như năng suất lao động, giá, thời gian giao hàng…

Vấn đề quan trọng nhất trong việc áp dụng năng lượng tái tạo, năng lượng xanh chính là tài chính, bởi không phải doanh nghiệp nào cũng đủ khả năng để đầu tư vào việc phát triển song hành trong quá trình sản xuất và không phải ngân hàng nào cũng cấp vốn cho doanh nghiệp để đầu vào lĩnh vực này.

Tuy nhiên, việc các doanh nghiệp tiếp cận với năng lượng tái tạo, năng lượng xanh là cần thiết, bởi hiện tại, chi phí điện lưới là rất lớn, việc phát triển điện mái, điện mặt trời sẽ giúp doanh nghiệp không chỉ tạo ra các chứng chỉ xanh cho hàng hóa mà còn giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa được sản xuất ra. 

Bên cạnh đó, xoay quanh vấn đề Chính phủ phê duyệt quy hoạch Điện VIII sau 2 năm rà soát, ông Giang đề xuất, việc quy hoạch Điện VIII đã ra đời là rất tốt, nhưng chi tiết về quản lý cần được chuẩn hóa để có một tiêu chuẩn thống nhất trên cả nước, đặc biệt, là tấm pin năng lượng có sự thống nhất, giống nhau và đảm bảo an toàn cho người lắp đặt các tấm pin mặt trời này như nào.

Cùng với đó, các nhà làm thương mại, các nhà phát triển năng lượng mặt trời, điện áp mái cũng cần phải có tầm nhìn, đưa ra các khả năng an toàn trong lắp đặt và sử dụng, để đem lại hiệu quả cho người dùng. Các cơ quan quản lý cũng cần tính đến phương án đưa phần điện dư thừa lên hệ thống lưới điện để tạo ra nguồn thu cho doanh nghiệp thực hiện lắp đặt năng lượng tái tạo, năng lượng xanh, từ đó tạo ra nguồn thu đóng góp vào việc giảm chi phí giá thành, tăng tính cạnh tranh cho các sản phẩm của doanh nghiệp.

“Để khuyến khích doanh nghiệp thực hiện, thì cần có các cơ chế cụ thể để thu hút việc đầu tư, đảm bảo hài hòa lợi ích cho các doanh nghiệp. Còn các nhà phát triển điện mái, điện mặt trời, cần tính đến phương án xử lý nhanh khi lắp đặt, sử dụng… khi bước vào luật chơi toàn cầu, với các yếu tố đã đề ra thì phát triển xanh là yếu tố then chốt để đem đến sự phát triển bền vững”, ông Giang bày tỏ.

Chia sẻ tại Tọa đàm, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) ông tin, trong văn bản các doanh nghiệp thành viên gửi có liên quan đến việc họ cần lắp điện mặt trời áp mái cho nhà máy thủy sản và bao bì. Nhưng có sự vướng mắc ở văn bản pháp quy, cụ thể là Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong đó hướng dẫn về lắp hệ thống điện áp mái cho doanh nghiệp. Do đó, với Quy hoạch Điện 8, “chúng tôi mong muốn Chính phủ nhanh chóng ban hành về mặt cơ chế, hướng dẫn để đầu tư, đáp ứng được trách nhiệm môi trường từ các nước nhập hàng đang yêu cầu; thực hiện đúng lộ trình tăng trưởng xanh, phát triển xanh và kinh tế tuần hoàn, hay giải quyết chi phí năng lượng” – ông Nam nói.

Hiện nay, quá trình phát triện điện áp mái tại khu công nghiệp, doanh nghiệp cũng đã và đang gặp phải không ít vướng mắc như: Giấy phép xây dựng - quy định phải xin giấy phép xây dựng đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà là không phù hợp với Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam và Luật Xây dựng. Theo các định nghĩa trong Quyết định số 13 và Luật Xây dựng thì hệ thống điện mặt trời mái nhà không phải là công trình xây dựng do không liên kết và định vị với đất.

Thẩm duyệt thiết kế PCCC - Quy định PCCC cho điện mặt trời mái nhà mới nhất hạn chế về Giới hạn chịu lửa R15, trong khi đa số các nhà xưởng thép tiền chế đều không đạt GHCL này. Thêm vào đó quy định chất chống cháy lan đối với các lớp cách nhiệt trên mái rất khó đạt được, do các tấm cách nhiệt theo tiêu chuẩn Nhật Bản cũng bị cháy lan. Đó là khó khăn về vật liệu, các quy định của PCCC thiếu tính thực tiễn.

Về báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc đánh giá tác động môi trường, trong thực tế, các dự án điện mặt trời mái nhà có quy mô nhỏ, được lắp đặt trên mái các công trình nhà xưởng đã được hình thành trong phạm vi khu công nghiệp. Theo Luật Bảo vệ Môi trường hiện hành, điện mặt trời mái nhà cũng không thuộc bất kỳ phân loại nhóm nào có nguy cơ tác động xấu đến môi trường theo quy định chung về danh mục loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Do đó, yêu cầu lập lại điện mặt trời toàn khu đối với khu công nghiệp chỉ vì có hoạt động phát điện từ các hệ thống điện mặt trời mái nhà là chưa phù hợp.

Về tính ổn định của chính sách, việc đầu tư cho năng lượng tái tạo có thời gian thu hồi vốn dài, vì vậy, doanh nghiệp mong muốn cần có những cơ chế, chính sách cụ thể, tránh việc phát triển ồ ạt. Đồng thời, cần sớm hoàn thiện cơ chế bán điện trực tiếp bởi đây là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến nhà đầu tư. Không có sự ổn định, nhà đầu tư không dám thực hiện các dự án.

Theo: Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp

Tin khác :
Bản quyền © 2021 Hiệp Hội Dệt May Việt Nam (VITAS)
Trụ sở (VITAS) : Tầng 15, Khu VP tòa nhà C1 Thành Công, Phường Thành Công, Quận Ba Đình, Hà Nội.
Điện thoại : 84-24-39349608 / 39361167 / 39364134
VPĐD phía Nam : LP-05.OT19 và LP-05.OT20,
Tòa nhà Landmark Plus, Vinhome Central Park,
208 Nguyễn Hữu Cảnh, P. 22, Q. Bình Thạnh, TP.HCM.
Điện thoại : 84-28-22411485 - Fax: 84-28-38233465
Email : info@vietnamtextile.org.vn

Thống kê

Tổng lượt truy cập
: 11.367.870
Khách
: 1.197
 
Smartit Web7Mau - Website: www.web7mau.com - Email: developers.web7mau@gmail.com
Core Version: 1.8.0.0